Kinh tế

Gieo mầm xanh bảo tồn động vật hoang dã trong học đường ở Pù Mát

Văn Trường 10/05/2025 12:15

Sáng 10/5 tại huyện Con Cuông, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam SVW phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn tổ chức Hội thảo tổng kết Chương trình Giáo dục bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát, giai đoạn 2023 - 2025.

van truong 2
Bà Nguyễn Ngọc Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Ngọc Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam và đại diện Chi cục Kiểm lâm, Vườn quốc gia Pù Mát, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn.

Hội thảo là dịp nhìn lại hành trình 3 năm lan tỏa nhận thức bảo tồn tới hàng ngàn học sinh vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát – nơi được coi là "lá phổi xanh" quý giá của khu vực miền Tây Nghệ An.

Cùng em bảo vệ rừng Pù Mát

Chương trình giáo dục bảo tồn được khởi động từ năm 2021 tại huyện Con Cuông, với mục tiêu nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ động vật hoang dã trong cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Sau những tín hiệu tích cực ban đầu, mô hình đã được mở rộng trong giai đoạn 2023 - 2025, bao phủ 16 trường học trên địa bàn 3 huyện vùng đệm gồm Con Cuông, Tương Dương và Anh Sơn.

van truong 5
Các đại biểu tham gia Hội thảo tổng kết Chương trình Giáo dục bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát. Ảnh: PV

Theo đại diện Ban tổ chức, chương trình giai đoạn 2023 - 2025 bao gồm 7 hợp phần chính, được triển khai xuyên suốt 2 năm học. Trong đó, nổi bật là việc thành lập nhóm tuyên truyền nòng cốt gồm 24 thành viên là giáo viên, kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng và cán bộ giáo dục của SVW. Đây là lực lượng tiên phong trong tổ chức và lan tỏa các hoạt động bảo tồn trong trường học và cộng đồng.

Một chuỗi 20 sự kiện truyền thông mang tên “Tự hào Pù Mát” được tổ chức tại các trường học, thu hút sự tham gia sôi nổi của học sinh và giáo viên. Cùng với đó, Câu lạc bộ “Cùng em bảo vệ rừng Pù Mát” với sự góp mặt của 80 học sinh tiêu biểu đã trở thành sân chơi giáo dục hấp dẫn, nơi các em được học hỏi kiến thức về rừng, trải nghiệm thiên nhiên và thực hành các hành vi bảo vệ động vật hoang dã.

van truong m4566
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, cho biết lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức để tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: PV

Chương trình còn có hoạt động trải nghiệm “Một ngày làm kiểm lâm”, giúp học sinh hiểu rõ hơn về công việc của lực lượng bảo vệ rừng. Đặc biệt, 10 dự án truyền thông do chính nhóm nòng cốt đề xuất và thực hiện như: treo bảng biển lên cây rừng, tổ chức cuộc thi thuyết trình, lồng ghép nội dung bảo tồn vào chương trình học, đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội với hơn 90.000 lượt tiếp cận.

Tiếp tục lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Lan – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam khẳng định: “Chương trình hướng tới việc trao quyền cho chính cộng đồng địa phương, bao gồm giáo viên, học sinh và kiểm lâm, để họ trở thành những tác nhân thay đổi trong công cuộc bảo tồn. Việc kết nối chặt chẽ giữa các bên là chìa khóa tạo nên chuyển biến tích cực, không chỉ cho cánh rừng Pù Mát mà cho cả tương lai của thế hệ trẻ tại đây”.

Ông Nguyễn Diên Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát chia sẻ thêm: “Vườn quốc gia Pù Mát là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, với 94.715 ha rừng đặc dụng và vùng đệm rộng tới 86.000 ha. Đây là nơi cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm. Do vậy, việc giáo dục cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, trở thành trụ cột quan trọng cho một chiến lược bảo tồn bền vững”.

van truong 3
Các câu lạc bộ học sinh cùng nhau thực hiện nhiều sáng kiến nhằm bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: PV.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: Với vai trò tham mưu và tổ chức thực thi, đơn vị đang nỗ lực tăng cường công tác quản lý, đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ động vật hoang dã. Việc chấp hành pháp luật sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi có được sự đồng thuận từ cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì vậy, đưa giáo dục bảo tồn vào trường học được xác định là một chiến lược bền vững, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên sâu rộng trong xã hội.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo 3 huyện cũng đồng lòng đánh giá cao tính thiết thực, sáng tạo và khả năng nhân rộng của chương trình. Các đơn vị đều khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành, mở rộng quy mô triển khai trong thời gian tới, đưa bảo tồn trở thành một phần tự nhiên trong hành trình giáo dục của học sinh.

Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương và gửi lời tri ân tới các đơn vị đã tin tưởng, đồng hành cùng Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam trong Chương trình giáo dục bảo tồn giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị được ghi nhận gồm: Vườn quốc gia Pù Mát; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương; cùng 16 trường học trên địa bàn phối hợp thực hiện chương trình.

van truong m
Học sinh huyện Con Cuông hào hứng tham gia hoạt động “Một ngày làm kiểm lâm”. Ảnh: PV

Dịp này, Ban tổ chức cũng trao bằng chứng nhận cho nhóm nòng cốt tuyên truyền bảo vệ rừng Pù Mát bao gồm lực lượng kiểm lâm, giáo viên và cán bộ trung tâm cùng Câu lạc bộ học sinh với 80 thành viên tham gia tích cực.

Sự kiện không chỉ ghi nhận với những đóng góp thiết thực của các cá nhân và tổ chức trong công tác giáo dục và bảo tồn, mà còn khẳng định một định hướng bền vững: bảo tồn bắt đầu từ giáo dục, và giáo dục khởi nguồn từ tình yêu thiên nhiên.

Văn Trường