Xây dựng Đảng

Cán bộ, đảng viên Nghệ An: Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí

Thanh Lê - Mai Hoa 12/05/2025 14:53

Theo dự kiến, sáng 16/5, tại tỉnh Nghệ An sẽ diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới”.

Trước thềm Hội thảo, Báo Nghệ An ghi nhận một số ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng chí Cao Đức Trung – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Hợp: Chống lãng phí góp phần bảo vệ niềm tin của Nhân dân với Đảng

 quy hop
Đồng chí Cao Đức Trung – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳ Hợp. Ảnh: M.H

Trong thời đại mới, khi đất nước ta đang vươn mình mạnh mẽ để phát triển và hội nhập, mỗi cán bộ, công chức – những người trực tiếp nắm giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước càng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và đặc biệt là ý thức tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm không phải là chuyện nhỏ. Nó là thước đo của lòng tận tụy, là biểu hiện của sự kỷ luật và là minh chứng rõ ràng cho tinh thần "vì dân phục vụ".

Chống lãng phí không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực quốc gia mà còn là bảo vệ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước – thứ vốn quý nhất mà một nền hành chính cần giữ gìn.

Thực tế cho thấy, chúng ta vẫn còn để xảy ra những biểu hiện đáng tiếc: hội họp rườm rà, sử dụng xe công sai quy định, văn bản hành chính thiếu hiệu quả, đầu tư công còn dàn trải. Những điều đó tưởng nhỏ nhưng cộng lại sẽ là một gánh nặng lớn cho ngân sách, cho cả xã hội.

Muốn đất nước phát triển bền vững, đội ngũ cán bộ, công chức cần thay đổi. Cần tiết kiệm trong từng việc nhỏ: tắt điện khi ra khỏi phòng, không in văn bản thừa, tổ chức họp đúng trọng tâm, hạn chế chi tiêu không cần thiết… Quan trọng hơn, phải biết nói không với hình thức, phô trương, lãng phí dưới mọi hình thức. Người đứng đầu phải gương mẫu. Cơ quan phải minh bạch. Mỗi cán bộ phải có trách nhiệm với từng đồng tiền của dân, từng phút giây công tác.

Khi văn hóa tiết kiệm thấm sâu vào từng hành vi, từng suy nghĩ, thì đất nước sẽ có đủ nguồn lực, đủ niềm tin để vươn xa. Mỗi hành động tiết kiệm hôm nay là một “viên gạch” xây nên tương lai thịnh vượng. Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí – không bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể, bằng kết quả thiết thực – để đất nước ta vững bước đi lên, để nhân dân ta thêm vững tin vào Đảng, vào Nhà nước và vào đội ngũ công bộc của dân.

Đồng chí Biện Văn Trung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Nam Đàn: Phát huy tinh thần tự giác và nêu gương của người đứng đầu để lan tỏa

 a Trung
Đồng chí Biện Văn Trung - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Nam Đàn. Ảnh: M.H

Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm với tư tưởng “cần - kiệm” và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận và chủ trương, chính sách cụ thể, nhằm siết chặt công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước. Gần đây nhất, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 27 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".

Điều này khẳng định, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được Đảng đẩy mạnh với yêu cầu: “Là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống Nhân dân”.

Hiện nay, trong thực tiễn, việc lãng phí đang biểu hiện trên nhiều nội dung, lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt là trong hệ thống hành chính Nhà nước là sự lãng phí về thời gian, về vật chất mà biểu hiện rõ nhất là trong đầu tư xây dựng cơ bản liên quan đến thiết kế chưa chuẩn xác, phù hợp, dẫn đến công trình điều chỉnh đầu tư hoặc khi đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả công năng sử dụng; hoặc công trình dở dang kéo dài gây lãng phí nguồn lực; lãng phí trong chi tiêu thường xuyên của các cơ quan; trong sử dụng tài sản công… Nguyên nhân cơ bản xuất phát từ cán bộ, công chức và người đứng đầu chưa thực hiện tốt tinh thần trách nhiệm về thực hành tiết kiệm.

