Kết quả khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn cung cấp những phát hiện quan trọng về cư dân thời kỳ đá mới
Chiều 29/4, tại Hội trường UBND xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức báo cáo kết quả khai quật khảo cổ di tích Quỳnh Văn năm 2025.
Tham dự buổi báo cáo có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Nghệ An, Đại học Quốc gia Úc cùng đông đảo cán bộ, chuyên gia và người dân địa phương.

Cuộc khai quật địa điểm Quỳnh Văn được thực hiện từ ngày 18/3/2025 đến ngày 29/3/2025, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Nghệ An và Đại học Quốc gia Úc, là hoạt động tiếp nối chuỗi nghiên cứu trong khuôn khổ dự án quốc tế “Thiên niên kỷ bị thiếu và nguồn gốc của Nông nghiệp ở Đông Nam Á”, được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Úc.

Kết quả khai quật năm 2025 nhằm bổ sung nguồn tư liệu khảo cổ học quan trọng cho nền văn hóa Quỳnh Văn, một nền văn hóa thời kỳ đá mới có niên đại từ khoảng 6.000 đến 4.000 năm cách ngày nay. Đoàn khai quật đã mở ba hố khai quật, sử dụng phương pháp tầng vị học để bóc tách các lớp trầm tích khảo cổ, phản ánh các hoạt động sinh sống của cư dân cổ.

Tại hố 1, khai quật sâu tới tầng sinh thổ ở độ sâu 3,2m, đoàn đã phát hiện nhiều dấu tích sinh hoạt như lỗ cột, bếp nguyên thủy và tàn tích thức ăn, cùng với di vật là công cụ đá, mảnh gốm và hàng trăm viên đá cháy.
Tại hố 2, tuy mới khai quật đến độ sâu hơn 2m, đã mang lại những phát hiện đặc biệt về mộ táng với 6 mộ và 8 di cốt, ghi nhận các hình thức mai táng ngồi co bó gối đặc trưng của văn hóa Đa Bút và các nền văn hóa đá mới trong khu vực. Một số huyệt mộ có hiện tượng cải táng, hoặc chôn nhiều thi thể chồng lên nhau, cho thấy các nghi lễ chôn cất phức tạp.

Đoàn khai quật cũng đã thu thập hơn 1.000 mẫu than, mẫu phytolith và mẫu đất để tiến hành nghiên cứu chi tiết và xác định niên đại tại Úc.
Kết quả khai quật không chỉ góp phần làm sáng tỏ quá trình thích nghi với môi trường tự nhiên của cư dân cổ Quỳnh Văn, mà còn mở ra triển vọng nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa khu vực cư trú và khu vực mộ táng trong xã hội thời kỳ đá mới.

Trong thời gian tới, đoàn sẽ tiếp tục khai quật sâu hơn tại hố 2, hố 3 để phục vụ các mục tiêu nghiên cứu này, đồng thời bổ sung cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ An.

Đoàn khai quật cũng kiến nghị, mặc dù di tích khảo cổ Quỳnh Văn đã được xếp hạng cấp quốc gia và khoanh vùng bảo vệ nhưng hiện nay di tích vẫn chưa được phát huy đúng với những giá trị vốn có của mình. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục bảo vệ, việc khai thác, giới thiệu và phát huy giá trị của di tích này một cách hợp lý, hiệu quả là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và phục vụ phát triển du lịch văn hóa bền vững.