5 lời khuyên hữu ích khi mua điện thoại di động cũ
Bạn đang cân nhắc mua điện thoại di động cũ để tiết kiệm chi phí? Đừng bỏ lỡ 5 lời khuyên hữu ích dưới đây để chọn được chiếc máy chất lượng, tránh rủi ro và tối ưu trải nghiệm sử dụng.
Không thể phủ nhận một điều rằng, điện thoại thông minh không hề rẻ đối với thu nhập của nhiều người. Dù nhiều người chuyển sang lựa chọn các mẫu máy giá rẻ trên thị trường, thì những lựa chọn “bình dân” ấy đôi khi cũng vượt quá ngân sách của nhiều người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vẫn còn một hướng đi khác giúp người dùng tiết kiệm chi phí mà vẫn sở hữu một chiếc điện thoại mà mình ưng ý là mua điện thoại cũ.

Tất nhiên, khi nhắc đến điện thoại cũ, không ít người vẫn cảm thấy e ngại. Việc mua một thiết bị từng được người khác sử dụng thường đi kèm nỗi lo: "Liệu nó có bị lỗi không? Có bền không? Tại sao chủ cũ lại bỏ nó?", những câu hỏi hoàn toàn chính đáng.
Nhưng thực tế không hẳn như vậy, nếu bạn biết tìm đúng nơi mua và biết cách kiểm tra thì bạn hoàn toàn có thể mua được một chiếc điện thoại chất lượng với giá cả hợp lý.
1. Hãy tìm hiểu kỹ uy tín của nơi bán
Bước quan trọng đầu tiên khi mua điện thoại đã qua sử dụng không phải là chọn mẫu mã hay cấu hình, mà là tìm hiểu kỹ nơi bạn định mua. Trong thế giới công nghệ cũ, uy tín của người bán chính là lớp bảo vệ đầu tiên của bạn.
Hãy chắc chắn rằng người bán đã hoạt động trên thị trường một thời gian. Kiểm tra đánh giá của họ trên các nền tảng đáng tin cậy để đảm bảo rằng họ có lịch sử phục vụ khách hàng tốt. Đồng thời, đừng ngần ngại hỏi về chính sách bảo hành, hầu hết các cửa hàng uy tín sẽ cung cấp ít nhất 12 tháng bảo hành.
Hiện có rất nhiều sàn thương mại điện tử và cửa hàng bán lại thiết bị di động, nhưng không phải nơi nào cũng đáng tin. Luôn kiểm tra xếp hạng người bán và đọc kỹ các đánh giá của khách hàng cũ trước khi mua.
Hãy để ý đến hệ thống phân loại chất lượng thiết bị mà người bán sử dụng, ví dụ như phân loại theo chữ cái (A, B, C) hoặc theo mô tả tình trạng. Việc này giúp bạn biết chính xác mình đang nhận được sản phẩm ở tình trạng nào.
2. Kiểm tra IMEI: Bước không thể bỏ qua trước khi quyết định mua
Sau khi bạn đã chọn được một chiếc điện thoại ưng ý từ một nhà bán uy tín, việc tiếp theo không phải là thanh toán ngay, mà là kiểm tra IMEI của thiết bị, một bước nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng để tránh mua nhầm điện thoại bị đánh cắp hoặc khóa mạng.
IMEI (International Mobile Equipment Identity) là mã nhận dạng duy nhất của mỗi chiếc điện thoại, và bạn có thể dễ dàng kiểm tra bằng cách bấm số *#06# trên bàn phím thiết bị. Các cửa hàng bán lại có uy tín thường sẽ hỗ trợ bạn kiểm tra xem số IMEI này có bị liệt kê là mất cắp, bị khóa, hay có bất kỳ hạn chế nào từ nhà mạng hay không.

Dù bạn mua hàng online hay trực tiếp, IMEI và số sê-ri là hai thông tin đầu tiên bạn nên yêu cầu. Nếu người bán không cung cấp được, đó là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng, có thể bạn đang đứng trước một chiếc điện thoại bị đánh cắp hoặc là hàng giả.
Đặc biệt, đối với thiết bị iPhone, trước khi mua, hãy đảm bảo iPhone đã được xóa tài khoản iCloud và thoát khỏi chế độ khóa kích hoạt (Activation Lock). Nếu không, bạn sẽ không thể sử dụng thiết bị dù phần cứng còn tốt đến đâu.
Nếu mua trực tiếp, hãy yêu cầu người bán lắp thử SIM và chứng minh rằng điện thoại có thể nhận tín hiệu mạng. Đây là một cách nhanh chóng để xác nhận thiết bị chưa bị khóa mạng hoặc vô hiệu hóa.
Tuy nhiên, điều này khó thực hiện khi mua online, vì vậy, hãy ưu tiên các cửa hàng hoặc nền tảng có chính sách đổi trả minh bạch, để bạn có thể hoàn trả thiết bị nếu phát sinh vấn đề.
3. Kiểm tra mọi chức năng cơ bản của thiết bị trước khi trả tiền
Khi bạn đã cầm chiếc điện thoại mình muốn trên tay, đừng vội thiết lập mọi thứ và bắt đầu dùng ngay. Trước tiên, hãy dành vài phút để kiểm tra xem mọi chức năng cơ bản của thiết bị có hoạt động trơn tru không, giống như một bài "khám sức khỏe tổng quát" trước khi ký hợp đồng vậy.
Một số bài kiểm tra nhanh mà bạn có thể dễ dàng thực hiện ngay sau khi bật máy:
- Gọi thử một cuộc điện thoại để đảm bảo kết nối hoạt động ổn định.
- Gửi tin nhắn SMS và kiểm tra xem nó có được gửi thành công không.

