Độc đáo vườn cau hơn 1000 gốc ở Yên Thành
Dù gần tuổi 80, ông Nguyễn Quang Vinh ở xã Kim Thành, Yên Thành vẫn gắn bó với vườn cau hơn 1.000 gốc. Không chỉ khiến nhiều người trầm trồ bởi vẻ đẹp như tranh vẽ, vườn còn mang lại nguồn thu nhập 350 triệu đồng mỗi năm.
Ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành có một khu vườn đặc biệt khiến bất kỳ ai ghé thăm cũng phải trầm trồ thán phục. Đó là vườn cau hơn 1.000 gốc của cụ ông Nguyễn Quang Vinh vẫn hằng ngày cần mẫn chăm sóc khu vườn rộng lớn, xanh mướt như một bức tranh giữa làng quê yên bình.
Vườn cau của ông Vinh không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ đẹp nên thơ, cau trồng thẳng hàng tăm tắp, cây nào cây nấy xanh tốt, trĩu quả mà còn là nguồn thu nhập ổn định. Chia sẻ trong lúc đang dùng thang trèo lên cây cau thu hoạch buồng chín, ông Vinh cho biết: “Vườn cau này được gia đình tôi gây dựng cách đây hơn 50 năm. Cau cho quả quanh năm, đầu năm có cau Tết, cau Rằm rất được giá. Có buồng cau bán được tới 1 triệu đồng. Từ tháng 8 trở đi là vụ chính, mỗi buồng cho trung bình 4kg quả, buồng sai có thể đạt tới 6kg. Cau rất dễ tiêu thụ, những ngày lễ tết tư thương đến tận nơi thu mua.
Theo ông Vinh, một mùa cau có thể thu hoạch nhiều lứa, và trong năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định, vườn cau của ông hàng năm cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng, một con số không nhỏ đối với nông dân miền quê.

Điều đáng nói, việc trồng cau không quá vất vả như nhiều loại cây trồng khác. Cau ít bị sâu bệnh, hầu như không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm, ông chỉ bón phân hữu cơ vài lần và dọn cỏ quanh gốc. Dưới tán cau, ông còn tận dụng diện tích để trồng thêm trầu không, tiêu bám vào thân cau, đồng thời nuôi ong lấy mật, tăng thêm thu nhập mà vẫn giữ được sinh thái vườn tự nhiên.

Không chỉ bán cau quả, ông Vinh còn ươm cây giống cung cấp cho bà con trong vùng. Mỗi cây giống được bán với giá từ 35.000 – 50.000 đồng, tùy vào kích thước và độ tuổi. Nhờ có tiếng trong nghề, cây giống của ông luôn được ưa chuộng, không chỉ ở Kim Thành mà còn ở các xã lân cận.

Ông bảo, cây cau sống thọ, có thể cho quả tới 50 – 60 năm mà không bị thoái hóa. Nhờ đặc tính ấy mà người trồng cau đỡ tốn kém chi phí đầu tư lại thu hoạch được đều đặn qua nhiều năm. "Trồng cau không phải lo quá nhiều, không tốn đất, lại sạch sẽ, không hóa chất, phù hợp với người già như tôi", ông Vinh chia sẻ.
Từ nguồn thu ổn định từ cau, ông Vinh đã xây dựng được căn nhà khang trang, nuôi các con ăn học trưởng thành. Không dừng lại ở đó, ông còn tiếp tục trồng thêm hơn 1.000 gốc cau non để dần thay thế cho số cau già cỗi.
Ông Phan Tất Mậu – Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết, ông Nguyễn Quang Vinh là một trong số ít hộ dân trồng cau tập trung với quy mô lớn tại địa phương, được xem là điển hình làm kinh tế giỏi. Hiện nay, xã Kim Thành có hơn 100 hộ trồng cau, tuy nhiên chủ yếu là trồng xen ghép, chưa có nhiều mô hình quy hoạch bài bản như của ông Vinh.

Từ thành công của gia đình ông, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cau theo hướng tập trung, đồng thời nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cau như cau sấy khô để tiêu thụ quanh năm, gia tăng giá trị.

Vườn cau đẹp như tranh không chỉ là nơi lưu giữ ký ức của bao thế hệ mà còn là minh chứng sống động cho sự cần cù, sáng tạo và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà.