Bài 2: Sản xuất chè hữu cơ
Để xây dựng và khẳng định thương hiệu cho chè Nghệ An, người nông dân và các doanh nhân đã và đang triển khai sản xuất gắn với chế biến chè hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Từ hướng đi này, không chỉ giúp sản phẩm chè của tỉnh vươn ra thị trường thế giới, mà còn cho thấy sự bắt nhịp xu hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.


Thu Huyền - Hoài Thu • 25/04/2025
Để xây dựng và khẳng định thương hiệu cho chè Nghệ An, người nông dân và các doanh nhân đã và đang triển khai sản xuất gắn với chế biến chè hữu cơ đạt chuẩn quốc tế. Từ hướng đi này, không chỉ giúp sản phẩm chè của tỉnh vươn ra thị trường thế giới, mà còn cho thấy sự bắt nhịp xu hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững theo định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Sống, gắn bó với nghề sản xuất nông nghiệp đã hơn nửa đời người ở xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, ông Nguyễn Hồng Kỳ cho biết, lần đầu tiên ông tham gia Hợp tác xã Chè hữu cơ Bình Sơn vừa thành lập cuối năm 2023. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ đưa ông đến với những cách làm mới trong nghề nông, mà còn mở ra những tư duy mới, kiến thức mới đối với người nông dân chân lấm tay bùn. Đó là những vỡ vạc về ưu thế và xu hướng của nền sản xuất xanh, bền vững, an toàn cho con người và môi trường sống của chính mình và cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An giai đoạn 2022-2024" tại thôn Tân Hợp, xã Bình Sơn. Dự án bao gồm chuyển đổi 10 ha chè kinh doanh, thay đổi lối canh tác thông thường sang canh tác hữu cơ. Sau gần 3 năm, mô hình đã giúp hình thành vùng sản xuất chè sạch, an toàn, chất lượng, với năng suất bình quân đạt 1,5-2,5 tấn/ha/lứa. Ông Nguyễn Hồng Kỳ bộc bạch, sau 3 năm đăng ký và thực hiện canh tác chè theo quy trình hữu cơ, các hộ đã thành lập hợp tác xã chè hữu cơ với 10 hộ tham gia. Hộ ông Kỳ trồng 1,5 ha. Lứa chè vụ Xuân 2025 cũng là lần đầu tiên hưởng thành quả chè hữu cơ, gia đình ông thu hoạch được 5 tấn chè búp, nhập cho doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường 5 giá, khoảng 5.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay mà người trồng chè ở xã Bình Sơn bán được, các hộ dân rất phấn khởi, càng thêm động lực để kiên trì theo hướng canh tác xanh, sạch đã đề ra.

Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Hợp tác xã Chè hữu cơ Bình Sơn, cũng là Trưởng thôn Tân Hợp, xã Bình Sơn cho biết, vùng chè hữu cơ ở Bình Sơn đã được công nhận đạt chuẩn canh tác hữu cơ vào cuối năm 2024. Vùng trồng cách xa các trang trại, khu chăn nuôi và tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, với tổng diện tích 10 ha, có 10 hộ tham gia. Hộ nhiều nhất là 2 ha, còn trung bình mỗi hộ 0,5 - 1 ha. Đây là mô hình người dân được thụ hưởng từ dự án, đề tài khoa học của các sở, ngành cấp trên, được hỗ trợ từ khâu canh tác, làm đất đến giống, kỹ thuật chăm sóc. Riêng phần phân bón hữu cơ (phân đạm cá) thì người dân có đối ứng một phần và bón cho cây chè theo cách thủ công.
Hiệu quả kinh tế đối với bán chè búp nguyên liệu hiện chưa cao hơn nhiều so với trồng theo cách thông thường, song qua hơn 3 năm kiên trì thực hiện, người trồng chè cũng đã dần “thấm” được ưu điểm của hướng canh tác mang tính bền vững này. Điều yên tâm nhất đó là có lợi cho sức khỏe người trực tiếp sản xuất, sau đó là môi trường và cả người tiêu dùng sản phẩm. Thêm vào đó, trồng nông sản theo quy trình chuẩn hữu cơ sẽ tăng sức đề kháng cho cây trồng, giảm thoái hóa giống cũng như chất lượng sản phẩm.

