Văn hóa

Văn học yêu nước đô thị miền Nam thời chống Mỹ

LÊ THANH NGA 29/04/2025 14:44

Từ năm 1955, sau khi thực dân Pháp chấp nhận thất bại và rút quân khỏi đất nước ta, đế quốc Mỹ đã nhảy vào thay thế ở miền Nam, thiết lập một chế độ đối lập với chính quyền cách mạng và miền Nam vẫn nằm trong vòng kiểm soát của chế độ ấy. Ở giai đoạn này, xâm lăng văn hóa “vừa là phương tiện chủ chốt, vừa là mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ”, “chinh phục trái tim và khối óc”, “hủy diệt màu xanh trong tâm hồn Việt Nam”, trong đó, văn học nghệ thuật là một vũ khí lợi hại.

Từ năm 1955, sau khi thực dân Pháp chấp nhận thất bại và rút quân khỏi đất nước ta, đế quốc Mỹ đã nhảy vào thay thế ở miền Nam, thiết lập một chế độ đối lập với chính quyền cách mạng và miền Nam vẫn nằm trong vòng kiểm soát của chế độ ấy. Ở giai đoạn này, xâm lăng văn hóa “vừa là phương tiện chủ chốt, vừa là mục tiêu chiến lược của đế quốc Mỹ”, “chinh phục trái tim và khối óc”, “hủy diệt màu xanh trong tâm hồn Việt Nam”, trong đó, văn học nghệ thuật là một vũ khí lợi hại.

Điểm này hoàn toàn mới và thậm chí thâm sâu hơn so với chủ nghĩa thực dân cũ chỉ hạn chế tối đa việc học hành và truyền bá sách vở, nhất là các sách có khả năng đánh thức tâm hồn, bản lĩnh, ý chí người Việt. Có nhiều nhà văn mang tư tưởng chống đối chính quyền cách mạng đã được tập hợp dưới ngọn cờ văn nghệ đô thị miền Nam để phục vụ cho đường lối chính trị của chế độ thân Mỹ.

Tuy nhiên, trong vùng địch tạm chiếm suốt hai mươi năm ấy, ngọn lửa yêu nước, tinh thần cách mạng của những người Việt Nam chân chính vẫn không bị dập tắt. Và đông đảo các nhà văn đã tập hợp dưới lá cờ yêu nước và cách mạng của Đảng ta, tạo nên một mặt trận văn học ngay trong lòng các đô thị miền Nam, ngược dòng, đối nghịch và không nằm trong quỹ đạo của “văn học thực dân mới”…

Từ những năm năm mươi của thế kỷ hai mươi, miền Nam chứng kiến sự xuất hiện và trưởng thành nhanh chóng của nhiều cây bút trẻ. Những con người ấy chủ yếu xuất thân là học sinh, sinh viên, dẫu trước đó chưa tạo được tiếng nói nào trong văn học, nghệ thuật, nhưng có nhiệt thành yêu quý những giá trị truyền thống của dân tộc, có học thức và văn hóa, ý thức được giá trị đấu tranh nơi ngòi bút. Ngòi bút đấu tranh của họ tham gia vào mọi lĩnh vực: thơ, văn xuôi, lý luận, phê bình... với những Trần Quang Long, Phong Sơn, Đông Trình, Chính Văn, Võ Trường Chinh, Lý Chánh Trung, Tiêu Dao Bảo Cự, Yên Minh, Lữ Phương, Kỳ Sơn, Trần Triệu Luật...

Vượt qua nỗi sợ hãi các hành động khủng bố, bạo lực, có những lúc các nhà văn yêu nước miền Nam, trong đó, nòng cốt là lực lượng Mặt trận bảo vệ văn hóa dân tộc (1966) đã về quần tụ trong các cuộc hội thảo. Họ thậm chí đã ra được tạp chí riêng (Tin văn), có nhà xuất bản riêng (Đồ Chiểu). Phía sau họ, về cả vật chất và tinh thần, là sự hậu thuẫn mạnh mẽ, bền bỉ của phong trào học sinh, sinh viên thành phố, sự chỉ đạo, hỗ trợ của các văn nghệ sĩ cách mạng và cán bộ Đảng đang hoạt động bí mật tại Sài Gòn.

Giống như văn học cả nước thời kỳ Pháp đô hộ, khuynh hướng văn học này có hình thức hoạt động phong phú, đa dạng. Các cây bút tiến bộ triệt để lợi dụng văn đàn công khai khi điều kiện cho phép. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, họ có cơ quan ngôn luận riêng là tờ Nhân loại, và thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tờ Tin văn, họ có thể hợp tác với các cơ quan ngôn luận khác để quảng bá tư tưởng, tinh thần của mình để đấu tranh kịp thời và trực tiếp với kẻ thù, ví như sự phối hợp của nhóm Việt gồm các cây bút trẻ với tờ Đối diện của một số trí thức Thiên Chúa giáo. Hay như Vũ Hạnh, một trong những cây bút lừng lẫy nhất của văn học yêu nước cách mạng miền Nam lúc ấy lại có mặt khá thường xuyên trong một thời gian dài trên Tạp chí Bách Khoa – một tạp chí “không mấy tiến bộ”.

