Kinh tế

Bài 1: Lợi thế, tiềm năng và hiệu quả thực tiễn

Hoài Thu, Thu Huyền 26/04/2025 12:55

Nghệ An có hơn 2/3 diện tích là núi đồi, rất thuận lợi về địa hình, khí hậu để cây chè thích nghi, phát triển với chất lượng vượt trội. Theo đó, người dân trồng chè có được nguồn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thậm chí, nhiều hộ gia đình trở nên khá, giàu từ trồng chè.

xaydungthuonghieuche-cover-k1.png
xaydungthuonghieuche-cover-k1-tit.png

Thu Huyền - Hoài Thu • 25/04/2025

Nghệ An có hơn 2/3 diện tích là núi đồi, rất thuận lợi về địa hình, khí hậu để cây chè thích nghi, phát triển với chất lượng vượt trội. Theo đó, người dân trồng chè có được nguồn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thậm chí, nhiều hộ gia đình trở nên khá, giàu từ trồng chè.

xaydungthuonghieuche-cover-k1-titphu1.png

Sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, đất trung du “rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt”, vợ chồng ông Nguyễn Văn Việt, bà Lê Thị Lý nay đã đề huề con cháu, cuộc sống khấm khá ấm no. Ông Việt cho hay, cả cuộc đời của ông gắn bó với những đồi chè xanh bát ngát. Cũng nhờ cây chè tươi tốt của quê hương mà bao thế hệ của gia đình ông được nuôi lớn, trưởng thành với cuộc sống tuy chưa giàu sang nhưng đủ đầy, con cháu được ăn học đến nơi đến chốn. Anh Nguyễn Văn Thơ, con trai ông Việt, nay đã hơn 40 tuổi cũng nối nghiệp ông cha với nghề trồng chè.

Sáng sớm một ngày tháng 3/2025, bắt đầu thu hoạch lứa chè đầu tiên của năm, anh Thơ cùng các “chiến hữu” vui vẻ mang máy móc, công cụ lên đồi bắt đầu lao động. Gia đình anh cũng như các hộ trồng chè ở xã Thanh Thịnh hầu hết đều thu hái chè bằng máy và nhập trực tiếp cho các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu chè búp tươi trên địa bàn huyện.

Gia đình anh Nguyễn văn Thơ xã Thanh Thịnh Thanh Chương thu hoạch chè xuân 2025
Gia đình anh Nguyễn Văn Thơ ở xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương thu hoạch chè vụ Xuân năm 2025.

Vụ chè vụ Xuân năm nay là lần thu hoạch đầu tiên. Khu đồi này nhà trồng hơn 1,5 ha, một đồi khác rộng hơn song xa nhà hơn có khoảng 3 ha. Mỗi năm thu hái khoảng 4-5 lứa, năng suất bình quân khoảng 16-18 tấn/ha. Trừ chi phí và tùy thời điểm giá thu mua cũng cho thu lãi khoảng 10-15 triệu đồng/ha”.

Anh Nguyễn Văn Thơ - xã Thanh Thịnh (Thanh Chương)

Những người nông dân sống bằng nghề canh tác chè ở huyện Thanh Chương như hộ gia đình ông Việt từ trồng chè đã có cuộc sống ổn định, thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống không phải là số ít. Ngoài những hộ trồng nguyên liệu, nhu cầu về thu mua, chế biến chè đã tạo thêm việc làm và các nghề mới cho chính những người ở địa phương vùng nguyên liệu chè: nghề chế biến chè búp; dịch vụ thu mua, buôn bán nguyên liệu chè búp; dịch vụ vận chuyển nông sản; dịch vụ lao động thời vụ thu hái chè, sơ chế chè tại các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu…

Chế biến chè ở Thanh Chương - Ảnh Đức Anh
Chế biến chè ở huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Theo thống kê của huyện Thanh Chương, toàn huyện hiện có khoảng 5.000 ha chè và khoảng hơn 20 cơ sở chế biến, sơ chế nguyên liệu chè búp, mang lại việc làm, thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình. Với số diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh đã giúp địa phương và các hộ dân ở huyện Thanh Chương có nguồn thu ổn định khi giá thu mua trung bình hàng năm được duy trì khoảng 4-4,5 ngàn đồng/kg chè búp tươi. Với năng suất bình quân khoảng 50 tấn/ha, chiếm 50% diện tích và 65% sản lượng chè của tỉnh, mỗi năm chè búp tươi của huyện Thanh Chương có thể đạt trên 200.000 tấn, thu về trên 800 tỷ đồng.

