Thời sự

Bộ tiểu thuyết chân thực, xúc động về một con người, một thời đại mang tên Hồ Chí Minh

PGS, TS Trần Khánh Thành 14/05/2025 08:18

Năm 2022, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, sau bao nhiêu nung nấu, kiên trì tích lũy “lương thảo” (là tư liệu, sử liệu, các chuyến đi điền dã…); tiến hành phân tích, so sánh, đối chiếu các tư liệu đã có; cấu trúc đề cương và bắt tay viết song song 2 bộ trường thiên tiểu thuyết và sử thi nghệ thuật cùng mang tên “Nước non vạn dặm”.

bosachnonuocnon.png

PGS. TS Trần Khánh Thành • 14/05/2025

Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới. Ở Người, có sự hội tụ, kết hợp, phát huy đến mức cao nhất, hoàn mỹ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, phương Đông và phương Tây, cổ và kim, trí dũng và nhân ái, vĩ đại và khiêm nhường. Người là nguồn sáng, nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Người cũng là nguồn cảm hứng, là đề tài chưa bao giờ vơi và ngưng nghỉ của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nghệ sĩ ở nhiều loại hình báo chí, văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, viết về Hồ Chí Minh, khắc họa sắc nét, chân thực, sinh động hình tượng Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng cao đẹp và vĩ đại của Người là công việc luôn không dễ dàng với bất cứ ai.

bh19520241.jpg
Bác Hồ là nguồn cảm hứng, là đề tài chưa bao giờ vơi và ngưng nghỉ của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nghệ sĩ ở nhiều loại hình báo chí, văn học, nghệ thuật. Ảnh: Tư liệu

Trong lĩnh vực văn học, ở thể loại tiểu thuyết, các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay chưa nhiều. Nhà văn thành công nhất về đề tài này là Sơn Tùng với “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng”…; tiếp đó là các nhà văn: Hồ Phương với “Cha và con”; Hoàng Quảng Uyên với bộ tiểu thuyết 3 tập: “Trông vời cố quốc”, “Mặt trời Pác Bó”, “Giải phóng”; Nguyễn Thế Quang với “Khúc hát những dòng sông”… Dẫu vậy, các tác giả vừa nêu cũng chưa có được bộ tiểu thuyết nào đủ lớn về Hồ Chí Minh với độ dài về thời gian, độ rộng lớn về không gian, tầm cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là một thực tế.

Năm 2022, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, sau bao nhiêu nung nấu, kiên trì tích lũy “lương thảo” (là tư liệu, sử liệu, các chuyến đi điền dã…); tiến hành phân tích, so sánh, đối chiếu các tư liệu đã có; cấu trúc đề cương và bắt tay viết song song 2 bộ trường thiên tiểu thuyết và sử thi nghệ thuật cùng mang tên Nước non vạn dặm”. Bộ sử thi nghệ thuật đã dựng xong phần I “Nợ nước non” trong tập kịch bản đồ sộ 5 phần, kịch hát “Nợ nước non” đã đến với đông đảo công chúng ở nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị trong cả nước. Bộ trường thiên tiểu thuyết Nước non vạn dặm” ra mắt bạn đọc mỗi năm một tập: “Nợ nước non”, năm 2022; “Lênh đênh bốn biển”, năm 2023; “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, đầu năm 2024, “Đường lên Điện Biên”, cuối năm 2024 và tập thứ 5 - tập cuối “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, ra mắt bạn đọc giữa tháng 5/2025, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