Cũng với tư duy làm nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, với hướng đi mang tính bền vững, anh Trần Điển Vi ở xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương cũng đã bắt tay xây dựng vùng chè hữu cơ ngay trong vườn đồi của gia đình.
Vùng trồng chè tuy chỉ hơn 1 ha, song tôi đã kiên trì thực hiện canh tác thủ công xanh, sạch hơn 6 năm, và cuối năm 2024 đã được công nhận là mô hình trồng chè hữu cơ đầu tiên của huyện”.
Anh Trần Điển Vi - Xã Thanh Đức (Thanh Chương)
Đã và đang xây dựng thành công thương hiệu cam hữu cơ, sản phẩm được thị trường đón nhận, anh Trần Điển Vi tiếp tục mở rộng phạm vi cây trồng theo hướng sản xuất xanh này. Đối với cây chè, ông chủ trẻ của vùng sơn cước Thanh Đức không muốn dừng lại ở bán nguyên liệu thô. Theo anh Điển Vi, “đây là mô hình tôi dự kiến cho tương lai mà tôi đã đặt mục tiêu xây dựng về một chuỗi sinh thái khép kín cho hướng du lịch - dịch vụ, còn gọi là du lịch canh nông, mang đến cho du khách vừa trải nghiệm thu hoạch, chế biến nông sản vừa được thưởng thức sản vật của địa phương với chất lượng tốt nhất”.
.jpg)
Theo mục tiêu của mình, anh Điển Vi cho hay, các trang trại trồng cam hữu cơ, chè hữu cơ của mình gắn với đời sống, sức khỏe trước hết là các thành viên trong gia đình, họ hàng. Sau đó là sức khỏe cho cộng đồng và cho chính môi trường xung quanh. Khi đã xây dựng được hệ sinh thái hữu cơ an toàn, những cây trồng, vật nuôi theo chuẩn hữu cơ cũng chính là nguồn mang lại lợi nhuận bền vững khi anh triển khai mô hình du lịch canh nông, đưa trải nghiệm từ vườn đồi và bán sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, tối giản các khâu trung gian, giảm chi phí tiếp thị.
Không chỉ ở huyện Thanh Chương, nhiều huyện khác của tỉnh cũng đang triển khai những mô hình chè VietGAP, chè chuẩn hữu cơ như ở xã Bình Sơn (Anh Sơn), xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn),… Việc phát triển cây chè, đặc biệt là chè hữu cơ, đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược nông nghiệp của tỉnh Nghệ An.
Để thúc đẩy sản xuất chè hữu cơ và VietGAP, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các quyết định như Quyết định số 4288/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 và Quyết định số 3108/QĐ-UBND ngày 11/10/2022. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích chè ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ đạt 8.500 ha, chiếm 70,8% diện tích trồng chè công nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, phân bón và kết nối tiêu thụ cho nông dân chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Những nỗ lực này nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Nghệ An, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.


Cũng với tư duy và khát vọng xây dựng thương hiệu cho riêng sản phẩm chè hữu cơ, anh Đào Quang Vũ nhiều năm nay đã và đang kiên trì gắn bó với người dân huyện rẻo cao Kỳ Sơn trồng và sản xuất chè, trà shan tuyết hữu cơ. Chúng tôi đã nhiều lần tác nghiệp ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn, trong không ít lần đã đến với vùng rẻo cao Tây Sơn, Huồi Tụ, nơi quanh năm mây phủ với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây có các vùng chè shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên đã hàng trăm năm tuổi. Có những cây chè shan tuyết sừng sững trên vùng rừng cao, trải qua mưa nắng cùng bao thế hệ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, bảo vệ núi rừng biên cương. Ngoài những vùng rừng chè cổ thụ, cây chè shan tuyết dần được phát triển và mang lại thu nhập cho người dân bản địa ở huyện Kỳ Sơn khi bắt đầu có doanh nghiệp thu mua chè nguyên liệu.
Doanh nghiệp của anh Đào Quang Vũ cũng bắt đầu kinh doanh thứ nông sản đặc hữu này ở huyện Kỳ Sơn khoảng 4 năm nay, song cách kinh doanh của anh Vũ ngoài xây dựng sản phẩm OCOP trà shan tuyết, anh Vũ còn đi theo một hướng hoàn toàn mới chưa có ở địa phương rẻo cao này. Đó là xây dựng vùng nguyên liệu chè hữu cơ trên núi cao và tối ưu hóa giá trị sản phẩm từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến sản phẩm bán ra thị trường.

