Kinh tế

Bài 3: Định vị cây chè Nghệ An?

Hoài Thu, Thu Huyền 26/04/2025 12:57

Chè Nghệ An một giai đoạn từng có vị thế nông sản đặc biệt xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, chất lượng nguyên liệu không đảm bảo, hạn chế trong công nghệ chế biến và bảo quản; chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường khiến giá trị sản phẩm thấp thua; nhiều nhà máy chè một thời hoạt động hiệu quả nay phải hoạt động cầm chừng, hoặc rồi đóng cửa,...

xaydungthuonghieuche-cover-k3.png
xaydungthuonghieuche-cover-k3-tit.png

Chè Nghệ An một giai đoạn từng có vị thế nông sản đặc biệt xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, chất lượng nguyên liệu không đảm bảo, hạn chế trong công nghệ chế biến và bảo quản; chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường khiến giá trị sản phẩm thấp thua; nhiều nhà máy chè một thời hoạt động hiệu quả nay phải hoạt động cầm chừng, hoặc rồi đóng cửa,...

Thu Huyền - Hoài Thu • 25/04/2025

xaydungthuonghieuche-cover-k3-titphu1.png

Chè từng là một thế mạnh của Nghệ An ở thời điểm những năm 1990, 2000. Xác định được tầm quan trọng của thương hiệu, từ năm 2003, Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An đã phối hợp với Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ và Công nghệ Thủ Đô để xây dựng thương hiệu, năm 2003 đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký Thương hiệu Ngheantea và đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số mã vạch cho các sản phẩm của Công ty. Bên cạnh logo, nhãn mác đã được bảo hộ, Công ty còn chú trọng tạo niềm tin với khách hàng về chất lượng sản phẩm, về giá cạnh tranh; có nhiều dây chuyền chế biến tiên tiến nhập khẩu từ Ấn Độ. Công ty đã áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nguyên liệu cũng như chế biến và bảo quản. Ngày đó, có khá nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến là chè xanh thượng hạng Kim Liên, chè xanh nhúng Kim Liên, chè nhài nhúng Kim Liên, chè đen nhúng Kim Liên…

Ở các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, nhiều xí nghiệp chè như: Thanh Mai, Ngọc Lâm, Hạnh Lâm, Hùng Sơn, Bãi Phủ... được Tổng Công ty Chè Nghệ An bao tiêu sản phẩm.

Vùng nguyên liệu chè ở Anh Sơn Ảnh Quang Dũng
Vùng nguyên liệu chè ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu: Quang Dũng

Một thời hoàng kim là thế, nhưng rồi cách thức làm ăn cũ không còn phù hợp với xu thế của thị trường, cả nhà máy và vùng nguyên liệu chè ngày càng đìu hiu; nhiều dây chuyền nhà máy rơi vào tình trạng “ngủ quên”, hoen rỉ, bụi bám. Thương hiệu “Chè Nghệ An” chỉ còn là một thời vang bóng.

Về vùng chè Thanh Chương cữ tháng 3/2025, trên những nương đồi tán chè phủ kín, xanh mướt đang cho thu hoạch. Trong ký ức nhiều nông dân gắn bó với nghề trồng chè ở các xã Thanh Mai, Hạnh Lâm, đây từng là những thủ phủ chè với bát ngát, từng là vùng nguyên liệu của Công ty Chè Nghệ An nức tiếng. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, do nhiều nguyên nhân, các xí nghiệp chè của Nhà nước teo dần. Nhiều cơ sở tư nhân mọc lên cạnh tranh với công ty quốc doanh. Hiện trên địa bàn huyện Thanh Chương có hơn 30 cơ sở chế biến, có những thời điểm thiếu nguyên liệu hoạt động phải thu mua của cả Hà Tĩnh và các địa phương khác.

Dây chuyền chế biến chè ở Hùng Sơn, Anh Sơn. Ảnh- Thu Huyền
Một thời, các dây chuyền chế biến chè ở Hùng Sơn, huyện Anh Sơn hoạt động rầm rộ. Ảnh: Thu Huyền

Hiện nay, sản lượng chè khô thành phẩm của Nghệ An hàng năm đạt khoảng 12.500-13.000 tấn nhưng vì chất lượng không cao, thương hiệu chưa có nên chủ yếu sản phẩm được chế biến thô. Mỗi năm xuất khẩu trên 10.000 tấn chè khô sang thị trường các nước “dễ tính” Trung Đông, Ấn Độ, một ít xuất sang Trung Quốc, Đài Loan,… mang giá trị khoảng trên dưới 20 triệu USD/năm. Từ thực tế hiện nay cho thấy, chè Nghệ An chưa tìm được chỗ đứng ở các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật…

Một số cán bộ quản lý cũng như nhiều chủ cơ sở sản xuất chè khác ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn cũng đều thừa nhận, vì chất lượng chè không tốt như các địa phương khác nên chủ yếu chỉ bán được sản phẩm tại các thị trường dễ tính như Trung Đông. Sản phẩm được đóng bao bì, nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ đến tận tay người tiêu dùng chiếm tỷ trọng ít.

