Kinh tế

'Thủ lĩnh' nhà nông khéo việc bản, giỏi việc dân

Khánh Ly- Quỳnh An 01/05/2025 10:01

Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội nông dân, chị Lô Thị Linh (SN 1986), dân tộc Thái – Chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Bủng Xát, xã Châu Khê (Con Cuông) không chỉ tiên phong phát triển kinh tế hộ mà còn có nhiều cách làm hay, giúp thôn bản đổi thay…

2-1-.jpg

Hình thành mô hình tổ tiết kiệm xây dựng cộng đồng

Lô Thị Linh - “Thủ lĩnh” nông dân bản Bủng Xát đón chúng tôi với nụ cười nồng hậu, chân chất của người miền núi. Chị chia sẻ, vốn sinh ra và lớn lên bản làng, hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn của người dân miền núi.

Vì vậy, từ năm 2012, khi được tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân của bản, chị luôn trăn trở làm thế nào để cuộc sống của bà con được ấm no, nhiều hộ thoát nghèo.

img_7247(1).jpg
Chị Lô Thị Linh -Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Quỳnh An

Từ trăn trở đó, chị Lô Thị Linh cố gắn cách xây dựng Chi hội vững mạnh, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho hội viên, đồng thời có những giải pháp nhằm giúp nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trước hết là giúp bà con đổi mới trong cách nghĩ, cách làm và tìm các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển kinh tế.

Ngoài dành thời gian gặp gỡ từng hộ gia đình, kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, “thủ lĩnh” nông dân bản Bủng Xát Lô Thị Linh còn hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng chính sách để trồng keo, trồng rừng, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp với tổng nguồn vốn vay lên đến 3,5 tỷ đồng.

3-2-.jpg
Chị Lô Thị Linh (đứng giữa)- Chi hội trưởng chi hội nông dân bản Bủng Xát cùng Bí thư chi bộ bản Bủng Xát và lãnh đạo Hội Nông dân xã Châu Khê trao đổi với người dân về việc thu hoạch mét. Ảnh: Khánh Ly

Bên cạnh đó, chị còn đứng ra kêu gọi mọi người thành lập quỹ của Chi hội nông dân bản Bủng Xát để hỗ trợ gia đình khó khăn mua con giống, cây giống.

Theo đó, mỗi hộ gia đình đóng góp 100 nghìn đồng/mỗi năm theo 3 tổ. Sau 3 năm, số tiền quỹ từ 3 tổ hội đã lên tới 120 triệu đồng. Từ số tiền này, mỗi hộ được vay tối đa 4 triệu đồng mà không cần phải trả lãi suất, mỗi năm nguồn quỹ này giúp đến 30 hộ vay vốn sản xuất, chăn nuôi.

img_7266(1).jpg
Nông dân bản Bủng Xát thử nghiệm với mô hình nuôi ba ba. Ảnh: Quỳnh An

Cùng với các tổ tiết kiệm vay vốn, Chi hội nông dân bản Bủng Xát còn xây dựng mô hình tổ tiết kiệm dân vận xây dựng cộng đồng. Điển hình như mô hình tổ mây tre đan xuất khẩu; tổ dệt thổ cẩm với 30 thành viên chia thành 10 nhóm (mỗi nhóm từ 2-3 người) gồm những phụ nữ có kinh nghiệm và tay nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại bản.

1-3-.jpg
Chị Lô Thị Linh (ngoài cùng hàng đầu bên phải) cùng cán bộ Hội nông dân xã và cán bộ bản thăm hộ hội viên nông dân. Ảnh: Quỳnh An

Mỗi nhóm được hỗ trợ 1 khung cửi, các thành viên tham gia hầu hết được tập huấn qua các lớp cơ bản do hội nông dân xã, huyện tổ chức.

Ngoài thời gian làm việc trồng trọt, chăn nuôi, vào những lúc nhàn rồi các thành viên tranh thủ tham gia dệt áo váy dân tộc, đưa lại mức thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/ tháng.

Điều này không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ mà còn góp phần bảo tồn, duy trì nghề truyền thống của bà con dân tộc Thái.

img_7137(1).jpg
Chị Lô Thị Linh thăm, động viên chị em tổ dệt thổ cẩm trong bản Bủng Xát. Ảnh: Khánh Ly

Chị Vi Thị Thuỷ- hội viên Chi hội nông dân bản Bủng Xát cho biết, tổ dệt gồm 3 thành viên, nhờ thường xuyên được tham gia tập huấn nên mẫu mã đa dạng, sản phẩm làm ra không đủ để bán, họ đến lấy tận nhà.

