Kinh tế

Mây tre đan - Khi tay nghề chạm đỉnh cao OCOP

Thanh Phúc 06/05/2025 13:45

Từ những sợi mây, nan tre mộc mạc, họ đã làm nên kỳ tích: sản phẩm OCOP 5 sao, xuất khẩu tới những thị trường khó tính nhất như Đức, Hà Lan, Nhật Bản. Những người thợ luống tuổi giữ hồn nghề bằng sự kiên trì, nhẫn nại; còn người trẻ chắp cánh cho mây tre bay xa bằng ý tưởng, thiết kế và tư duy thị trường...

Từ những đôi tay thô ráp đến sản phẩm 5 sao OCOP

Nhóm đèn lồng mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong hiện là đại diện duy nhất của Nghệ An được công nhận 5 sao OCOP
Nhóm đèn lồng mây tre đan hiện là đại diện duy nhất của Nghệ An được công nhận 5 sao OCOP. Ảnh: CSCC

Mới đây, Nghệ An tiếp tục đón tin vui khi nhóm sản phẩm bộ đèn tre Đức Phong - gồm đèn treo xoắn tre, đèn bàn cánh sen, đèn ốp tường - chính thức được xét duyệt danh hiệu OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Trước đó, vào năm 2022, 5 sản phẩm khác của doanh nghiệp này cũng đã được vinh danh 5 sao OCOP. Tính đến nay, đây là nhóm sản phẩm duy nhất của Nghệ An hai lần chạm đỉnh OCOP - một kỳ tích được thêu dệt bằng bàn tay thô ráp của những người thợ làng, bởi lòng kiên nhẫn và tình yêu bền bỉ dành cho nghề đan mây tre truyền thống.

Những đôi tay thô ráp đã khiến mây tre đan nở hoa.
Những đôi tay thô ráp đã khiến mây tre đan nở hoa. Ảnh: T.P

Với họ - người thợ luống tuổi, đan không chỉ là nghề mà còn là niềm tự hào, là sợi dây gắn kết họ với làng nghề và thế giới bên ngoài. Họ - những người thợ chưa từng rời khỏi mảnh đất quê hương - lại đang âm thầm làm nên những sản phẩm thủ công góp mặt trong các quán cà phê giữa lòng Berlin, showroom nội thất tại Paris, hay không gian xanh đậm chất Nhật tại Tokyo.

Như bà Võ Thị Mười, năm nay hơn 65 tuổi, gắn bó với nghề đan mây tre cả thập kỷ. Dù đôi tay đã chai sạn, không còn linh hoạt như thời trẻ, mắt cũng không còn tinh tường, nhưng ngày nào bà cũng miệt mài bên những bó mây, từng nan tre nhỏ.

Những người thợ luống tuổi gắn bó với nghề đan lát bằng đam mê, tâm huyết.
Những người thợ luống tuổi gắn bó với nghề đan lát bằng đam mê, tâm huyết. Ảnh: T.P

"Mỗi lần biết sản phẩm mình đan được xuất sang nước ngoài, lòng tôi lại lâng lâng tự hào. Tôi chưa từng đi đâu xa, nhưng sản phẩm do mình làm ra lại được đi khắp thế giới - đó là hạnh phúc lớn nhất của người thợ" - bà Mười xúc động nói.

Hay như bà Doãn Thị Tài, gắn bó với nghề đan hơn 15 năm nay. Dù đã cao tuổi, con cháu đều trưởng thành, bà vẫn giữ thói quen mỗi sáng ngồi bên khung tre, đan từng lớp nan đều đặn. Với bà, nghề không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn là niềm vui mỗi ngày.

"Tôi thấy mình vẫn còn có ích, vẫn được góp phần làm ra sản phẩm xuất khẩu. Mỗi lần nhìn thấy những chiếc đèn mây tre tinh xảo hoàn thành, tôi lại thấy công sức mình bỏ ra là xứng đáng" - bà Mười chia sẻ.