Cơ sở chế biến chè ở Thanh Tùng, Thanh Chương thu mua chè xuân 2025.
Cơ sở chế biến chè ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương thu mua chè vụ Xuân năm 2025.

Công ty Chè Trường Thịnh là doanh nghiệp chế biến khá có tiếng trên địa bàn huyện Thanh Chương. Thế nhưng, trở lại nhà máy những ngày đầu năm, nhà máy không sản xuất, cả khuôn viên vắng bóng người. Anh Chu Quang Thành – quản lý Nhà máy Chè Trường Thịnh, huyện Thanh Chương cho hay: “Cơ sở chế biến này có công suất 30-40 tấn/ngày/nhà máy, tạo việc làm cho vài chục công nhân. Sản phẩm chè chính phẩm, chè mảnh, chè đen CTC trước có, nhưng nay cũng sản xuất chững lại. Những năm dịch bệnh đầu ra khó khăn, nhiều hộ phá chè. Năm 2024, sản xuất, kinh doanh tạm ổn, nhưng từ đầu năm đến nay chè vụ Xuân ít, không đủ nguyên liệu hoạt động, nên nhà máy tập trung bảo dưỡng máy móc".

Khí hậu khắc nghiệt, nhiều năm nắng hạn, chất lượng chè kém, rồi thương hiệu sản phẩm không được quan tâm đúng mức nên cây chè vẫn chưa khẳng định được vị trí. Nhiều thời điểm, những búp chè mơn mởn từ trên đồi về, thấm bao công sức, mồ hôi, nước mắt của người dân mà phải bán với cái giá rẻ 3.000-4.000 đồng/kg. Chè của những người nông dân xứ Nghệ rơi vào cảnh lao đao.

chè Trường Thịnh
Chè vụ Xuân không đủ nguyên liệu, dây chuyền chế biến chè của Công ty Chè Trường Thịnh tạm ngừng hoạt động.

Ông Bùi Văn Sơn - Chủ cơ sở chế biến chè Sơn Tâm ở xã Thanh Tùng (Thanh Chương), với hơn 40 năm gắn bó với cây chè cho hay, nhiều năm liền vùng nguyên liệu chè công nghiệp hiện nay ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Con Cuông có sự tranh giành nhau mua bán nguyên liệu chè. Để bán được nhiều chè, nhiều người trồng chè đã thu hoạch “quá tay” bất chấp kỹ thuật hái, miễn là có nhiều chè để bán… Sau mỗi lần hái bằng máy, cây chè bị “đau” nên dần phát triển chậm lại, thậm chí có những cây chè, luống chè chết rũ dần nếu gặp hạn nặng. Và điều đó cũng dẫn đến chất lượng sản phẩm chè không cạnh tranh được, chỉ làm nguyên liệu thô cho các công ty khác chế biến lại.

Tương tự, tại huyện Anh Sơn, chè được xác định là 1 trong 3 cây trồng chủ lực trên địa bàn. Bên cạnh cây mía, sắn, nhưng những người gắn bó với mảnh đất Anh Sơn, hiểu cây chè đều chua chát: Bao giờ cho đến ngày xưa? Góp phần quan trọng trong việc phát triển mạnh mẽ về diện tích cũng như giá trị của sản phẩm chè, là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, nhưng đến nay, 3 đơn vị là Xí nghiệp chè Bãi Phủ, Xí nghiệp chè Hùng Sơn, Xí nghiệp chè Anh Sơn (Nhà máy chè đen CTC) hiện đều đang “sống dở chết dở”.

Dây chuyền chế biến của xí nghiệp chè Hùng Sơn xuống cấp, sản xuất cầm chừng
Dây chuyền chế biến của Xí nghiệp chè Hùng Sơn xuống cấp, sản xuất cầm chừng.