Nhờ phát triển chè, những xã dọc theo đường Hồ Chí Minh như Thanh Thủy, Thanh Mai, Hạnh Lâm, Thanh Đức… đời sống người dân ngày một khấm khá. Trồng chè cũng là một trong những định hướng địa phương xác định là cây kinh tế mũi nhọn và đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè, như sản phẩm "Chè xanh Thanh Chương" của Hợp tác xã Nông nghiệp và Chế biến chè Thanh Đức đã được công nhận là sản phẩm OCOP và nổi tiếng với chất lượng xanh - sạch - an toàn, chủ yếu tiêu thụ nội địa nhưng có tiềm năng lớn cho xuất khẩu. Cũng từ cây chè, nhiều hộ dân tại huyện Thanh Chương đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ dần khấm khá và trở nên giàu có.

Thu hoạch chè xuân ở Thanh Chương
Thu hoạch chè vụ Xuân ở huyện Thanh Chương.

Trao đổi của lãnh đạo huyện Thanh Chương cho biết, huyện định hướng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa vùng nguyên liệu chè hữu cơ, đồng thời, mở rộng thêm các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm; đưa vùng nguyên liệu chè không chỉ là nguồn thu nhập của người dân mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất chè truyền thống. Sự phát triển đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sẽ giúp cây chè không chỉ là một trong những "bệ đỡ" cho kinh tế huyện Thanh Chương mà còn đưa sản phẩm chè của tỉnh Nghệ An vươn ra thị trường trong nước, quốc tế.

Ở huyện Con Cuông, cũng từ cây chè mà người dân có đời sống kinh tế ngày một khấm khá. Tại xã Yên Khê, cây chè đã trở thành nguồn sinh kế ổn định cho hàng trăm hộ dân. Ông Đỗ Đức Điền ở thôn Trung Thành cho biết, ông gắn bó với mảnh đất Yên Khê và nghề trồng chè đã quá nửa đời người. Để duy trì nguồn thu nhập từ cây chè nuôi sống gia đình, với kinh nghiệm hơn 30 năm, ông Điền thâm canh tăng năng suất cây chè công nghiệp theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ chăm bón hơn cho 1 ha chè ở ngay đồi vườn của gia đình.

Người dân thôn Trung Tín, Yên Khê Con Cuông chăm sóc chè
Người dân thôn Trung Tín, xã Yên Khê (Con Cuông) chăm sóc chè. Ảnh: H.T

“Tôi tận dụng nguồn phân chuồng từ vật nuôi, kết hợp các phụ phẩm khác như rơm, rạ, thân cây ngô để ủ phân hoai mục bón cho cây chè. Sau vài vụ thu hái, có được nguồn tích cóp, tôi đầu tư xây đường bê tông dẫn lên đồi chè cùng với hệ thống ống dẫn nước tưới đến tận gốc cây, giúp chè chống chọi với mùa nắng hạn”, ông Điền cho hay. Nhờ vậy, hàng năm đồi chè hơn 1 ha với 4-6 vụ thu hái mang lại cho ông Điền 50 – 70 triệu đồng.

Vụ chè vụ Xuân năm vừa qua khá được giá, cộng với năng suất có tăng nên với 5 lứa thu hoạch mỗi năm, sản lượng đạt khoảng 6 tấn cũng cho thu nhập khá hơn chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Đức Điền - xã Yên Khê (Con Cuông)

Theo ông Lê Trung Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê, trên địa bàn xã hiện có hơn 600 hộ trồng chè, với tổng diện tích gần 300 ha, hàng năm cho năng suất bình quân 180 tạ/ha, cho sản lượng khoảng 4,5 nghìn tấn/năm, là nguồn thu nhập quan trọng cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Cùng với xã Yên Khê, diện tích chè của huyện Con Cuông nay đạt hơn 400 ha. Trong đó, diện tích chè kinh doanh hơn 330 ha, năng suất 150 tạ/ha; sản lượng khoảng hơn 5 nghìn tấn.

Bà con bản Trung Tín, xã Yên Khê, huyện Con Cuông thu hoạch chè. Ảnh tư liệu Văn Trường
Bà con bản Trung Tín, xã Yên Khê, huyện Con Cuông thu hoạch chè. Ảnh tư liệu Văn Trường

Cũng là địa phương có hàng trăm hộ gia đình có nguồn thu nhập chính từ trồng chè, đó là xã Hùng Sơn của huyện Anh Sơn. Ông Nguyễn Xuân Tý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn cho biết, hiện toàn xã có 587 ha chè công nghiệp, trong đó, có gần 6 ha chè đạt chuẩn VietGAP và đang trong thời gian thực hiện sản xuất theo hướng chè hữu cơ. Diện tích trồng chè đã mang lại cho người dân xã Hùng Sơn khoảng 40 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với canh tác chè là sự ra đời những ngành dịch vụ, chế biến giúp địa phương tiêu thụ hàng trăm tấn chè búp mỗi ngày khi vào vụ thu hoạch. Từ việc bán nguyên liệu chè tươi, ở xã Hùng Sơn đã có 3 sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao từ chè sau khi các hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển chế biến chè búp tươi; tiêu biểu có: Hợp tác xã Chè Minh Sáng; Xí nghiệp Chè Nghệ An đã hoạt động trở lại sau khi cổ phần hóa; cơ sở chế biến chè Đồng Lam, Quốc Thái…

Ông Trần Minh Hoàn - Chủ tịch UBND xã Hùng Hơn chia sẻ thêm, nhờ trồng chè, đời sống bà con xã Hùng Sơn được nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người thuộc “tốp” cao của huyện Anh Sơn, với hơn 56 triệu đồng/người/năm.