Cũng như văn học kháng chiến miền Bắc, văn học yêu nước cách mạng miền Nam lúc này được các văn nghệ sĩ quan niệm là một thứ vũ khí tuyên truyền hiệu quả nhất, nên tất cả những gì họ viết ra đều là sự lựa chọn con đường ngắn nhất để suy tư, nhận thức của họ đến với khối óc, con tim người đọc. Trước hết về mặt thể loại. Chúng ta biết rằng, trước mỗi bước ngoặt của lịch sử, tức là trước sự chuyển mình của hiện thực, để tiếp cận một cách nhanh nhất hiện thực mới hình thành, các văn nghệ sĩ thường tìm đến các thể loại dễ viết, dễ nhớ, với đặc điểm chính là dung lượng ngắn hoặc có vần. Thế nên, thể loại xung kích của văn học miền Nam yêu nước và cách mạng, trước hết vẫn là truyện ngắn, phóng sự, bút ký và thơ. Về mặt nội dung, tùy tình hình chính trị, mỗi quãng thời gian cụ thể, văn học đề cập đến những chủ đề, đề tài khác nhau với một định hướng chiến lược nhất quán: phủ định triệt để chế độ thực dân mới, lên án mạnh mẽ bè lũ cướp nước, bán nước, khẳng định hoài bão giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và kêu gọi đấu tranh.

song-sai-gon-619.jpg
Sông Sài Gòn ngày nay.

Dưới thời Ngô Đình Diệm, các nhà văn đã tránh đối đầu trực tiếp với chính quyền thống trị, mà sử dụng cách nói bóng gió, xa xôi bằng hình thức mượn “chuyện thiên hạ” hay viết về đề tài quá khứ. Người đọc có thể thấy điều này trong tiếng nói uyển chuyển, kín đáo của Vũ Hạnh, Viễn Phương, Lý Văn Sâm, Giang Nam, Lê Vĩnh Hòa... Tiếng nói đấu tranh trở nên mạnh mẽ, sôi nổi và trực diện hơn dưới thời Nguyễn văn Thiệu với mô hình thống trị và không khí xã hội dẫu sao cũng giàu tính dân chủ hơn. Đây cũng là thời kỳ mà phong trào đấu tranh cách mạng lan rộng khắp miền Nam. Tiếng nói lên án những kẻ thống trị giai đoạn này càng cất lên một cách mạnh mẽ, thống thiết bằng những thiên phóng sự dài như Mãnh lực đô la của Dũng Tâm, Trên phố Sài Gòn của Nam Đình và Phan Chân...

Và cùng một chủ đề, nhưng phía văn học miền Nam mà ta quen gọi là tư sản, thể hiện tinh thần hiện sinh, bằng sự mô tả một đời sống tích cực hưởng thụ, thì các nhà văn của chúng ta nhìn đời sống như một quá trình suy đồi, hoàn toàn trái ngược với tinh thần xây dựng một xã hội tươi tắn, khỏe mạnh cho ngày mai mà cách mạng đang hướng tới. Ở phía khác, ngòi bút đấu tranh hướng về phía những kẻ xâm lăng. Từ điểm nhìn về những người Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, các văn nghệ sĩ đã vạch trần bản chất cướp nước của chúng, phản ánh nỗi ấm ức và tủi nhục mà người dân miền Nam đang phải chịu dưới những áp bức chính trị của chúng. Đây là một trong những đoạn thơ mô tả tội ác của kẻ thù với cảm hứng tố cáo, lên án khởi nguồn từ một sự kiện cụ thể:

Những lính Mỹ

Đội nón sắt

Đeo súng dài

Lòng thú dại

Chúng bắn vào quê hương ta

Chúng bắn xối xả vào Mỹ Lai

Chúng bắn xối xả vào trẻ thơ

Chúng bắn xối xả vào lịch sử

(Mỹ Lai, máu, nước mắt và uất hận, S.H.V)

Hay kêu gọi, khích lệ tinh thần yêu nước bằng việc dựng lại một lịch sử ngoan cường:

Tôi muốn tặng những người ưa cổ vật

Một thanh gươm họ Lý ngang tàng

Một cây súng trường Cao Thắng kiên gan

Dâng toàn vẹn trái tim dân tộc

Tôi muốn tặng những người yêu văn học

Một bài Bình Ngô đại cáo mực còn tươi

Viết bằng máu của quân Minh thuở trước

Một quyển sách dạy Binh gia yếu lược

Mưu trí lẫy lừng sóng Bạch Đằng Giang

Giặc càng đông thời máu đỏ càng loang

Hai mươi vạn quân nguyên không còn mảnh giáp.

(Lớn lên không ngừng – Chánh Sử)

Nhìn chung cuộc đấu tranh của văn học miền Nam giai đoạn này là sự phối hợp nhịp nhàng những tiếng nói chống Mỹ và chống chính quyền bản địa, của hai vùng văn học miền Nam: Giải phóng và tạm chiếm. Những nỗ lực của văn học, của các văn nghệ sĩ nơi ấy, thuở ấy đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

LÊ THANH NGA