Ngoài dệt, chị Thuỷ còn vay vốn từ nguồn quỹ tổ hội nông dân để chăn nuôi gà, 15 con lợn, 4 con bò, trồng 9ha mét, cuộc sống đi vào ổn định.

img_8014(1).jpg
Nhiều mô hình trang trại nông lâm thuỷ sản kết hợp đã được hình thành ở bản Bủng Xát. Ảnh: Khánh Ly

Ông Kha Văn Tâm-Bí thư Chi bộ bản Bủng Xát cho biết: Nhờ những cách làm năng động, sáng tạo của Chi hội nông dân bản mà người đứng đầu là chị Lô Thị Linh, bà con đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, nếp làm.

Nhất là các tổ tiết kiệm dân vận xây dựng cộng đồng, ngoài hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế; đối với một số hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, hộ neo người do lao động trẻ đi làm ăn xa, chỉ có người già và trẻ em nên thiếu người lao động, mỗi quý sẽ có đại diện tổ cùng ban quản lý bản kêu gọi mọi người góp ngày công giúp hộ phát quang, trồng keo hoặc thu hoạch mua màng.

Qua đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, sự tương thân, tương ái trong chi, tổ hội.

Clip về sự đổi thay bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. (Clip Khánh Ly)

Vận động mở đường vào khu sản xuất, kéo điện thắp sáng

Bủng Xát là bản cách trung tâm huyện Con Cuông tầm 25 km, gồm 191 hộ với 870 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái.

Theo cán bộ bản, trước đây, giao thông vô cùng khó khăn, mưa thì lầy lội, nắng lên ghồ ghề, đặc biệt khu sản xuất cách xa khu dân cư, đi lại cách trở.

img_8055(1).jpg
Chị Lô Thị Linh cùng cấp uỷ Chi bộ bản Bủng Xát vận động người dân hiến đất mở rộng đường vào khu sản xuất. Ảnh: Quỳnh An

Trước thực trạng ấy, với vai trò là Chi hội trưởng nông dân, Trưởng ban công tác mặt trận bản, chị Lô Thị Linh đã cùng Chi bộ, Ban quản lý bản đề xuất lên xã chỉ đạo thực hiện kế hoạch bê tông hoá đường giao thông của bản.

Được sự hỗ trợ xi măng của nhà nước, chị Linh cùng ban quản lý bản đã đứng ra vận động bà con, trước hết là hội viên nông dân phong trào làm đường giao thông sôi nổi trong thôn bản.

Trong năm 2023, toàn bản đã sửa chữa và xây dựng được 350m đường bê tông, năm 2024, cả tu sửa và làm mới hơn 300m. Trong đó người dân đóng góp ngày công, tiền cát sỏi. Đến nay, hệ thống đường giao thông ở bản Bủng xát cơ bản khép kín, đường nội đồng đủ xe đi lại.

img_7939(1).jpg
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở bản Bủng Xát cơ bản được bê tông hoá. Ảnh: Khánh Ly

Bên cạnh đó “thủ lĩnh” nông dân Lô Thị Linh còn vận động hội viên nâng cấp, mở rộng đường vào khu sản xuất. Nhiều hộ nông dân đã sẵn sàng đứng ra hiến đất làm đường.

Điển hình như hộ ông Vi Văn Sửu hiến 400m2 đất ruộng, Kha Văn So hiến 300m, Lộc Quốc Miền hiến 600m2 đất sản xuất mở rộng đường vào khu sản xuất.

5(1).jpg
Chị Lô Thị Linh (thứ hai trái sang)- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bủng Xát và Bí thư Chi bộ Kha Văn Tâm thăm hộ hội viên nông dân làm kinh tế trang trại ở khu sản xuất. Ảnh: Khánh Ly

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong khu sản xuất, ông Lộc Quốc Miền, 70 tuổi vui vẻ cho biết, gia đình ông nhận khoán đất khoanh nuôi bảo vệ 6 héc ta rừng ở khu sản xuất từ năm 1992.

Mới đầu ở khu sản xuất này chỉ có vài hộ, nay đã có 13 hộ vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt. Riêng hộ ông Miền hiện có 5 hecta keo; 2 ha mét kết hợp nuôi con bò; gà, lợn, đào ao thả cá; trồng ngô, trồng lúa.

