Xây dựng Đảng

Phân cấp mạnh theo nguyên tắc: 'Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm'

Mai Hoa 06/05/2025 10:03

Tại kỳ họp thứ 9, khoá XV lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi). Vấn đề được quan tâm trong dự thảo luật, chính là đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh và cấp xã với nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

 Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cùng Sở Xây dựng kiểm tra tuyến đường ven biển, đoạn qua huyện Diễn Châu. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cùng Sở Xây dựng kiểm tra tuyến đường ven biển, đoạn qua huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa

Những nội dung trọng tâm

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được Chính phủ xây dựng để trình Quốc hội gồm 7 chương, 54 điều. Đây là dự thảo luật nhằm triển khai chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với việc không tổ chức chính quyền cấp huyện và thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã.

Vấn đề được quan tâm trong dự thảo luật, chính là đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh và cấp xã với nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mai Hoa
Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức. Ảnh: Mai Hoa

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức vào cuối tháng 4/2025, vấn đề được đại biểu quan tâm về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phải đảm bảo tập trung dân chủ; đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại; phát huy quyền làm chủ của người dân đặc biệt là cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình là nền tảng quan trọng để phát huy hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

Về phân cấp, phân quyền và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã, các đại biểu đồng tình với quan điểm, nguyên tắc phân cấp “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

 2
Bản đồ phác thảo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Tương Dương. Ảnh: Mai Hoa

Đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành thì dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách, các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư,... của địa phương.

Đối với chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay, được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.

 Cán bộ, công chức phường Long Sơn, thị xã Thái Hoà giải quyết công việc cho người dân tạo bộ phận %22một cửa%22. Ảnh- Mai Hoa
Cán bộ, công chức phường Long Sơn, thị xã Thái Hoà giải quyết công việc cho người dân tại bộ phận "một cửa". Ảnh: Mai Hoa

Phát huy trách nhiệm khi phân quyền

Dự thảo Luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, UBND tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, chủ tịch UBND cấp xã đối với các vấn đề cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Bên cạnh đồng tình với dự thảo, Tiến sĩ Đinh Văn Liêm - Trưởng khoa Luật, Trường Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Vinh), cho rằng, cần cụ thể hoá “ranh giới” thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau. Cần phân định rõ “ai quyết định”, “ai chịu trách nhiệm”, tránh đùn đẩy trách nhiệm và chờ xin ý kiến cấp trên theo cơ chế “xin - cho”. Đồng thời, trong quy định về phân quyền cần quy định rõ trách nhiệm và cơ chế thực thi để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, đặc biệt nâng cao tính tự chủ thực chất của chính quyền địa phương.

Tiến sĩ Đinh Văn Liêm cũng cho biết: Luật pháp Nhật Bản và Đức đều xây dựng bảng phân quyền cụ thể giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở đó có thể tra cứu rõ trong từng lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, môi trường, cấp nào làm gì, tránh chồng chéo hoặc bỏ trống quyền hạn, nhiệm vụ của từng cấp.

2 copy

Luật cần cụ thể hoá “ranh giới” thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau: “ai quyết định”, “ai chịu trách nhiệm”, tránh đùn đẩy trách nhiệm và chờ xin ý kiến cấp trên theo cơ chế “xin - cho”.

Tiến sĩ Đinh Văn Liêm - Trưởng khoa Luật, Trường Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Vinh)

Về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh, một số ý kiến cho rằng, cần tăng quyền thực chất và được giám sát bởi cơ chế độc lập khi ban hành chính sách đặc thù; đồng thời trong quy trình bầu uỷ viên UBND cùng cấp cần được tiến hành trước khi bổ nhiệm chức danh cấp trưởng các cơ quan chuyên môn UBND, thay vì bổ nhiệm chức danh cấp trưởng cơ quan chuyên môn UBND trước, sau mới làm quy trình bầu uỷ viên UBND như hiện nay.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, có ý kiến cho rằng quy định nhiều quyền hạn, nhưng thiếu các quy định mang tính ràng buộc trách nhiệm giải trình, cơ chế giám sát việc hực hiện.

 doan-dai-bieu-quoc-hoi-va-thuong-truc-hdnd-tinh-giam-sat-viec-giai-quyet-kien-nghi-cu-tri-xa-quynh-nghia.-anh-mai-hoa
Thường trực HĐND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Mai Hoa

Một số ý kiến cũng nêu một số quy định không hợp lý trong dự thảo luật, đề nghị xem xét bỏ. Chẳng hạn, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh trong lĩnh vực tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền là được quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương cấp mình và tổng biên chế công chức của chính quyền địa phương cấp xã, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Văn Lĩnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 70 về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, đã thống nhất quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; trong đó, ở cấp tỉnh là ban thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ quản lý. Do Luật chưa thay đổi, nên lâu nay, việc giao biên chế, sử dụng biên chế trên cơ sở thông báo của tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiến hành “phân khai” trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để thực hiện. Như vậy, vô hình trung lại tăng thêm một cấp quyết định, kéo dài thời gian. Vì vậy, kiến nghị bỏ quy định này đối với HĐND tỉnh, mà sau khi có quyết định của Tỉnh uỷ thì UBND tỉnh trên cơ sở đó giao biên chế và quản lý biên chế cho các cơ quan, đơn vị.

Điều này cũng cần được làm tương tự đối với HĐND cấp xã, bởi HĐND xã không thể làm trái quyết định của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; mặt khác biên chế ở cấp xã được quy định cứng theo chức danh, “cắt” không được và xin thêm cũng không.

3 copy

Kiến nghị xem xét bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với HĐND cấp tỉnh trong quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của chính quyền địa
phương cấp mình và tổng biên chế công chức của chính quyền địa phương cấp xã,
số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo chỉ tiêu biên chế được
cấp có thẩm quyền giao.

Đồng chí Lê Văn Lĩnh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ

Việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp với mô hình quản lý mới, khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn, tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và người đứng đầu; đồng thời cắt giảm các khâu không cần thiết.

Cùng với đó là có biện pháp, giải pháp để nâng cao năng lực cho chính quyền cấp xã mới khi phải “gánh” chức năng, nhiệm vụ của cấp huyện và cấp xã hiện tại; với chính quyền cấp tỉnh cũng cần đổi mới phương pháp, cách thức quản trị khi tăng đầu mối từ hàng chục lên hàng trăm đơn vị.

Mai Hoa