Thời sự

Quốc hội thảo luận hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thành Duy 13/05/2025 18:54

Chiều 13/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Quoc-hoi 2
Quang cảnh phiên làm việc chiều 13/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Động lực trung tâm cho phát triển trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) gồm: 8 chương, 83 điều (tăng 2 điều so với Luật năm 2013), bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo và điều chỉnh cấu trúc toàn bộ. Luật điều chỉnh hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; quy định biện pháp bảo đảm phát triển lĩnh vực này và tăng cường quản lý nhà nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.

Quoc-hoi 3
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo Luật đã cụ thể hóa đầy đủ 6 nhóm chính sách lớn định hướng chiến lược nêu tại Nghị quyết số 118/NQ-CP của Chính phủ, gồm: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi trong sử dụng ngân sách cho lĩnh vực này; thúc đẩy KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; tăng cường phổ biến tri thức khoa học, công nghệ; bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo - nội dung mới nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW.

bna_vo-thi-minh-sinh(1).jpg
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các vị ĐBQH tại phiên làm việc chiều 13/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo Luật được thiết kế theo hướng giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST. Tư duy quản lý được chuyển từ kiểm soát quá trình sang đánh giá hiệu quả. Một điểm đáng chú ý là Luật khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Thúc đẩy vai trò doanh nghiệp, phát triển nhân lực chất lượng cao

Tại phiên thảo luận chiều 13/5, ý kiến ĐBQH bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Việc xây dựng luật không chỉ tạo hành lang pháp lý đồng bộ mà còn xác lập nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới, nơi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữ vai trò động lực trung tâm.

Doan-DBQH-nghe-an 2
ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc chiều 13/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo luật được đánh giá là đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới, khơi thông điểm nghẽn, tháo gỡ rào cản trong quản lý và vận hành hệ thống khoa học công nghệ quốc gia. Với nhiều cơ chế ưu đãi và chính sách đột phá, luật hướng đến mục tiêu huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Một trong những nội dung được quan tâm là việc tạo cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân vào hoạt động KH,CN&ĐMST Thay vì chỉ dựa vào đầu tư công, dự thảo luật khuyến khích hình thành các mô hình đồng tài trợ, hợp tác công tư trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Khoa học và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới và bền vững của nền kinh tế.

Song song với thiết kế chính sách tài chính, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ cũng được nhấn mạnh là yếu tố then chốt. Luật cần đưa ra các chính sách hiệu quả hơn để thu hút, đào tạo, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài, nhất là lực lượng đang làm việc trong các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cao. Cần có giải pháp thiết thực như miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, đơn giản hóa thủ tục cho chuyên gia nước ngoài, hỗ trợ đào tạo lại nhân tài công nghệ số…

bna_doan-dbqh-nghe-an(2).jpg
ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên làm việc sáng 13/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Một vấn đề khác được đặt ra là cách xác định và tôn vinh nhân tài trong các lĩnh vực khoa học. Các tiêu chí hiện hành như bằng sáng chế, giải thưởng hay thành tích khởi nghiệp chưa bao quát đặc thù của khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, cần bổ sung các tiêu chí phù hợp như công trình có ảnh hưởng chính sách, được ứng dụng trong giáo dục hoặc được trích dẫn rộng rãi trong và ngoài nước, đảm bảo công bằng trong đánh giá và ghi nhận đóng góp của các lĩnh vực khoa học khác nhau.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của ĐBQH, tập trung làm rõ sự cần thiết ban hành Luật KH,CN&ĐMST. Các nội dung được góp ý sâu sắc bao gồm tên gọi của dự án luật, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cùng với các tiêu chí, nguyên tắc và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực quan trọng này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy trình lập pháp.

Thành Duy