Đôi bàn tay thô ráp làm nên những sản phẩm
Đôi bàn tay thô ráp làm nên những sản phẩm 5 sao OCOP. Ảnh: T.P

Chính sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm của những người thợ chân chất ấy đã và đang góp phần tạo nên những sản phẩm OCOP 5 sao, chinh phục cả những thị trường khó tính nhất thế giới.

những người thợ có hàng chục năm kinh nghiệm với nghề.
Những người thợ có hàng chục năm kinh nghiệm với nghề. Ảnh: T.P

"Mỗi lần biết sản phẩm mình đan được xuất sang nước ngoài, lòng tôi lại lâng lâng tự hào. Tôi chưa từng đi đâu xa, nhưng sản phẩm do mình làm ra lại được đi khắp thế giới - đó là hạnh phúc lớn nhất của người thợ".

Bà Mười xúc động nói.

Khi người trẻ chạm tay vào hồn mây, tre

Trên chất liệu tưởng như xưa cũ là mây, tre, anh Thái Bá Phượng (sinh năm 1987), là người thiết kế ra những sản phẩm mây tre đan 5 sao OCOP, người thổi hồn vào mây tre một sức sống mới. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh trong một gia đình kinh doanh hàng mây tre đan mỹ nghệ, anh lại chọn cho mình một con đường khác, đó là theo học công nghệ thông tin.

Sau đó, anh sang Hà Lan học chuyên ngành xuất nhập khẩu, tiếp đến là học ngành thiết kế công nghiệp ở nước ngoài. Không chọn công việc văn phòng ở thành phố lớn hay môi trường sáng tạo tại châu Âu, anh Phượng đã lựa chọn trở về quê nhà - nơi cha anh từng sống bằng nghề mây tre để khởi sự một hành trình rất riêng.

anh Thái Bá Phượng - Chủ nhân của những thiết kế đèn mây tre đan 5 sao OCOP.
Anh Thái Bá Phượng - chủ nhân của những thiết kế đèn mây tre đan 5 sao OCOP. Ảnh: T.P

Trong căn xưởng giản dị ở một góc khu công nghiệp Nghi Phú (TP. Vinh) anh Phượng cặm cụi phác thảo từng mẫu đèn mây tre mang hơi thở của Bắc Âu: tối giản, tinh tế nhưng vẫn hiện rõ hồn vía của làng nghề Nghệ An.

Những mẫu thiết kế của anh: đèn trần, đèn thả, đèn bàn, đèn tường bằng mây đan khối tròn, khối tổ chim, khối nấm… được khách hàng Đức, Hà Lan, Pháp đón nhận nồng nhiệt nhờ kiểu dáng thanh lịch, tinh gọn mà vẫn giữ nét thủ công mộc mạc.

Từng sợi mây tre là hồn quê, là gửi gắm tâm huyết của người thợ đan. Ảnh: T.P

“Tôi không muốn tạo ra sản phẩm chỉ để ngắm, mà đó phải là những món đồ vừa mang giá trị thẩm mỹ cao, vừa mang tính ứng dụng thực tiễn, thực sự là sản phẩm thiết yếu của người dân châu Âu. Tre, mây – thứ mà chúng ta quen thuộc - chính là lợi thế của người Việt. Tôi muốn nó được khách hàng nhìn nhận bằng một con mắt mới” - anh Phượng chia sẻ.

“Điều quan trọng nhất là mỗi sản phẩm đèn lồng mây tre đan này là một tác phẩm nghệ thuật, mang tính thẩm mỹ cao, đầy sáng tạo song phải đảm bảo được rằng, chúng không quá cầu kỳ đến mức khó sản xuất. Trái lại, chỉ cần vài thao tác hướng dẫn, những người thợ mây tre đan tại các làng nghề - phần lớn là các bà, các mẹ đã luống tuổi - hoàn toàn có thể làm ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Bởi, quan trọng nhất của một công ty mây tre đan xuất khẩu chính là lợi thế cạnh tranh về mẫu mã, sản xuất ra hàng loạt để cung ứng cho thị trường, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động các làng nghề”, anh Phượng cho biết.

bna_nhung-san-pham-5-sao-ocop-do-duoc-xuat-khau-sang-gan-30-nuoc-tren-the-gioi.-e55fb2e61a6922f308972a983098d88c(1).jpg
Những sản phẩm 5 sao OCOP đó được xuất khẩu sang gần 30 nước trên thế giới. Ảnh: T.P

Cũng theo anh Phượng chia sẻ, tuổi thọ của mỗi sản phẩm mây tre đan thiết kế chỉ kéo dài khoảng 2 năm, nhiều nhất là 3-4 năm bởi mẫu mã thay đổi liên tục để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, xu hướng sống của khách. “Mỗi năm, tôi phải có cả trăm ý tưởng thiết kế, phác thảo rồi gửi cho khách hàng, đối tác chọn lựa, góp ý. Từ phản hồi của khách, sẽ hoàn thiện để cho ra đời những mẫu mã mới. Do đó, cường độ làm việc khá căng”.