Tới Xí nghiệp chè Hùng Sơn dịp vừa qua, thấy nhà máy không hoạt động, khuôn viên vắng lặng, dây chuyền máy móc sản xuất cũ kỹ. Anh Nguyễn Hữu Quý - Giám đốc Xí nghiệp chè Hùng Sơn cho biết, cao điểm vụ Xuân 2015, Xí nghiệp sản xuất gần 100 tấn/vụ, nhưng vụ chè vụ Xuân năm nay chỉ sản xuất được vài tấn. Công nghệ quá lạc hậu, công ty không đầu tư. "Chúng tôi cho rằng, tiến trình cổ phần hóa ở doanh nghiệp chè thiếu tính triệt để, do đó, nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện nay, toàn bộ vùng nguyên liệu phụ thuộc vào thương lái, các cơ sở chế biến mini trên địa bàn và vùng lân cận. Thực tế đòi hỏi cần có cổ đông chiến lược, cần vốn đầu tư lớn và bài bản, hiện đại theo hướng phát triển kinh tế tư nhân", anh Nguyễn Hữu Quý nói.

Anh Nguyễn Hữu Quý - Giám đốc Xí nghiệp chè Hùng Sơn chia sẻ khó khăn hiện nay

Hiện nay, toàn bộ vùng nguyên liệu phụ thuộc vào thương lái, các cơ sở chế biến mini trên địa bàn và vùng lân cận. Thực tế đòi hỏi cần có cổ đông chiến lược, cần vốn đầu tư lớn và bài bản, hiện đại theo hướng phát triển kinh tế tư nhân".

Anh Nguyễn Hữu Quý - Giám đốc Xí nghiệp chè Hùng Sơn

xaydungthuonghieuche-cover-k3-titphu2.png

Cây chè là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Nghệ An, cùng với trồng chè nguyên liệu, nhiều cơ sở sản xuất chế biến chè hoạt động tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 35 nhà máy chế biến, tập trung ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn. Tổng công suất chế biến chè toàn tỉnh đạt 324 tấn búp tươi/ngày gắn kết với vùng nguyên liệu chè ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp.

Tuy nhiên, do thâm canh cây chè không đúng kỹ thuật, chạy đua với năng suất, sản lượng nên người trồng thường lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến sản phẩm chè mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, cũng khiến đất trồng chè bị chai cứng, mất đi độ tơi xốp, từ đó, cây chè giảm dần năng suất và chất lượng chè cũng bị ảnh hưởng. Gần đây, giá chè bấp bênh khiến việc đầu tư cho cây chè cũng bị hạn chế thêm…

Chăm sóc chè hữu cơ không dùng thuốc trừ sâu
Chăm sóc chè hữu cơ không dùng thuốc trừ sâu.

Về huyện Thanh Chương, nhiều chủ cơ sở chè trên địa bàn trăn trở cho thương hiệu chè địa phương đặt câu hỏi “Chè Nghệ An ở đâu trên bản đồ chè Việt Nam”? Huyện Thanh Chương là địa phương có thế mạnh, có truyền thống về chè nói chung và chè công nghiệp nói riêng. Chè là cây công nghiệp lâu năm, có chu kỳ kinh tế dài nhưng nhanh cho sản phẩm thu hoạch. Đối với người dân các huyện miền núi, trong đó có huyện Thanh Chương, có thể nói, cây chè là cây xóa đói, giảm nghèo. Trong nhiều Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, cây chè được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nhà. Tuy nhiên, để cây chè phát triển bền vững, có giá trị thì vẫn là bài toán khó.

Anh Lê Ngọc Phúc - Giám đốc Công ty TNHH chè Phúc Hưng Thịnh, có trụ sở sản xuất tại xã Thanh Thịnh (Thanh Chương), là ông chủ trẻ luôn trăn trở tìm cách nâng chất lượng sản phẩm trà, xây dựng thương hiệu chè Nghệ An. Rót ly trà mời khách, anh Phúc trầm ngâm, chia sẻ dù cây chè gắn bó với đời ông, đời cha, nhưng cho đến nay, chè Nghệ An vẫn là cái tên lạ lẫm với người tiêu dùng sành chè tại nhiều địa phương trên cả nước. Người ta biết đến trà Thái Nguyên, Lâm Đồng, còn khi nhắc tới chè Nghệ An thì không “nằm trong bộ nhớ”. Cũng chính vì thế mà hầu hết chè trà Nghệ An mang đi tiêu thụ ở các địa phương chỉ chế biến thô, mang tên khác.

Sản phẩm trà của Công ty TNHH chè Phúc Hưng Thịnh ở Thanh Thịnh, Thanh Chương
Sản phẩm trà của Công ty TNHH chè Phúc Hưng Thịnh ở xã Thanh Thịnh (Thanh Chương). Ảnh: Hoài Thu

Trong những năm gần đây, để đưa sản phẩm chè Thanh Chương đến với các thị trường trong nước và quốc tế, các cơ sở sản xuất, chế biến chè trên địa bàn huyện đã nhanh chóng áp dụng khoa học công nghệ vào hệ thống dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩn và giảm nhân công lao động.