4 tập đầu
4 tập đầu bộ sách "Nước non vạn dặm" của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Bằng sự nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa… công phu, nghiêm túc; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất trong và ngoài nước, Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng trong “Nước non vạn dặm” hình tượng nhân vật, bối cảnh lịch sử - xã hội quanh nhân vật chính Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chân thực, sống động, giản dị, có chiều sâu nhân văn và lôi cuốn người đọc. Thi pháp tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ khá chắc tay, mạnh bạo, sáng tạo và bản lĩnh. Tác giả nhất quán với thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn của Việt Nam và thế giới. Nhiều câu thoại, đoạn thoại trong “Nước non vạn dặm” khắc họa sinh động, chân thực hình tượng, tính cách, đời sống nội tâm, tư tưởng của nhân vật chính cùng các nhân vật liên quan. Nhà phê bình văn học Nga V.G. Belinsky từng nói: “Tiểu thuyết là sử thi của đời tư”, theo đó, “Nước non vạn dặm” là đại sử thi về Hồ Chí Minh và đất nước của Việt Nam qua từng chặng đời, chặng đường cách mạng.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Qua ngòi bút của Nguyễn Thế Kỷ, qua cuộc đời của Hồ Chí Minh ở 5 tập tiểu thuyết, người đọc như được sống cùng nhân vật chính Nguyễn Sinh Cung trên quê hương Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đầy đau thương và nung nấu ý chí thoát khỏi vòng nô lệ; được lớn lên cùng Nguyễn Tất Thành ở Huế, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn; được cùng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Ba bước chân lên con tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu “Lênh đênh bốn biển” tìm con đường cứu nước. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp; năm 1920 được tiếp xúc với “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, trở thành đảng viên và là sáng lập viên Đảng Cộng sản Pháp; Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước, thành một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam; ngày 28 tháng 1 năm 1941, Người trở về Tổ quốc, “Từ Việt Bắc về Hà Nội” làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lở đất long trời, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa, mở đầu một thời đại mới của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh. “Đường lên Điện Biên” là chặng đường Hồ Chí Minh cùng nhân dân mình đi qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ. Với Hiệp định Geneve 1954, tưởng rằng đất nước được hòa bình, thống nhất, nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm đã chà đạp thô bạo Hiệp định, đàn áp dã man đồng bào, đồng chí ở miền Nam. Cả nước lại nêu cao ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã “đánh cho Mỹ cút” và tiến tới “đánh cho Ngụy nhào” 6 năm sau khi Hồ Chí Minh về với thế giới người hiền. Bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người còn mãi với non sông. Dòng tên “Việt Nam - Hồ Chí Minh” sáng mãi, vang mãi cùng non sông đất nước.

Tập 5 “Việt Nam - Hồ Chí Minh“ trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm“ của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Tư liệu
Tập 5 “Việt Nam - Hồ Chí Minh“ trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm“ của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh nhân vật chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là bao nhiêu con người, bao nhiêu số phận, sự kiện, vùng đất, tình tiết, bao nhiêu buồn vui, sướng khổ… qua “Nước non vạn dặm” hiện lên tươi nguyên, khắc khoải, ám ảnh, kiêu hãnh, thôi thúc. Một số khoảng mờ của lịch sử cũng được tác giả dày công tìm hiểu, bạch hóa một cách chân thành và thuyết phục.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh từ truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của quê hương, của dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa, cách mạng của thời đại để vươn tới tầm cao nhân loại: Chủ nghĩa yêu nước mang nội dung nhân bản sâu sắc; Giải phóng dân tộc đi liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người; Đề cao con người là nhân tố quyết định của lịch sử; Cách mạng dân tộc, dân chủ chân chính tất yếu phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa; Sức mạnh dân tộc luôn gắn liền với sức mạnh thời đại. Người đặc biệt coi trọng nhân dân, đề cao “Dân là gốc”, “là Người chủ” của cách mạng, của đất nước, là người tạo nên lịch sử. Tư tưởng yêu nước thương dân, quý trọng con người; chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; Đạo đức trong sáng, cao cả, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn; phong cách bình dị, gần gũi, khiêm tốn, lão thực… Tất cả những điều ấy là di sản tư tưởng và văn hóa quý giá mà Người để lại cho đất nước, cho nhân dân và cho cả nhân loại.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ tại buổi ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ tại buổi ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm" mang tên "Lênh đênh bốn biển".

Người đọc đi qua 5 tập tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” với trên cả ngàn trang sách, gấp lại từng quyển để hồi tưởng, suy ngẫm, yêu thương, kính trọng, biết ơn nhân vật chính - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không gian sử thi đất nước Việt Nam gắn với thế giới cuối thế kỷ XIX và phần lớn thế kỷ XX… Tôi trân trọng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, sáng tạo và thành công thực sự của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. “Nước non vạn dặm” chắc chắn sẽ có chặng đường đến với bạn đọc gần hơn, tha thiết hơn, lan tỏa những yêu thương, hy vọng, tin tưởng về quá khứ, hiện tại, tương lai.

PGS, TS Trần Khánh Thành