Vợ chồng lão nông Nghệ An lãi hơn 20 triệu đồng mỗi tháng nhờ ‘vàng trắng’
Tận dụng lợi thế về nguồn nước và thức ăn cho vật nuôi, gia đình người Đan Lai ở Nghệ An kiếm thêm được nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng từ bán trứng vịt nuôi thả sông.
Nhà của vợ chồng ông La Thanh Túc ở bản Nam Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông) cách chân cầu vượt sông Giăng chỉ vài trăm mét. Vợ chồng ông thường xuyên duy trì đàn vịt hơn 500 con, song khi vào nhà, vào khu chăn nuôi vịt thì vườn chuồng sạch sẽ. Trứng vịt xếp la liệt, thứ sản phẩm mà bà La Thị Hoá, vợ ông Túc, gọi là “vàng trắng” của gia đình. Bởi nhờ sản phẩm này, gia đình bà có thêm từ 20-25 triệu đồng/tháng.

Bà Hoá vừa cho biết, 500 con vịt đẻ trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 300 - 350 trứng. Hầu hết trứng được thương lái vào tận nhà mua, một phần được người dân địa phương “đặt hàng” nên nhặt đến đâu bán hết đến đó. Giá bán trung bình là 3.000 đồng/quả. Trừ chi phí, ít nhất mỗi tháng vợ chồng bà cũng thu lãi 20-25 triệu đồng.
Công việc hàng ngày đã mấy chục năm nay đối với vợ chồng ông La Thanh Túc là trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Gắn bó với cuộc sống nông thôn vùng miền núi cao, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình ông Túc hầu như đều tự trang trải, ít khi mua sắm ở ngoài. Điều đáng nói, nhờ tận dụng các nguồn thức ăn tự nhiên nên giảm được chi phí và tăng chất lượng các sản phẩm chăn nuôi.
-cb8dda5602e3d46c2a17ade8a00119c1.jpg)
Mô hình chăn nuôi vịt thả sông đã được vợ chồng ông duy trì hơn 2 năm nay, quay vòng đàn vịt quy mô 500 - 600 con. Số lượng vịt khá nhiều, song nhờ có môi trường chăn thả là sông Giăng chảy qua địa bàn, mực nước quanh năm khá ổn định nên việc chăn thả thuận lợi.

Ông Túc cho biết, chỉ trừ mùa lũ tầm tháng 8 đến tháng 11 hàng năm có hạn chế chăn thả trên sông, còn lại nhờ tôm cá, cua ốc tự nhiên và các loại cỏ dại ven sông là nguồn thức ăn mà đàn vịt tự kiếm nên gia đình tiết kiệm được lượng lớn chi phí mua thức ăn chăn nuôi.
Những ngày mưa gió không thả vịt ra sông thì cho thêm cám ngô, rau xanh trồng được trong vườn nhà như thân cây chuối, các loại rau, cỏ. 500 con vịt đẻ sau mỗi chu kỳ nuôi, thu hoạch trứng 3-4 tháng thì được bán vịt thịt với giá trung bình 150 ngàn đồng/con, mỗi lứa “thanh lý” khoảng 100-150 con.

Nói thêm về hiệu quả kinh tế của cách chăn nuôi vịt trên sông của gia đình ông Túc và người dân trên địa bàn, ông Ngân Văn Thanh, cán bộ Hội Nông dân xã Môn Sơn cho biết, nhờ chăn nuôi theo hướng xanh sạch, thức ăn tự nhiên nên chất lượng sản phẩm chăn nuôi tại địa phương rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, chăn nuôi, trồng trọt vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của Môn Sơn.

Trong đó, đàn gia cầm hiện đang duy trì hơn 64.000 con, hơn 6.000 con trâu, bò, đàn lợn trên 7.000 con… Ngoài giúp duy trì nguồn thu nhập cho người dân, ngành chăn nuôi ở Môn Sơn là nguồn cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cho các dịch vụ du lịch, lễ hội vốn cũng đang có nhiều bước khởi sắc nơi đây.