Thời sự

Xây dựng đội ngũ cán bộ 'vừa hồng, vừa chuyên' để đạt mục tiêu phát triển

Phạm Bằng - Thành Duy 08/05/2025 09:47

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An Ngọc Kim Nam nhấn mạnh, tăng cường giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư chính góp phần giữ cho Đảng “là đạo đức, là văn minh”, giữ gìn hình ảnh người cán bộ “vì dân, vì nước”.

Sáng 8/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội nghị toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt nội dung chuyên đề năm 2025 Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/1/2025 của Bộ Chính trị; bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Học tập suốt đời” và Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị.

Tại điểm cầu cấp tỉnh, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

bna_4fbaba609be629b870f7.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Giữ gìn hình ảnh người cán bộ “vì dân, vì nước”

Tại hội nghị, đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy quán triệt nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/1/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết, giáo dục cần, kiệm, liêm, chính là một trong những nội dung trụ cột của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, được chú trọng thực hiện từ khi Đảng mới ra đời đến nay, được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo.

bna_ngoc-kim-nam(1).jpg
Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy quán triệt nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 16/1/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ảnh: Thành Duy

Việc giáo dục và thực hành các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư chính là biện pháp hiệu quả để phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, giữ vững tư cách đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, để giữ gìn và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, một khi cán bộ thoái hóa, tham nhũng, sống xa dân thì lòng tin của nhân dân sẽ suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

bna_f96bb4f17e77cc299566.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tăng cường giáo dục và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư chính góp phần giữ cho Đảng “là đạo đức, là văn minh”, giữ gìn hình ảnh người cán bộ “vì dân, vì nước”.

Hiện toàn Đảng, toàn dân đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng với cuộc cách mạng lớn trên 3 trụ cột: Sắp xếp lại đơn vị hành chính để tạo không gian phát triển; sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

bna_18afefb2cd347f6a2625.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Để hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng đó, cần một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên làm nòng cốt, dẫn dắt, bởi cán bộ là “gốc” của mọi công việc. Mà phẩm chất cốt lõi nhất của cán bộ vừa hồng, vừa chuyên chính là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Những phẩm chất như cần (siêng năng), kiệm (tiết kiệm, chống lãng phí), liêm (trong sạch), chính (ngay thẳng), chí công vô tư (đặt lợi ích chung lên trên hết) sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị và điều hành của bộ máy Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững, đạt được mục phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Biến nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực

bna_img_9821.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Quán triệt các nội dung cơ bản của Chỉ thị 42, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết, Bộ Chính trị đánh giá, thời gian qua, công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được Ðảng, Nhà nước và các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được kết quả quan trọng.

bna_ngo-duc-kien.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của không ít cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ và đúng mức.

Công tác giáo dục đạo đức cách mạng, nhất là giáo dục liêm chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa trở thành nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng. Chưa hình thành ý thức tự giác học tập, rèn luyện, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong cán bộ, đảng viên.

Tham nhũng, tiêu cực tuy đã được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng. Tình trạng lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý.

bna_tran-khanh-thuc.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Nêu dẫn chứng, đồng chí Ngọc Kim Nam cho biết, trong năm 2024, lực lượng cảnh sát kinh tế toàn quốc đã khởi tố mới 825 vụ/1.646 bị can phạm tội về tham nhũng, tăng 16,4% so với năm 2023; thu hồi 1.334,6 tỷ đồng cùng nhiều tài sản có giá trị.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tính riêng năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 68 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Xuất phát từ cơ sở lý luận, thực tiễn, bối cảnh và những hạn chế được chỉ ra, Bộ Chính trị đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 381, ngày 3/4/2025, theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Quá trình thực hiện Chỉ thị 42 phải gắn với thực hiện Quy định số 144 ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

bna_img_9838.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Để Chỉ thị 42 đi vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong rèn luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng.

Đẩy mạnh nêu gương, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc lan tỏa các giá trị đạo đức tốt đẹp. Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

"Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu, vận dụng, và tổ chức thực hiện có hiệu quả, biến nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực trong từng lĩnh vực công tác, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh", Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Ngọc Kim Nam nhấn mạnh.

Phạm Bằng - Thành Duy