Nhờ cây chè, đời sống người dân Hùng Sơn, Anh Sơn ngày càng được cải thiện. Trong ảnh Thu hái chè hữu cơ ở Hùng Sơn, Anh Sơn.
Nhờ cây chè, đời sống người dân Hùng Sơn, huyện Anh Sơn ngày càng được cải thiện. Trong ảnh: Thu hái chè hữu cơ ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn).
xaydungthuonghieuche-cover-k1-titphu2.png

Cây chè định hình tại Nghệ An bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX, chủ yếu được trồng ở các vùng đồi núi như Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu. Trồng và chế biến búp tươi ở Nghệ An được chủ yếu để phục vụ công nghiệp chế biến và tiêu dùng trong tỉnh, trong nước với nhiều giống chè khác nhau, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ. Nghệ An có những vùng đất trồng chè tốt lên đến hàng chục ha, trải dài từ huyện Thanh Chương lên tận huyện Kỳ Sơn.

Hiện nay, người dân đang trồng chè công nghiệp ở Nghệ An là đất đồi vệ kéo dài từ huyện Thanh Chương lên đến tận huyện Kỳ Sơn. Đất này thuộc loại đất feralit đỏ vàng giàu alumin, rất thích hợp cho cây chè phát triển cả về năng suất và chất lượng. Chè Gay nổi tiếng thơm, ngon có tiếng khắp mọi miền cũng nhờ được trồng trên loại đất này.

1 đồi chè Anh Sơn ảnh Thu Huyền
Đồi chè ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Những nỗ lực trong việc phát triển cây chè búp không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Từ thành công của những sản phẩm chè xanh trên mảnh đất nghèo miền núi đã mở ra hướng phát triển những sản phẩm nông nghiệp mới, phát huy Chương trình OCOP và sản xuất xanh, nông nghiệp xanh mà hiện nay tỉnh đang tích cực triển khai.

Từ cây chè, nhiều miền quê khởi sắc thấy rõ. Ví như xã Hùng Sơn (Anh Sơn) trước đây là xã nghèo nhất của huyện, từ năm 2010 sau khi đưa cây chè vào kinh doanh, đời sống người dân được nâng cao, nhiều hộ có thu nhập khá, Hùng Sơn trở thành xã khá. Năm 2015, xã Hùng Sơn là xã đầu tiên của huyện Anh Sơn được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Với tiềm năng kinh tế từ trồng chè, cây chè ở Nghệ An dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở các huyện miền núi. Cùng với chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương đã mở rộng diện tích trồng chè, đưa các giống chè cao sản, năng suất cao vào trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Các công nghệ chế biến chè thủ công cũng được áp dụng ở một số cơ sở sản xuất . Cùng với đó là sự đầu tư khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã giúp ngành công nghiệp chế biến chè ngày càng có quy mô lớn, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, nhiều vùng trồng chè cũng bắt đầu thực hiện việc canh tác chè sạch, chè an toàn và thực hiện chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ.

Thu hoạch chè hữu cơ ở Bình Sơn, Anh Sơn. Ảnh Thanh Phúc
Thu hoạch chè hữu cơ ở xã Bình Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc

Đặc biệt, từ những năm 2010 đến nay, đối mặt với nhiều thách thức về thị trường xuất khẩu, giá cả chè không cao, các địa phương, người dân canh tác cây chè đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến chè, và chuyển hướng ngày càng nhiều theo mô hình sản xuất chè hữu cơ như ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Kỳ Sơn. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đã giúp ngành chè Nghệ An nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhờ đó, hiện nay, ngành chè Nghệ An đã bắt đầu tiếp cận sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, với các sản phẩm chè được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.

Hiện tỉnh Nghệ An có trên 8.300 ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn thứ 3 cả nước với sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Trong số diện tích chè nói trên có 6.000 ha chè kinh doanh và hàng năm đã chế biến được khoảng 10 ngàn tấn chè các loại, xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Cây chè nguyên liệu được trồng tập trung ở 5 huyện miền núi: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp.

Chăm sóc cây chè ở Thanh Chương - Ảnh Huy Thư
Chăm sóc cây chè ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

>> Bài 2: Sản xuất chè hữu cơ
>> Bài 3: Định vị cây chè Nghệ An?
>> Bài cuối: Xây dựng vùng nguyên liệu sạch và thương hiệu sản phẩm

Hoài Thu, Thu Huyền