- Phát thử nhạc hoặc video để kiểm tra loa và chất lượng âm thanh.
- Mở trình duyệt và truy cập một trang web để đảm bảo kết nối dữ liệu di động hoạt động.
- Chụp một vài tấm ảnh, kiểm tra độ nét và khả năng lấy nét của camera.
- Kết nối Wi-Fi và thử điểm phát sóng (hotspot) để kiểm tra khả năng kết nối mạng không dây.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên yêu cầu người bán chạy chẩn đoán phần cứng/phần mềm và gửi bạn kết quả. Báo cáo này sẽ giúp bạn phát hiện sớm các lỗi tiềm ẩn về pin, camera, GPS hoặc màn hình cảm ứng.
Hầu hết các nhà bán hàng chuyên nghiệp đều có công cụ kiểm tra chuyên dụng, nhưng nếu không, bạn có thể sử dụng các ứng dụng chẩn đoán miễn phí trên cửa hàng ứng dụng để tự kiểm tra thiết bị.
4. Kiểm tra hình thức bên ngoài và màn hình
Sau khi xác định điện thoại vẫn hoạt động, bước tiếp theo là kiểm tra hình thức bên ngoài, đặc biệt là thân máy và màn hình. Với điện thoại đã qua sử dụng, việc xuất hiện một vài vết xước là điều bình thường.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên quan sát kỹ để phát hiện các vết nứt nhỏ hoặc dấu hiệu hư hỏng, vì chúng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Một mẹo đơn giản là dùng móng tay lướt nhẹ quanh mép màn hình, nếu bị vướng lại ở đâu đó, rất có thể có vết nứt nhỏ mà mắt thường khó thấy.
Đặc biệt, người dùng nên kiểm tra kỹ các khu vực như màn hình, cổng sạc, jack tai nghe và cụm camera để phát hiện dấu hiệu hư hại rõ ràng. Hãy để ý các chi tiết như màn hình lỏng lẻo, ốc vít không đồng bộ hay bất kỳ điểm bất thường nào có thể cho thấy thiết bị đã từng được sửa chữa.
Một cách kiểm tra hữu ích là tăng độ sáng màn hình lên mức tối đa để dễ dàng nhận ra các vết trầy xước hoặc điểm bất thường.
Trong trường hợp mua online, hãy yêu cầu người bán cung cấp hình ảnh rõ nét và chất lượng cao để bạn có thể phóng to kiểm tra kỹ thiết bị trước khi quyết định. Khi nhận máy, hãy dành thời gian kiểm tra các lỗi thường gặp ở màn hình như điểm chết hay vùng hiển thị màu sắc không đều, đây là dấu hiệu cho thấy màn hình có thể đã bị hư hỏng.
5. Đừng quên kiểm tra cổng kết nối và chất lượng pin
Trước khi quyết định mua, hãy dành thời gian kiểm tra các cổng kết nối và tình trạng pin, 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm sử dụng. Đầu tiên, bạn có quyền yêu cầu người bán cho xem thiết bị đang được sạc để đảm bảo cổng sạc vẫn hoạt động bình thường.
Khi cắm sạc, hãy chú ý xem có thông báo cảnh báo chất lỏng nào hiện lên trên màn hình hay không, vì đó có thể là dấu hiệu máy từng bị ngấm nước.

Một điểm khác cần kiểm tra là pin có bị phồng hay không. Cách đơn giản là đặt máy trên mặt phẳng và nhìn từ bên cạnh xem mặt lưng có bị đội lên bất thường không. Đồng thời, quan sát kỹ cổng sạc để đảm bảo không có chân tiếp xúc nào bị gãy hoặc bụi bẩn tích tụ.
Bên cạnh đó, người mua nên kiểm tra các dấu hiệu ăn mòn quanh cổng tai nghe hoặc cổng sạc, vì đó có thể là hậu quả của việc máy từng tiếp xúc với nước. Ngay cả khi thiệt hại ban đầu không đáng kể, nước có thể âm thầm ảnh hưởng đến bo mạch và khiến điện thoại hỏng hoàn toàn sau một thời gian.
Đặc biệt, người mua nên mang theo bộ sạc và tai nghe để thử trực tiếp. Hãy kiểm tra khả năng sạc và âm thanh. Nếu bạn mua online, hãy yêu cầu video hoặc hình ảnh chứng minh những tính năng này vẫn hoạt động.
Ngoài ra, hãy kiểm tra tình trạng pin trong phần cài đặt máy, nếu chỉ số ở mức 90 - 100%, pin vẫn tốt; từ 80 - 90% là chấp nhận được, còn dưới 80% thì nên cân nhắc thay pin.
Tóm lại, việc mua điện thoại cũ có thể khá áp lực, nhất là khi bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng chỉ cần lưu ý một vài điểm quan trọng, bạn hoàn toàn có thể tránh được những rủi ro thường gặp và biến quá trình mua sắm trở nên đơn giản, an toàn hơn rất nhiều.