Vì vậy, để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thật sự có hiệu quả, theo tôi, điều cần nhất là cần nâng cao tinh thần trách nhiệm tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là sự nêu gương của người đứng đầu trong các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.

Nếu tất cả người đứng đầu, cán bộ, đảng viên thể hiện được trách nhiệm và vai trò nêu gương đi đầu của mình thì sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong từng cá nhân và xã hội về ý thức sống tiết kiệm, tránh lãng phí. Song song với đó là cần xây dựng các quy định và cơ chế kiểm soát chặt chẽ, gắn với xử lý trách nhiệm để mỗi người không dám vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng chí Bùi Quang Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chnhim y ban Kim tra Huyn y Nghi Lc: La chn, btrí đội ngũ cán bđủ tâm, đủ tm

 vinh
Đồng chí Bùi Quang Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nghi Lộc. Ảnh: T.L

Tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ những ngày đầu mới giành được chính quyền. Chính phủ lâm thời đã phát động “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo tiết kiệm”, phong trào tăng gia sản xuất… giúp nhân dân ta diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Có thể khẳng định rằng, nhờ tiết kiệm, chống lãng phí mà chúng ta đã kháng chiến và kiến quốc thành công, đạt được nhiều thành quả rất quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với những thành quả đạt được trong gần 80 năm qua, đất nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội mới để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, hơn lúc nào hết chúng ta phải nắm bắt lấy cơ hội để xây dựng đất nước phát triển, mạnh giàu, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ.

Theo tôi, để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, chúng ta phải tận dụng tốt cơ hội, phát huy tối đa các nguồn lực và tuyệt đối tránh lãng phí. Không được lãng phí thời gian, không được lãng phí các nguồn lực và đặc biệt là không được lãng phí cơ hội phát triển.

Tình trạng lãng phí hiện nay đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực như đất đai, kinh phí, tài sản, các nguồn lực trong Nhân dân; trong đội ngũ cán bộ, công chức thì còn lãng phí về thời gian và chất xám. Chính vì vậy, phải coi trọng việc chống lãng phí, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, tài chính, tài sản…

Thực hiện kịp thời có hiệu quả cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trước mắt, là cần lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm và đủ tài để đảm nhiệm các công việc sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Nguyễn Thị Nga Sơn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hà Huy Tập, TP. Vinh: Chống tư duy cũ, nếp làm việc thụ động, trì trệ

bna_-nga-son-624c91c4dd704c74fb3fc5adf1003d9a(1).jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Nga Sơn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hà Huy Tập, TP. Vinh. Ảnh: T.L

Trong kỷ nguyên số, tiết kiệm không chỉ là “tắt đèn khi ra khỏi phòng” hay “viết hết trang giấy”, mà là tận dụng tối đa công nghệ để rút ngắn quy trình, giảm giấy tờ, bớt họp hành hình thức, chống “chạy theo thành tích” gây tốn kém và lãng phí nguồn lực. Mỗi ứng dụng số được triển khai hiệu quả là một lần chúng ta tiết kiệm thời gian, ngân sách và công sức cho tổ chức và nhân dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập phường, xã hiện nay, việc xây dựng văn hóa tiết kiệm càng phải đi đôi với tinh gọn bộ máy, không trùng lặp chức năng, tránh lãng phí nguồn nhân lực, đồng thời, đề cao sự minh bạch, công khai và hiệu quả thực chất. Đây là lúc cán bộ, đảng viên càng cần nêu gương, không phô trương, không hình thức, lấy hiệu quả phục vụ nhân dân làm thước đo cao nhất.

Tôi cho rằng, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong kỷ nguyên mới chính là góp phần giữ gìn kỷ cương, tạo niềm tin, và khẳng định bản lĩnh của hệ thống chính trị trong việc thích ứng với thời cuộc, phát triển bền vững vì nhân dân.

Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính và chuyển mạnh sang quản trị số, chúng tôi cho rằng: Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên mới phải được nhìn nhận toàn diện hơn, không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn ở phương thức điều hành và tổ chức công việc.

Tiết kiệm lúc này chính là tinh gọn bộ máy, tránh chồng chéo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau sáp nhập; là đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm giấy tờ, giảm họp hành hình thức, tăng hiệu quả phục vụ. Chống lãng phí không chỉ là chống tiêu tiền sai mà còn là chống tư duy cũ, nếp làm việc thụ động, trì trệ trước đòi hỏi của thời đại mới. Cán bộ, đảng viên – đặc biệt ở cơ sở cần nêu gương trước, làm đúng, làm thực chất thì văn hóa tiết kiệm mới lan tỏa được. Tiết kiệm để dành nguồn lực phát triển, chống lãng phí để dành lòng tin của nhân dân – đó là giá trị cốt lõi mà chúng ta cần theo đuổi trong giai đoạn hiện nay.

Ông Đặng Anh Dũng - Thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương: Việc rất cấp bách, rất thiết thực

 bác dũng
Ông Đặng Anh Dũng - thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương. Ảnh: T.L

Tiết kiệm, chống lãng phí vốn là một nét đẹp văn hóa của con người có văn hóa. Nét đẹp này có ở người nghèo, có cả ở người giàu, có ở những nước còn nghèo và cả ở những nước phát triển. Siêng năng, cần cù, tiết kiệm cũng là một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về lối sống tiết kiệm, chống lãng phí.

Tuy vậy, hiện nay, bên cạnh nạn tham nhũng, tiêu cực đã trở thành “quốc nạn” thì hiện tượng xa hoa, lãng phí cũng diễn ra khá phổ biến. Nhìn vào những mâm cỗ ngày nay, nhất là giỗ chạp, đám đình, tiếp khách, hình như đã thành thói quen, sĩ diện, chỉ “dọn cho đẹp”, nhiều thức ăn thừa thãi đổ bỏ, thật đáng tiếc. Nhiều phương tiện, trang thiết bị như quần áo... chất lượng còn tốt nhưng “lỗi mốt” được loại bỏ. Trong quản lý xã hội, có hiện tượng lãng phí tiền của, nhà xưởng, đất đai, đầu tư công, sức lao động, thời gian,… Nhiều vùng đất, nhiều công trình “đắp chiếu” cả thập kỷ; nhiều công sở xây to, sử dụng không hết công năng; nhiều tượng đài xem ra không thiết thực,… Nếu tính thành tiền, sẽ là những con số “khủng” đến “bất ngờ”.

Mọi vật chất, sản phẩm để phục vụ đời sống con người đều được khai thác từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, với sự tác động của lao động, công nghệ, quỹ thời gian từ con người. Mà các nguồn đó đều có hạn. Có người cho rằng, ngày nay no đủ, không còn thiếu thốn như trước nên không cần phải tiết kiệm như trước. Đó là một nhận thức không đúng. Trong khi đời sống mọi mặt được nâng lên rất đáng kể thì vẫn còn một bộ phận dân cư thiếu thốn, cơm ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, nhà cửa tuềnh toàng, thiếu điện, thiếu nước, thiếu phương tiện sinh hoạt thiết yếu,… nhiều trường học, bệnh viện còn chật chội, thiếu trang thiết bị…

Tôi cho rằng, nếu làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng và nếu mọi người đều tiết kiệm một cách hợp lý, đừng hoang phí, thì đất nước ta không chỉ “vươn mình” mà có thể không thua kém nhiều nước lâu nay vẫn được coi là “con rồng”, “con hổ” trong khu vực!

Tiết kiệm, chống lãng phí là một việc rất cấp bách, rất thiết thực; trong phạm vi của mình, ai cũng có thể làm được; mọi người cùng tiết kiệm, chống lãng phí thì nguồn lợi mang lại sẽ rất lớn.

Thanh Lê - Mai Hoa