“Trước kia vận chuyển keo, mét khó, có khi phải kết theo bè cho trôi theo dòng nước về nơi tập kết, chính vì vậy khi chị Lô Thị Linh- Chi hội trưởng Hội Nông dân, Trưởng ban công tác mặt trận và ban quản lý bản vào vận động mở đường vào khu sản xuất, gia đình tôi đã hiến 600m2.

Nhiều hộ khác cùng tham gia, nhờ đó, đến mùa thu hoạch xe ô tô đã có thể vào tận nơi để chở sản phẩm lâm nghiệp…”- ông Lộc Văn Miền cho hay.

fotojet(1).jpg
Chị Lô Thị Linh- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bủng Xát thăm, động viên hộ ông Lộc Quốc Miền (70 tuổi) điển hình làm kinh tế giỏi, gương mẫu hiến đất mở đường vào khu sản xuất. Ảnh: Khánh Ly-Quỳnh An

Chưa dừng lại ở những con đường, “thủ lĩnh” nông dân Lô Thị Linh còn cùng ban quản lý bản vận động người dân đóng góp kinh phí lắp đặt gần 300 bóng đèn đường thắp sáng, vừa thuận tiện cho bà con đi lại vào ban đêm vừa góp phần đảm bảo an ninh trật tự cho thôn bản.

Bên cạnh đó, chị không quản ngại “đi từng ngõ gõ từng nhà” vận động hội viên hưởng ứng phong trào trồng cây xanh hai bên đường và chăm sóc tuyến đường do Hội Nông dân quản lý, bảo vệ…

img_7178(1).jpg
Chị Lô Thị Linh (thứ hai trái sang)- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bủng Xát cùng lãnh đạo Hội Nông dân xã Châu Khê thăm, động viên hộ hội viên nông dân phát triển chăn nuôi. Ảnh: Quỳnh An

Trò chuyện với chúng tôi, chị Lô Thị Linh chia sẻ: để được sự đồng thuận của hội viên và người dân, chị luôn tranh thủ ý kiến và sự ủng hộ của cấp uỷ, Ban quản lý bản, đồng thời thực hiện “nói đi đôi với làm” trong mọi phong trào, hoạt động.

Ví như xác định cùng với chăn nuôi thì keo, mét là cây trồng chủ lực của địa phương, để tuyên truyền người dân tập trung phát triển vào các thế mạnh này, chị Lô Thị Linh tích cực trồng hơn 4 ha keo và 400 gốc mét, chăn nuôi bò, lợn, gà để phục vụ cuộc sống cũng như nâng cao thu nhập. Nhiều hộ khác cũng đã xem keo mét là cây sinh kế lâu dài.

img_7260.jpg
Bên cạnh trồng tre mét, chăn nuôi cũng là một trong những thế mạnh của người dân bản Bủng Xát. Ảnh: Quỳnh An

Nhờ khéo dân vận, đến nay, bản Bủng Xát có khoảng 12 nghìn hecta mét; 700 hecta keo. Toàn bản có khoảng 1.200 con lợn, 180 trâu bò. Trên địa bàn đã có các hộ nông dân xây dựng mô hình nông lâm kết hợp cho hiệu quả cao như hộ Lô Văn Hường, trồng rừng (keo, mét) kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên; hay mô hình nông, lâm kết hợp nuôi ba ba giống của ông Kha Văn Kim…

Hiện nay, bản nghèo Bủng Xát đã có nhiều đổi thay, năm 2025, toàn bản có 25 hộ nghèo, giảm 8 hộ (24%) so với năm 2024. Trong 2 năm 2023-2024, bản có 15 hộ nông dân thoát nhờ vay vốn, chăn nuôi kết hợp, trồng thu hoạch keo, mét…

bna_det-tho-cam-chau-khe-con-cuong-anh-thu-huyen-e740993ae7bb5e18f43c66b8a46ee84a.jpg
Chị em ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê (Con Cuông) dệt thổ cẩm. Ảnh: Thu Huyền

“Trong sự thay da đổi thịt đó có đóng góp của nữ cán bộ hội năng động, sáng tạo, bám bản, bám nhà nông và “ khéo” dân vận như chị Lô Thị Linh”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Khê Cầm Thị Nam cho biết.

Khánh Ly- Quỳnh An