Nghệ An tiếp tục dẫn đầu Khu vực Bắc Trung Bộ về Chỉ số phát triển Thương mại điện tử năm 2025
Ngày 25/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025 với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI”.
Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) là sự kiện thường niên quy tụ đông đảo cộng đồng thương mại điện tử được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - Bộ Công Thương.
Sau 8 năm tổ chức, diễn đàn đã tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, trở thành một điểm đến giá trị và nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và cập nhật thông tin, đưa ra bức tranh tổng quan về ngành Thương mại điện tử tại Việt Nam.
.jpg)
Sự kiện năm nay diễn ra với quy mô hơn 1.500 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và quốc tế.
Điểm nhấn tại diễn đàn là Lễ công bố bảng xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2025 theo địa phương. Nghệ An xuất sắc tiếp tục dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 12 trên toàn quốc, tăng 4 bậc so với năm 2024. Kết quả này phản ánh những nỗ lực vượt bậc của tỉnh trong việc thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, cải thiện hạ tầng công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Chỉ số EBI được tính toán dựa trên ba thành phần chỉ số: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; Giao dịch TMĐT B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng); Giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Dựa theo Phương pháp Khung đánh giá sự sẵn sàng kết nối mạng áp dụng cho thương mại điện tử của Trung tâm Phát triển quốc tế thuộc Đại học Harvard.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công Thương Nghệ An cùng các sở, ban, ngành, địa phương đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách, ban hành các chương trình, kế hoạch, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử và khuyến kích doanh nghiệp chuyển đổi số.
Cũng theo báo cáo, khoảng 46% doanh nghiệp tại Nghệ An đã có website riêng, trong đó 75% tích hợp tính năng tương tác trực tuyến qua Zalo, Facebook, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, các ngành bán lẻ, nông sản và thủ công mỹ nghệ của tỉnh đã tận dụng tốt thương mại điện tử để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Để tiếp tục duy trì đà phát triển nhanh và bền vững, lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An cho biết, sắp tới Sở sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường hợp tác với các sàn thương mại điện tử và nền tảng công nghệ: Hỗ trợ doanh nghiệp địa phương mở rộng thị trường qua Shopper, TikTok, Lazada và các sàn quốc tế như Alibaba, Amazon…; đào tạo chuyên sâu về xuất khẩu trực tuyến; thúc đẩy thương mại điện tử xanh...