Thời sự

Nghệ An: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Thành Duy 24/04/2025 18:26

Chiều 24/4, Đoàn Giám sát chuyên đề HĐND tỉnh về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Nghệ An từ năm 2022 - 2025 làm việc với UBND tỉnh.

bna_ubnd-tinh-nghe-an.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát.

Tham gia cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các ban HĐND tỉnh, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Làm việc với đoàn lãnh đạo UBND tỉnh có các đồng chí: Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng lãnh đạo các sở, ngành và một số địa phương.

Tiếp tục điều chỉnh mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn, phù hợp thực tế

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết liên quan đến công tác quy hoạch, sắp xếp trường lớp.

Theo đó, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới trường lớp theo hướng tinh gọn, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc; hiện toàn tỉnh vẫn còn 882 điểm trường lẻ, chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học.

Trong khi đó, ở khu vực đô thị, nhất là thành phố Vinh, tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, khiến nhiều trường học rơi vào tình trạng quá tải.

Trưởng ban Văn hóa -Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An Chu Đức Thái
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nghệ An Chu Đức Thái kiến nghị một số nội dung đối với UBND tỉnh qua giám sát chuyên đề. Ảnh: Thành Duy

Trước tình trạng này, đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh rà soát lại quy mô dân số từng khu vực để kịp thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư, xây dựng mới hoặc mở rộng trường học.

Đặc biệt, tại TP. Vinh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở 2 của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và xem xét tiếp nhận, mở rộng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh để giảm tải cho hệ thống trường công lập.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân kiến nghị một số nội dung đối với UBND tỉnh qua giám sát chuyên đề. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh giáo dục phổ thông, vấn đề sắp xếp, tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng được đoàn giám sát quan tâm. Theo đánh giá, hiện mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn manh mún; tỷ lệ tuyển sinh vào các bậc cao đẳng, trung cấp còn thấp, chỉ chiếm khoảng 21,6%.

Đoàn giám sát đề nghị tỉnh nghiên cứu mô hình đào tạo nghề theo hướng tập trung chuyên sâu, sắp xếp lại hệ thống đào tạo hiện có, xem xét hình thành 3 trung tâm đào tạo nghề vùng trọng điểm tại Bắc Nghệ An (Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quỳnh Lưu), Tây Nghệ An (Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây tại Thái Hòa) và khu vực biên giới (Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú tại Con Cuông).

Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực phát triển 3 trường cao đẳng nghề chất lượng cao gồm: Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Việt - Đức và Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An, tạo thành mạng lưới đào tạo nghề liên kết theo cụm ngành, vùng miền.

bna_bui-dinh-long-pho-chu-tich-tinh-nghe-an.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long và các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Một nội dung quan trọng khác được đoàn giám sát nhấn mạnh là việc rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo phù hợp với bối cảnh mới.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cho rằng, cần đánh giá một cách toàn diện hiệu quả của các chính sách giáo dục đã được HĐND tỉnh ban hành trong thời gian qua. Những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực cần được tiếp tục duy trì, còn những chính sách chưa phát huy tác dụng thì nên mạnh dạn dừng lại, nhằm tái phân bổ nguồn lực cho các chính sách trọng điểm, nhất là những lĩnh vực khó khăn hoặc cần khuyến khích phát triển.

ban_nguyen-nhu-khoi.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Liên quan đến đào tạo nghề, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ một số bất cập khi cơ cấu ngành nghề đào tạo hiện nay chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Cụ thể, vẫn còn thiếu những ngành nghề có nhu cầu cao như tự động hóa, điện khí, điện tử…

Một điểm đáng lưu ý khác là năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Trung, của học sinh và người lao động còn hạn chế. Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành chức năng cần xây dựng các giải pháp cụ thể, sát thực để khắc phục tình trạng trên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tại cuộc làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác quản lý và tuyển sinh ở các bậc học khác nhau, cũng như vấn đề tuyển dụng giáo viên trong điều kiện tỉnh đang triển khai tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

GS. TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh
GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình các nội dung đoàn giám sát đặt ra. Ảnh: Thành Duy

GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp giải trình các nội dung đoàn giám sát đặt ra; trong đó bày tỏ đồng tình cao với việc cần rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp; việc tiếp nhận, mở rộng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh; thu gọn các trường nghề theo hướng trọng điểm, trung tâm vùng…

Liên quan đến vấn đề biên chế, Giám đốc Sở cho biết, hiện ngành Giáo dục còn hơn 1.500 chỉ tiêu biên chế chưa được tuyển dụng. Trong đó, bậc THPT vẫn đang được phép tuyển dụng bình thường theo kế hoạch. Riêng đối với các cấp học từ mầm non đến THCS, việc tuyển dụng sẽ được triển khai sau khi tỉnh hoàn tất tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm hoàn thành trước khi bước vào năm học mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu giảng dạy và học tập.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở cũng đã trình bày và phân tích cụ thể các phương án tuyển sinh phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Các phương án này được thiết kế trên cơ sở đảm bảo quyền lợi học sinh, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý, vận hành hệ thống giáo dục toàn tỉnh trong bối cảnh hành chính mới.

Giảm số điểm lẻ để tập trung đầu tư xây dựng trường bán trú, nội trú

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh, UBND tỉnh tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đoàn giám sát và sẽ chỉ đạo triển khai tối đa theo hướng được kiến nghị, với mong muốn nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành để ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh bùi Đình Long
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Từ kết quả giám sát, đồng chí đề nghị đoàn giám sát đồng tình, ủng hộ UBND tỉnh trong việc ban hành một số chính sách giáo dục riêng cho khu vực miền núi; đồng thời ủng hộ việc giao Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý một số nội dung như tuyển dụng và sử dụng biên chế toàn ngành khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao ngành Giáo dục chủ động tham mưu các chính sách liên quan đến tuyển dụng, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đảm bảo có thể vận hành ngay khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức được thực hiện.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận những nỗ lực, kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Nam Đình
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nói chung góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của tỉnh trong thời gian tới, thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xác định cụ thể các chỉ tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục trong giai đoạn mới phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

bna_img_6913.jpg
Các thành viên đoàn giám sát tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, UBND tỉnh tập trung các giải pháp, lộ trình để triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, nhất là giảm số lượng điểm lẻ để tập trung đầu tư xây dựng các trường bán trú, nội trú; tiếp tục tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách đã đầu tư cho phát triển giáo dục, đề xuất xây dựng chính sách cho giáo dục giai đoạn 2026-2030 đảm bảo sát thực, hiệu quả, đồng thời điều chỉnh những chính sách hiện nay không còn phù hợp với thực tế.

bna_hdnd-nghe-an.jpg
Các thành viên đoàn giám sát tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xem xét có phương án cơ cấu, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng liên vùng, chất lượng cao, gắn với nhu cầu thị trường lao động và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn tới.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp xử lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất giáo dục sau sắp xếp, nghiên cứu ưu tiên sử dụng cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp để làm trường học hoặc nhà công vụ, ký túc xá cho giáo viên, học sinh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Thành Duy