Là một trong những cơ sở chế biến, sản xuất chè được huyện nhà và địa phương quan tâm, năm 2023 sản phẩm chè Phúc Hưng Thịnh được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm chè Phúc Hưng Thịnh đã tham gia hầu khắp các gian hàng triển lãm do huyện, tỉnh tổ chức và có mặt trên 25 tỉnh, thành cả nước. “Nhà máy Chè Phúc Hưng Thịnh với công suất mỗi năm chế biến khoảng 2.000 tấn chè búp tươi đã cho ra nhiều loại sản khác nhau, với chủ lực là chế biến chè móc câu, chè… Ngoài ra, công ty còn chế biến chè ướp hương nhài, hương dứa phục vụ cho thị trường các tỉnh phía Nam từ Huế cho đến Cà Mau. Đây cũng là thị trường có lượng người sử dụng trà nhiều nên có thể phát triển bền vững. Đây là kết quả bước đầu để chúng tôi tiếp tục tập trung nâng chất lượng, xây dựng hình ảnh, đánh mạnh vào thị trường nội địa”, anh Lê Ngọc Phúc chia sẻ.

Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm trà của Công ty TNHH chè Phúc Hưng Thịnh ở xã Thanh Thịnh, Thanh Chương.
Gian trưng bày giới thiệu sản phẩm trà của Công ty TNHH Chè Phúc Hưng Thịnh ở xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương. Ảnh: Hoài Thu

Để nâng cao giá trị sản phẩm của chè nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp của huyện nhà nói chung, năm 2024, cơ sở chế biến chè Phúc Hưng Thịnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu trưng bày sản phẩm OCOP và điểm dừng chân Phúc Hưng Thịnh. Hiện tại, khu trưng bày đã có 14 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao được trưng bày nhằm quảng bá thương hiện cho các sản phẩm của huyện nhà bước đầu đã có những hiệu ứng tích cực, các đoàn tham quan đã có những đánh giá tốt cho các sản phẩm.

Chủ cơ sở chè Phúc Hưng Thịnh là một trong những “người trẻ” luôn trăn trở vì thương hiệu chè quê hương, mong muốn cùng góp sức, trí tuệ nâng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mong ước đó cũng không nằm ngoài kỳ vọng nâng cao đời sống người dân trồng chè, bám đồi bám quê hương…

Cũng với những khát vọng và băn khoăn đối với giá trị cây chè của quê hương chưa phát huy xứng tầm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn Nguyễn Xuân Tý chia sẻ: Cả xã có gần 500 ha chè, mang lại nguồn sống cho hàng trăm hộ gia đình. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại vẫn chưa xứng tầm với giá trị. Nguyên nhân vẫn là sự bất cập, hệ lụy từ lối canh tác còn thiếu khoa học và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chưa kiên trì theo hướng nông nghiệp sạch mặc dù đã được hướng dẫn, khuyến khích.

Đồi chè Hùng Sơn - Anh Sơn. Ảnh tư liệu: Thái Hiền
Đồi chè xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu: Thái Hiền

Vừa qua ông Tý và các cán bộ xã cũng đã đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, sản xuất chè, trà ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh với mong muốn sẽ tìm cách nâng cao giá trị của chè Hùng Sơn. “Hiện nay, chúng tôi đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư máy móc sản xuất, trang thiết bị hỗ trợ cho người dân trồng chè theo hướng xanh, sạch, chuẩn VietGAP và chuẩn hữu cơ. Mong rằng sẽ được các hộ dân đồng thuận, kiên trì thực hiện để gây dựng thương hiệu cho cây chè Hùng Sơn nói riêng, chè Nghệ An nói chung”, ông Nguyễn Xuân Tý bày tỏ.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện cả nước có tới 455 nhà máy chế biến chè, nhưng chỉ có trên 300 cơ sở có công suất khoảng 1 tấn/ngày, còn lại hầu hết là nhà máy nhỏ, công nghệ lạc hậu và do chỉ có 5% số nhà máy có vùng nguyên liệu riêng, nên thường xuyên xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu. Tại Nghệ An cũng xảy ra tình trạng tương tự nhưng không kiểm soát được; có rất nhiều lò chế biến chè mini vì thiếu nguyên liệu nên thường dùng nhiều cách để thu mua chè, không yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn của nguyên liệu…


>> Bài 1: Lợi thế, tiềm năng và hiệu quả thực tiễn
>> Bài 2: Sản xuất chè hữu cơ
>> Bài cuối: Xây dựng vùng nguyên liệu sạch và thương hiệu sản phẩm

Hoài Thu, Thu Huyền