Xây dựng Đảng

Gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhân dân từ cơ sở

Mai Hoa 26/04/2025 15:58

Gần dân, sát dân, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân là một trong những biện pháp quan trọng được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nghệ An quan tâm thực hiện, đảm bảo hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và giải quyết các việc khó ở từng cấp.


 Cán bộ xã Long Thành (Yên Thành) tìm hiểu mô hình nuôi lươn trong bể xi măng ở địa phương. Ảnh- Mai Hoa..
Cán bộ xã Long Thành (Yên Thành) tìm hiểu mô hình nuôi lươn trong bể xi măng ở địa phương. Ảnh: Mai Hoa.

Hiệu quả từ việc gần dân, sát dân

Về xã Long Thành (Yên Thành), ghé thăm ki-ốt tạp hóa ở xóm Giáp Ngói, chúng tôi khá bất ngờ, khi ở vùng quê thuần nông này không chỉ người trẻ mà cả những người nông dân lớn tuổi mua hàng đều quét mã QR chuyển khoản. Chủ tiệm tạp hóa cho biết, không chỉ ki-ốt tạp hóa của gia đình chị mà cả gần 30 hộ kinh doanh trong xóm đều sử dụng ứng dụng chuyển tiền qua tài khoản và có hơn 60% người dân trong xóm mua hàng không dùng tiền mặt.

Tìm hiểu sâu thêm chúng tôi được biết, ở xóm Giáp Ngói hệ thống hạ tầng số được ứng dụng mạnh mẽ, từ hệ thống điện thắp sáng được lắp đặt cảm biến tự động đóng - tắt, camera an ninh được lắp đặt theo cụm dân cư và trong từng hộ gia đình chiếm hơn 80%, cùng với hơn 90% hộ dân lắp đặt mạng internet, đến hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp, không sử dụng tiền mặt trong mua bán, nộp thuế, quỹ, phí… Tại nhà văn hóa xóm được gắn mã QR, người dân dễ dàng tra cứu thông tin tổng quan về huyện Yên Thành và xã Long Thành.

Tương tự, tại 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh dòng họ Phạm đại tôn và dòng họ Doãn đại tôn cũng được gắn mã QR cập nhật thông tin về nguồn gốc, sự phát triển của 2 dòng họ cũng như 2 di tích này… Làng quê truyền thống Giáp Ngói nay đã khoác lên mình diện mạo hiện đại với hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cảnh quan nông thôn được đầu tư khang trang, đồng bộ.

 Đoàn viên, thanh niên xã Long Thành
Đoàn viên, thanh niên xã Long Thành hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Dương Thị Lư - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Giáp Ngói cho biết: Đây là kết quả xây dựng "thôn thông minh" của xóm thông qua vai trò gần dân, sát cơ sở với nhiều cuộc họp dân của cán bộ xã, xóm được tổ chức nhằm nói cho dân hiểu, dân đồng thuận; gắn với thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để đến từng gia đình hướng dẫn người dân tải và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, kể cả cài đặt Zalo, Facebook phục vụ công tác tuyên truyền của xóm.

Ở xã Long Thành, việc gần dân, sát dân của cấp ủy, chính quyền, không chỉ để tuyên truyền, giải thích, đưa các chủ trương đến với người dân mà điều quan trọng là lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết thấu đáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đó chính là mấu chốt, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số năm 2023.

 Hệ thống trường học tại xã Long Thành (Yên Thành) được xây dựng khang trang. Ảnh- Mai Hoa
Hệ thống trường học tại xã Long Thành (Yên Thành) được xây dựng khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Văn Đề - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thành nêu ví dụ: Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, những nội dung người dân đề xuất hợp lý, xã đều có điều chỉnh. Chẳng hạn, kế hoạch huy động 100% nguồn lực của người dân xây dựng các tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, nhưng khi người dân đề xuất, xã đã trích hỗ trợ 30%; hay khi giao chỉ tiêu các xóm nâng cấp, mở rộng lề đường gắn với nâng cấp bê tông, trên cơ sở đề xuất của người dân, xã đã hỗ trợ các xóm làm những tuyến đường không có dân cư sinh sống.

Quá trình triển khai các chủ trương, phong trào ở địa phương, cấp ủy, chính quyền luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân để điều chỉnh phù hợp.

Đồng chí Nguyễn Văn Đề - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thành

Để xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số, Chủ tịch UBND xã Long Thành cũng cho biết, sự vào cuộc thật sự “bám xóm, sát dân” của từng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách từ xã đến xóm để vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn người dân cài đặt zalo, facebook và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mở thẻ ATM, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt..., cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Quá trình xây dựng và đạt chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền xã Nam Giang (Nam Đàn) thành lập các tổ chỉ đạo cơ sở, gắn với phân công từng cán bộ, công chức phụ trách từng nội dung, tiêu chí và từng địa bàn xóm để chỉ đạo. Đồng chí Bành Trọng Hòa - Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 3 chia sẻ: Cán bộ xã, xóm bây giờ nếu không sát cơ sở, không gần dân, không lắng nghe thực tiễn thì không thể xử lý được các tình huống phát sinh từ thực tế. Đặc biệt, thấy khó khăn mà buông thì không những công việc bị ách tắc mà niềm tin của người dân vào cán bộ cũng giảm sút, khó quy tụ được sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân.

