Kinh tế

Người tiên phong tái sinh rừng samu ở Na Ngoi

Thanh Phúc - Khánh Ly 27/04/2025 06:29

Giữa vùng núi cao mây phủ quanh năm ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, ông Già Phái Chia hơn nửa đời người lặng lẽ giữ rừng, trồng cây, hồi sinh lại màu xanh trên những triền núi, âm thầm tái sinh cánh rừng samu quý giá của quê hương.

chia 1
Con đường lên cánh rừng samu của ông Già Phái Chia dốc núi dựng đứng. Ảnh: Khánh Ly

Ở tuổi 60, ông Chia vẫn cần mẫn mỗi ngày lên nương, vào rừng chăm sóc từng gốc cây samu. Ông kể, từ nhỏ, ông đã thấy rừng samu phủ kín các sườn núi quanh bản. Những thân cây cao sừng sững, lá rơi như trải thảm dưới chân. Nhưng rồi cái đói, cái nghèo buộc người dân phải chặt rừng lấy gỗ làm nhà, bán kiếm tiền lo cái ăn, cái mặc. Samu dần khan hiếm…

Khoảng đầu những năm 2000, khi mọi người vẫn đang loay hoay với miếng cơm, manh áo, ông Chia lặng lẽ bắt đầu một hành trình tìm, nhân giống samu để tái sinh lại những cánh rừng.

chia 3
Hàng ngày, ông Chia và vợ lặng lẽ chăm sóc cánh rừng samu do tự tay ông trồng. Ảnh: T.P

Hàng ngày, ông vào rừng nhặt từng cây con sót lại, gùi về trồng quanh nhà. Ông gom quả khô, tách hạt đem ươm, vừa làm, vừa học, thất bại rồi lại làm lại. Có những năm mưa gió làm cây chết sạch, ông vẫn không nản. Có khi trong nhà không đủ gạo ăn, nhưng ông nhất quyết không bán đi một gốc samu nào. Với ông, samu không chỉ là cây gỗ quý, mà còn là một phần của hồn cốt bản Mông - thứ không thể đem ra đổi chác.

Hai mươi năm bền bỉ, ông đã gây dựng được khu rừng với hơn 1.000 cây samu, có cây đã lớn bằng cả vòng tay ôm, tán lá tỏa rộng, có những cây mới chỉ cao bằng đầu người, có cây vừa mới được trồng từ bầu xuống đất...

chia 2
Những cây samu hàng chục năm tuổi đã vừa vòng tay người ôm. Ảnh: Khánh Ly

“Gỗ samu quý hiếm lắm. Độ bền cao, phơi mưa phơi nắng hay bị vùi dưới đất cả hàng chục năm cũng không hề mối mọt. Đặc biệt, gỗ samu có mùi thơm đặc trưng, đuổi được côn trùng nên được ưa chuộng lắm. Samu có đường kính 30 cm là khai thác được rồi nhưng tôi không có ý định bán”, ông Chia cho biết.

Không chỉ giữ lại rừng quý, ông Già Phái Chia còn biết cách sống cùng rừng, làm kinh tế từ rừng một cách bền vững. Trên diện tích hơn 10 ha quanh nhà, ông trồng thêm luồng, măng trúc, măng đắng – những loại cây bản địa phù hợp với đất dốc, khí hậu lạnh và đặc biệt là cho thu nhập ổn định.

chia 5
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi thăm rừng samu của già Chia. Ảnh: T.P

Nhờ rừng măng, mỗi năm ông thu được vài chục triệu đồng từ việc bán măng, bán luồng, đủ để trang trải cuộc sống, nuôi con cháu học hành mà không phải chặt phá rừng tự nhiên.

“Rừng măng, rừng luồng không chỉ là vốn để sống mà còn giúp mình khỏi chặt phá những cây gỗ quý như samu. Mỗi năm bán măng, bán luồng cũng đủ chi tiêu, nuôi con cháu học hành”. Chính từ cách làm của ông, nhiều người dân trong bản đã thay đổi cách nghĩ. Từ chỗ quen đốt rừng làm nương, chặt cây lấy gỗ, nay họ học theo ông trồng cây, giữ rừng, khai thác rừng một cách có kế hoạch. Màu xanh đang trở lại với những triền đồi từng cằn cỗi.

chia 4
Từ mô hình của ông Chia, nhiều bà con dân bản bắt đầu trồng cây samu, gây lại vốn rừng quý. Ảnh: T.P

Ông Chia bảo, làm rừng là chuyện của cả đời người, không thể nóng vội. Phải kiên trì, phải tin vào cây, tin vào đất. “Tôi già rồi, chỉ mong thấy rừng samu ngày một dày lên, dân bản biết quý rừng, sống được từ rừng. Đó là điều tôi mong nhất”, ông nói, đôi mắt ánh lên sự mãn nguyện.

Câu chuyện của ông Già Phái Chia không chỉ là chuyện trồng cây, giữ rừng. Đó là hành trình gìn giữ một phần ký ức văn hóa, là bản sắc của người Mông trên đỉnh núi Na Ngoi.

Thiếu tá Già Bá Ná - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Na Ngoi (BĐBP Nghệ An) cho biết: “Việc làm lặng lẽ mà bền bỉ của ông Chia chỉ ra con đường bền vững cho bà con giữ rừng là giữ lấy chính mình, làm kinh tế từ rừng, là cách làm giàu lâu dài và căn cơ nhất. Những người như già Chia là tấm gương điển hình để dân bản nhìn vào, noi theo”.

chia cuối
Gần 10 ha rừng luồng, măng trúc, măng đắng được ông Chia trồng, khoanh nuôi, bảo vệ. Ảnh: Khánh Ly

Giữa bao biến động ở vùng cao, ông Chia vẫn lặng lẽ như thế, ông chỉ mong sau này con cháu còn thấy cây samu, còn biết quý cây rừng, biết bảo vệ rừng là đủ vui rồi…

Clip: Ly - Phúc

Thanh Phúc - Khánh Ly