Để có những mẫu mã mới, những ý tưởng mới, ngoài nắm bắt thị hiếu khách hàng, tìm hiểu thị trường thì việc thực tế ở các làng nghề, các vùng nguyên liệu, tiếp xúc với những nghệ nhân nổi tiếng ở khắp nơi trong cả nước.

Anh Doãn Anh Tuấn, người truyền tải kỹ thuật đan các sản phẩm đèn mây tre đạt OCOP 5 sao
Anh Doãn Anh Tuấn, người truyền tải kỹ thuật đan các sản phẩm đèn mây tre đạt OCOP 5 sao. Ảnh: T.P

Đồng hành cùng anh Phượng trong hành trình biến thiết kế thành sản phẩm thực tế là anh Doãn Anh Tuấn - kỹ thuật viên chính của Công ty TNHH Đức Phong. Nếu anh Phượng là người vẽ ra các sản phẩm, thì anh Tuấn là người hiện thực hóa sản phẩm ấy.

Từng mẫu thiết kế khi được chuyển tới xưởng sản xuất đều phải trải qua giai đoạn “phiên dịch” thủ công: từ bản vẽ 2D, 3D, Tuấn tính toán tỷ lệ, lựa chọn chất liệu phù hợp, rồi trực tiếp hướng dẫn các thợ đan - từng mối nối, từng nếp gập, từng đường viền. “Mỗi lần có mẫu thiết kế mới, tôi nghiên cứu kỹ và bắt tay vào thực hiện, làm ra sản phẩm mẫu.

Mỗi sản phẩm OCOP 5 sao, xuất ngoại là tâm huyết của những người thợ.
Mỗi sản phẩm OCOP 5 sao, xuất ngoại là tâm huyết của những người thợ. Ảnh: T.P

Sau đó, truyền dạy lại kỹ thuật cho thợ. Hầu hết phải “cầm tay, chỉ việc”. Bởi, mỗi mẫu sản phẩm như một sinh thể có cá tính. Đan đúng dáng chưa đủ. Quan trọng là giữ được thần thái thiết kế. Vì thế, tôi phải sát sao từng chi tiết, thậm chí cùng ăn, cùng làm, cùng sửa với thợ. Nhưng may mắn là các cô, các bác thợ ở tuy tuổi cao nhưng họ học cực nhanh, khéo và rất có tâm” - anh Tuấn tâm sự.

Trong những buổi chiều sẫm nắng, dưới mái xưởng giản dị, hình ảnh người trẻ cúi nghiêng uốn khung, những người thợ già miết tay đan từng sợi mây, sợ tre không chỉ là sự tiếp nối giữa các thế hệ, mà còn là minh chứng cho hành trình hội nhập mà vẫn giữ được cốt lõi truyền thống.

Những sản phẩm 5 sao OCOP hiện có mặt khắp 5 châu
Những sản phẩm 5 sao OCOP hiện có mặt khắp 5 châu, ở các hội chợ thương mại Quốc tế. Ảnh: CSCC

Không còn khoảng cách giữa nhà thiết kế và người thợ. Không còn lằn ranh giữa sản phẩm dân dã và hàng xuất khẩu cao cấp. Ở đó, có sự tin cậy, cộng tác và truyền cảm hứng - để từ những điều mộc mạc nhất, người trẻ đã tạo nên những sản phẩm hiện đại nhất mà vẫn mang đậm hồn cốt nghề thủ công.

Sự kết hợp giữa sáng tạo hiện đại và kỹ thuật thủ công truyền thống không chỉ mang lại sản phẩm đẹp. Nó còn tạo nên mô hình sản xuất phù hợp với làng nghề: người trẻ làm thiết kế - người thợ cao tuổi làm sản phẩm - doanh nghiệp chịu trách nhiệm thị trường. Một chuỗi sản xuất đầy nhân văn, bền vững và đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Thanh Phúc