Anh Đào Quang Vũ cho biết, cuối năm 2024, hơn 8 ha chè shan tuyết canh tác dọc các sườn núi, trên đỉnh núi ở xã Huồi Tụ đã được công nhận đạt chuẩn hữu cơ. Nhờ sự chung tay của đồng bào ở xã Huồi Tụ, ngoài quy trình chăm sóc, trồng trọt chè hoàn toàn tuân thủ quy định về canh tác hữu cơ, thì khâu thu hái cũng được thực hiện bằng tay để cho ra những mẻ trà shan tuyết chất lượng nhất. “Ngoài cách sao chè thủ công để làm trà shan tuyết, công ty hiện cũng đã mở rộng sản phẩm trà shan tuyết thêm nhiều chủng loại, phù hợp với thị hiếu nhiều phân khúc khách hàng và đã có sản phẩm xuất khẩu, như hồng trà, bạch trà, trà lên men,... Từ năm 2025, chúng tôi sẽ tiến hành trồng thêm 21 ha chè theo chuẩn sản xuất hữu cơ”, anh Đào Quang Vũ cho biết.
Ông Hạ Bá Lỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ cho hay, cây chè shan tuyết đã có mặt lâu đời ở các bản làng Huồi Tụ. Song người dân địa phương chưa phát huy được giá trị của loài cây đặc sản này cho đến khi có doanh nghiệp tham gia kinh doanh sản phẩm chè, trà ở huyện Kỳ Sơn, trong đó chủ yếu là vùng Huồi Tụ. Nhờ có xưởng chế biến chè búp, có thương lái thu mua chè búp mà hàng chục hộ dân xã Huồi Tụ có thêm nguồn thu nhập mới từ cây chè. Đồng thời, trồng chè cũng giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của các bản làng, nhất là khi có doanh nghiệp vừa trồng trọt, vừa gắn với chế biến chè búp ngay trên địa bàn xã.

Hiện nay, sản phẩm lục trà và hồng trà chế biến từ chè shan tuyết Kỳ Sơn đã được doanh nghiệp tiếp thị, kết nối để tham gia các cuộc triển lãm, quảng bá sản phẩm ở nhiều quốc gia như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Mỗi năm doanh nghiệp này thu mua khoảng 30 tấn chè búp tươi cho người trồng chè ở xã Huồi Tụ với giá ổn định, duy trì sản xuất khoảng 5 tấn trà mỗi năm, trong số đó đã có lượng xuất khẩu đáng kể ra nhiều quốc gia. “Thời gian tới, chúng tôi đang nỗ lực xuất khẩu trà sang các thị trường khó tính bậc nhất thế giới, cũng là những quốc gia có chiều sâu văn hóa về thưởng thức trà, đó là Trung Quốc, Nhật Bản”.
Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cũng khẳng định, người mạnh dạn, dày công xây dựng thương hiệu trà shan tuyết Kỳ Sơn là sản phẩm mũi nhọn hướng đến xuất khẩu đã mang lại nhiều đổi thay cho chính người dân huyện Kỳ Sơn. Ngoài có thêm cây trồng, có thêm nguồn thu nhập, cách kinh doanh nông sản gắn với hướng sản xuất hữu cơ và chế biến sâu, hướng mục tiêu xuất khẩu đã giúp mở mang tư duy làm nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững cho cán bộ cũng như người dân nơi biên giới xa xôi này.

Quyết định 4288/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định chè là một trong những cây trồng chủ lực, là cây nguyên liệu phục vụ chế biến. Theo đó, tập trung phát triển chè tại các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn và Tân Kỳ. Trong đó, diện tích trồng chè ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (GAP, hữu cơ,…) đến năm 2030 đạt 8.500 ha, chiếm 70,8% diện tích trồng chè công nghiệp toàn tỉnh.