 25
Cán bộ và xóm ở xã Nam Giang (huyện Nam Đàn) cùng người dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Bành Trọng Hòa cho biết, khi mở rộng, nâng cấp tuyến đường tại tổ dân cư số 3, từ hơn 2m lên 7m, sau cuộc họp dân lần thứ nhất “thất bại”, bởi các hộ dân chưa thống nhất về mức đóng chung do có hộ thì bám mặt đường ít, có hộ thì bám mặt đường nhiều; mặt khác, khối lượng công việc phải làm lớn, từ chặt cây, hút nước ao, đổ đất lấp ao, làm kè để mở rộng đường… sẽ làm gia tăng khoản đóng góp, trong khi chỉ 15 hộ dân liên quan đến tuyến đường này nên người dân không muốn làm; chi bộ xóm phối hợp với xã tổ chức cuộc họp mở rộng với các tổ chức trong hệ thống chính trị và đích thân cán bộ xã, xóm trực tiếp làm các công việc như chặt cây, bơm hút nước ao lên…, người dân thấy được cán bộ “nói đi đôi với làm” và làm vì quyền lợi của người dân nên đã đồng thuận đóng góp làm tuyến đường này.

 1-lanh-dao-huyen-nam-dan-trao-doi-voi-nguoi-dan-xa-thanh-giang-ve-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau.-anh-mai-hoa
Lãnh đạo huyện Nam Đàn trao đổi với người dân xã Nam Giang về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Mai Hoa

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân

Thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở ở Nghệ An đã chuyển đổi từ mệnh lệnh hành chính và “hành chính hóa” sang tăng cường tiếp xúc, trao đổi, đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân, nhất là trong giải quyết các công việc khó như giải phóng mặt bằng, giải quyết đơn thư.

Tuyến đường liên xã, nối xã Nghĩa Đức với các xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hưng và trung tâm thị xã Thái Hòa dài gần 12 km được huyện Nghĩa Đàn cho chủ trương đầu tư, nhưng không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Bên cạnh mất mô hình sinh kế, hoa màu và tường rào, cổng nhà bị phá dỡ, với trị giá hàng chục triệu đồng thì người dân còn phải hiến đất hơn 80.000 m2 đất, có hộ mất khoảng 1.000 m2 đất khi tuyến đường mở rộng từ 5m lên 12m. Bởi vậy, ban đầu nhiều người dân không đồng tình.

Trước cơ hội huyện “cho” dự án đầu tư, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức 6 cuộc đối thoại, mà theo chia sẻ của đồng chí Lang Thị Liễu - Phó Bí thư trực Đảng xã Nghĩa Đức: Đối thoại, ngoài chuyển tải chủ trương, phân tích rõ lợi ích của dự án cho người dân hiểu thì cấp ủy, chính quyền cũng nắm bắt được băn khoăn của người dân để tuyên truyền, giải thích, từ đó nhân dân rất đồng thuận.

 30
Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền xã Hội Sơn (huyện Anh Sơn) với người dân; Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân tại xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn). Ảnh: CSCC

Cũng theo chia sẻ của Phó Bí thư trực Đảng xã Nghĩa Đức, qua hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân tại từng địa bàn xóm, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế được làm rõ và khắc phục, như liên quan đến chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công chức xã, hay bãi bỏ các hủ tục, nếp sống thiếu văn minh ở bản đồng bào dân tộc thiểu số; trì trệ trong phong trào xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để giải quyết các vấn đề khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành cũng như chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thì việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường hoạt động đối thoại.

Đồng chí Hoàng Quyền - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho rằng: Đối thoại với sự tham gia của nhiều thành phần liên quan để rõ “ba mặt một lời” trong xác định vướng mắc, khó khăn; rõ nguyên nhân; rõ trách nhiệm của các bên; từ đó có sự thống nhất chung về cách giải quyết để tạo hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết đơn thư của huyện Anh Sơn từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay đạt 98,3%. Thông qua kết quả tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền thật sự chăm lo lợi ích của người dân.

Tỷ lệ giải quyết đơn thư ở huyện Anh Sơn đạt cao bởi huyện thực hiện quy trình chặt chẽ và tăng cường đối thoại "ba mặt một lời" để làm rõ trách nhiệm và tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Đồng chí Hoàng Quyền - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn

 Lãnh đạo huyện Anh Sơn tìm hiểu mô hình kinh tế tại cơ sở. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo huyện Anh Sơn tìm hiểu mô hình kinh tế tại cơ sở. Ảnh: Mai Hoa

Gần dân, sát dân, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân không chỉ là biện pháp quan trọng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền mà còn là động lực quan trọng để phát huy sức mạnh đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trong thực tiễn đã chứng minh, khi chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội thực sự lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, họ sẽ phát huy được vai trò chủ thể, tự giác đóng góp công sức, trí tuệ và nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung. Đây chính là bài học kinh nghiệm đang được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh vận dụng một cách hiệu quả nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Mai Hoa