Bỏ ‘ngăn sông cấm chợ’ lần 2
Sáng 3/4/2025 (giờ Việt Nam), chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 119 tỷ USD (gần 30% tổng xuất khẩu), mức thuế này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch (Viện ISEAS Singapore)
• 10/04/2025
Sáng 3/4/2025 (giờ Việt Nam), chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, gây sốc do vượt xa mức dự báo 10%. Dù Mỹ sau đó hoãn áp thuế 90 ngày (trừ Trung Quốc), đe dọa từ mức thuế cao vẫn hiện hữu. Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 119 tỷ USD (gần 30% tổng xuất khẩu)(1), mức thuế này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam.

Nếu kéo dài, mức thuế cao sẽ tác động nặng đến các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, giày dép, gỗ nội thất - nhiều doanh nghiệp phụ thuộc hơn 50% doanh thu vào thị trường Mỹ. Điều này có thể gây sụt giảm đơn hàng, tồn kho gia tăng và đứt gãy dòng tiền. Các ngành khác như thủy sản, nông sản, điện thoại cũng khó tránh tác động dây chuyền.
Ở cấp vĩ mô, với mức thuế 46%, theo tính toán của Quỹ đầu tư Dragon Capital, xuất khẩu sụt giảm có thể khiến GDP giảm tới 1,4-2 điểm %(2), kéo theo nguy cơ mất việc hàng triệu lao động trong các ngành thâm dụng lao động. Bất ổn thương mại còn ảnh hưởng đến đầu tư và vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu căng thẳng leo thang, các tập đoàn có thể chuyển sản xuất sang nước khác như Malaysia hay Mexico. Thị trường tài chính - chứng khoán và tỷ giá cũng có thể chịu áp lực từ lo ngại của nhà đầu tư và thâm hụt thương mại với Mỹ.

Điều đáng chú ý là Mỹ than phiền nhiều không phải việc chúng ta bán nhiều cho Mỹ mà là việc Mỹ khó có thể bán hàng cho Việt Nam. Trong quan hệ thương mại Việt-Mỹ, hàng rào phi thuế quan được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyết định áp thuế 46% của Hoa Kỳ. Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng ước tính rằng, hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam phải chịu mức "thuế tương đương" tới 90% nếu tính cả rào cản phi thuế(3). Từ đó, Washington đưa ra mức thuế đối ứng 46% nhằm “bù đắp” phần bất lợi.
Thực tế, thuế quan trung bình mà hàng hóa Mỹ chịu ở Việt Nam chỉ khoảng 15%, còn chênh lệch thuế suất giữa hai nước chỉ khoảng 7%(4). Tuy nhiên, rào cản phi thuế quan như quy định kỹ thuật và thủ tục hành chính phức tạp lại bị đối tác coi là thiếu công bằng thương mại, làm căn cứ cho biện pháp trả đũa.
Phi thuế quan được coi là vấn đề then chốt trong việc thực hiện thuế đối ứng của Hoa Kỳ và đó cũng chính là một nội dung chủ yếu trong đàm phán thương mại của Hoa Kỳ với các đối tác hiện nay, Điều đó thể hiện rõ trong thông điệp Tổng thống Trump một lần nữa đưa ra ngày 21 tháng 4 năm 2025 khi ông đăng tải trên mạng xã hội 8 vấn đề mà ông gọi là “sự gian dối phi thuế quan” (non-tariff cheatings)(5).

Một trong những lý do chính để duy trì rào cản phi thuế quan là nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, nhất là các ngành còn non trẻ. Tuy nhiên, một số ngành vẫn không phát triển, thậm chí kém cạnh tranh khi ra thị trường quốc tế.
Các biện pháp như cấp phép nhập khẩu, kiểm định khắt khe hay quy định kỹ thuật phức tạp có thể giúp doanh nghiệp nội địa “dễ thở” trong ngắn hạn. Nhưng nếu không đi kèm cải cách thể chế và nâng cao năng suất, bảo hộ sẽ khiến doanh nghiệp ỷ lại thay vì đổi mới. Chính sách bảo hộ chỉ nên tạm thời, có mục tiêu và lộ trình rút lui. Bây giờ là lúc chúng ta phải rà soát lại nên giữ gì và nên mở gì, chứ không phải tất cả đều giữ để rồi tất cả đều đóng với bên ngoài.

Nếu không được thiết kế minh bạch và đánh giá hiệu quả định kỳ, rào cản phi thuế quan dễ trở thành lực cản, làm suy yếu chính ngành sản xuất mà nó muốn bảo vệ. Đây cũng là một điểm nghẽn trong thể chế mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp đề cập và yêu cầu phải xóa bỏ để phát triển kinh tế bền vững.
Lịch sử cho thấy, mỗi khi đối diện khủng hoảng, Việt Nam buộc phải cải cách mạnh mẽ để tồn tại và phát triển. Năm 1986 là bước ngoặt như vậy. Khi đó, kinh tế rơi vào khủng hoảng: lạm phát trên 700%, thiếu lương thực, đất nước bị cấm vận. Đại hội VI đã khởi xướng công cuộc đổi mới, xóa bỏ cơ chế bao cấp và dỡ bỏ các hàng rào “ngăn sông cấm chợ” trong nước, mở đường cho thị trường vận hành thông suốt. Chỉ sau vài năm, Việt Nam từ thiếu đói trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu, lạm phát giảm mạnh, đời sống người dân cải thiện, và đất nước bắt đầu hội nhập quốc tế.

Liên hệ với hiện tại, mức thuế 46% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam là lời cảnh báo mạnh mẽ. Nếu năm 1986 chúng ta đã thành công khi dỡ bỏ rào cản nội địa, thì ngày nay, Việt Nam cần dỡ bỏ những hàng rào “ngăn sông cấm chợ” trên bình diện quốc tế - tức là rà soát lại và dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan không cần thiết, minh bạch hóa thủ tục, và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa đối tác. Đó không chỉ là giải pháp để tháo gỡ sức ép từ Mỹ, mà còn là bước đi tất yếu để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu và bền vững.
90 ngày là thời gian rất ngắn để chúng ta có quyết sách giải quyết khủng hoảng do môi trường kinh tế quốc tế thay đổi đột ngột. Tập trung vào mặc cả mức thuế sẽ không giải được bài toán hôm nay. Sức mua của Việt Nam đối với hàng Mỹ cũng có hạn. Cải cách hệ thống rào cản phi thuế quan không phải là cho đối tác mà là cho chúng ta. Cần phải có quyết tâm cải cách để tiếp tục phát triển./.
(1) https://tuoitre.vn/my-ap-thue-46-doanh-nghiep-chuyen-huong-tinh-ke-tim-den-ga-khong-lo-moi-an-do-trung-dong-20250409150633569.htm
(2) https://vneconomy.vn/cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-noi-gi-ve-thue-suat-46-my-ap-len-hang-hoa-viet-nam.htm#
(3), (4) https://vneconomy.vn/cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-noi-gi-ve-thue-suat-46-my-ap-len-hang-hoa-viet-nam.htm#
(5) Trump names ‘8 non-tariff sins’ in Easter post, threatens trade payback - The Economic Times