Kinh tế

Nghệ An còn 53 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày

Xuân Hoàng 12/05/2025 16:18

Từ đầu năm 2025 đến nay, Nghệ An xảy ra 70 ổ dịch tả lợn châu Phi, hiện vẫn còn 53 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Chiều 12/5, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự họp có đại diện lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Môi trường; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Công Thương và Công an tỉnh.

bna_hop-4-1--05b46bb4fe5a0c4be7db254a575b9393.jpg
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng

Tính đến tháng 5/2025, Nghệ An có đàn trâu, bò 793.943 con, đàn lợn 1.024.522 con và đàn gia cầm hơn 37,8 triệu con.

Số liệu của Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, xảy ra 70 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 13 huyện, thành, thị; tổng số lợn buộc tiêu hủy là 1.700 con, trọng lượng 99.021 kg.

Các huyện có số ổ dịch nhiều: Yên Thành, Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương.

bna_hop-5-1-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang còn 53 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày tại 11 huyện, thành. So với các tháng đầu năm, thời gian gần đây, số ổ dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu tăng nhiều tại các địa phương như Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Thanh Chương...

Bệnh dại đã xảy ra 6 ổ dịch trên động vật tại 4 huyện: Tân Kỳ, Đô Lương, Nghĩa Đàn và Nam Đàn.

bna_hop-1-1--f39ee25fae96583ebc7099d25c7c893d.jpg
Đồng chí Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh báo cáo công tác dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ảnh: Xuân Hoàng

Bệnh cúm gia cầm, xảy ra 2 ổ dịch A/H5N1 tại huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu; bệnh lở mồm long móng xảy ra 1 ổ dịch tại huyện Tân Kỳ.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai công tác tiêm phòng vắc- xin vụ Xuân năm 2025. Tuy nhiên, kết quả đến nay đạt thấp.

họp 7
Đồng chí Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương phát biểu về công tác phòng, chống bệnh cho vật nuôi trên địa bàn huyện trên thời gian qua. Ảnh: Xuân Hoàng

bieu dò
Tỷ lệ tiêm các loại vắc - xin vụ Xuân năm 2025 trên địa bàn Nghệ An. Biểu đồ: Xuân Hoàng

Cơ quan chuyên môn nhận định với tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay cùng các nguyên nhân như tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin chưa đạt bảo hộ 80% tổng đàn, chưa kiểm soát chặt chẽ công tác vận chuyển động vật, nhất là việc cấp con giống các dự án chưa tuân thủ đầy đủ quy định về phòng, chống dịch bệnh, chưa tổ chức kiểm soát giết mổ triệt để, nên diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Khi trâu đã được ghì chặt vào cột chuồng, cán bộ thú y mới vào để tiêm vắc xin. Ảnh: Quang An
Tiêm phòng vắc - xin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho đàn gia súc. Ảnh: Xuân Hoàng

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng người dân còn giấu dịch, "bán chạy" động vật nghi mắc bệnh. Công tác tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh còn sai quy trình hoặc tiêu hủy không triệt để vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Đàn chó, mèo thả rông còn phổ biến, chưa được quản lý chặt chẽ.

Chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, sử dụng vắc - xin tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, cơ sở, hộ chăn nuôi. Thời tiết diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi nên nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, dại, cúm gia cầm và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan thời gian tới rất cao.

Trong quá trình tiêm phòng, đôi khi cán bộ thú y gặp rủi ro, có thể bị vật nuôi hung dữ tấn công. Ảnh: Xuân Hoàng
Tiêm phòng vắc - xin phòng dại ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Xuân Hoàng

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số xã của huyện Con Cuông và Quế Phong, do đó, lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương coi trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương cần sớm phát hiện các điểm dịch bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời; đặc biệt lưu ý tình trạng vứt xác lợn chết trên kênh mương, nhất là hệ thống sông Đào qua huyện Đô Lương và Yên Thành.

Khi xảy ra dịch, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; cùng đó, thực hiện tốt công tác thống kê để có căn cứ hỗ trợ cho bà con.

Sở Nông nghiệp và Môi trường cần chủ động tham mưu UBND tỉnh kịp thời cung ứng vắc - xin và các vật tư khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Xuân Hoàng