‘Nhà mế có ảnh Bác Hồ’ - bài hát đặc biệt của nhạc sĩ Phan Thanh Chương
“Nhà mế có ảnh Bác Hồ” được nhạc sĩ Phan Thanh Chương (tên thật là Phan Hồng Trường), quê Thanh Chương, sáng tác khi ông gặp được bài thơ cùng tên của nhà thơ Trịnh Triệu, trùng với ý tưởng âm nhạc của ông.
Những giai điệu ngay lập tức reo vui trong ông như thể cơ hội trùng phùng hiếm có giữa nhạc và thơ. Ông bắt tay vào những nốt nhạc theo điệu Then dặt dìu tha thiết, như thỏa được nỗi ước mong hoàn thành một dự án âm nhạc lớn trong cuộc đời.

Trong một lần nói chuyện với báo chí, nhạc sĩ Phan Thanh Chương cho biết: Ông đã trăn trở đề tài sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt hàng chục năm trời, nhưng phần vì chưa biết khai thác hình ảnh Người như thế nào cho thật gần gũi, phần thì quá choáng ngợp với hình tượng vĩ đại của Bác nên chưa thể có được tác phẩm ưng ý.
Ông cũng tâm sự, muốn viết về Bác không chỉ là nỗi thôi thúc của một nhạc sĩ được sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An, mà còn là niềm khát khao cháy bỏng của một người làm nghệ thuật muốn được thể hiện tình cảm của mình với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu. Với nhạc sĩ Phan Thanh Chương - người từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, lại đam mê nghệ thuật, tình yêu đó càng thôi thúc.

Nhạc sĩ Phan Thanh Chương từng kể rằng: “Vào năm 1969, khi tôi đã vào bộ đội được 2-3 năm, trong một buổi sinh hoạt, chúng tôi nhận được tin Bác mất. Sự bất ngờ và cả niềm đau thương như bủa vây khắp gian phòng, ai nấy đều rơi nước mắt, nhiều người đã không thể kìm nén mà khóc thương Bác đến mấy ngày trời. Bởi với người lính chúng tôi, hình ảnh Bác như ngọn đuốc dẫn đường, như niềm tin tất thắng, tiếp thêm sức mạnh để người lính vượt mưa bom bão đạn của kẻ thù. Tình cảm đó là hành trang cho chúng tôi sống và chiến đấu để có được những điều đẹp đẽ nhất”.

Đến năm 1971, nhạc sĩ Phan Thanh Chương đi học âm nhạc, mang theo tình cảm và sự ấp ủ ấy, ông muốn viết một bài hát về Bác, nhưng bấy giờ có nhiều ca khúc kinh điển của các nhạc sĩ đi trước như Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên, Thuận Yến… khiến ông rụt rè chưa dám viết. Rồi đến lúc ông nghe được ca khúc "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" của nhạc sĩ An Thuyên, niềm xúc động trong ông lại trào dâng, hình ảnh Bác xuất hiện trong bài hát thật thân thương. Từ đó, ông ấp ủ ý tưởng sẽ viết về Bác với cách tiếp cận như thế, giản dị và gần gũi, nhưng thời điểm đó tiếc là ông chưa gặp được tứ thơ, tứ nhạc nào gợi lên niềm rung cảm sâu sắc để viết về Người như ông mong muốn.
Năm 1980, ông từ Ty Văn hoá thông tin Nghệ Tĩnh về Phòng Văn hoá thông tin huyện Thanh Chương, được giao nhiệm vụ giúp đỡ cho công tác văn nghệ của Đội văn nghệ Nhà máy Điện Nghệ Tĩnh. Phong trào văn nghệ sau giải phóng rất sôi nổi, anh chị em công nhân rất nhiệt huyết và luôn muốn được cống hiến những lời ca tiếng hát, nhưng ngặt nỗi không có ai hướng dẫn, vì thế, nhiệm vụ của ông là làm nòng cốt và hướng dẫn hoạt động cho đội văn nghệ ở đây từ dàn dựng đến tập luyện.
Một hôm, nhà thơ Trịnh Triệu đến phòng ông chơi. Nhà thơ Trịnh Triệu đọc cho nhạc sĩ Phan Thanh Chương nghe một số bài thơ anh mới sáng tác, trong đó có bài "Nhà mế có ảnh Bác". “Tự dưng tôi giật mình khi chỉ mới nghe đến câu thứ 2, hình ảnh trong lời thơ sao thân thương quá: “Nhà mẹ có ảnh Bác nên mẹ chẳng nghèo”, câu thơ gợi mở, nói lên nỗi lòng của chính tôi. Tôi dừng cuộc trò chuyện và yêu cầu Trịnh Triệu chép tay cho tôi bài thơ này, tôi phổ nhạc ngay trong buổi trưa đó, chỉ vài tiếng đồng hồ thì bài hát "Nhà mế có ảnh Bác Hồ" đã hoàn thành" - nhạc sĩ Phan Thanh Chương kể lại.
“Vì bài thơ có nhịp 4/4 nên tôi chọn điệu Then của đồng bào Thái để phát triển âm nhạc cho bài hát. Bởi ngay từ khi ngâm bài thơ, tôi đã thấy giai điệu này len lỏi trong đầu và những lời thơ như “mế ở cheo leo, mế ở đỉnh đèo, nhà mẹ có ảnh Bác nên mẹ chẳng nghèo”, “có Bác soi sáng nên chẳng sợ lạc đường”… nó hợp làm sao với cách gieo điệu Then. Điệu Then cũng khiến bài hát khắc hoạ được tình cảm sâu sắc của bà con dân bản với Bác: “Nhà mẹ có ảnh Bác lòng mẹ kính mẹ yêu” - nhạc sĩ Thanh Chương hồi tưởng về quá trình tư duy âm nhạc cho bài hát đặc biệt.
Thời gian sau ra Hà Nội, nhạc sĩ đưa bản nhạc này cho nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, ông tấm tắc khen và gửi Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, khi gặp nhà thơ Hoàng Ngọc Anh, rồi nhờ nhạc sĩ Vũ Thanh xem giúp, nhạc sĩ Vũ Thanh cũng rất thích nên đã đưa về khu tập thể của Đài gửi nghệ sĩ Thanh Hoa hát.
Một ngày nọ, khi nhạc sĩ Phan Thanh Chương đã về Nghệ An, thật bất ngờ ông nghe được “Nhà mế có ảnh Bác Hồ” của mình do nghệ sĩ Thanh Hoa thể hiện. Giọng hát dìu dặt bởi điệu Then và tình cảm bao la của một người nghệ sĩ với Bác, khiến ông xúc động vô cùng.
Bài hát “Nhà mế có ảnh Bác Hồ” sau này được nhiều nghệ sĩ hát và thành công trên nhiều sân khấu, liên hoan, hội diễn. Nhiều ca sĩ thực sự có "đời sống riêng" với ca khúc này như Ngọc Hà, NSND Thanh Hoa, Bích Hồng… Mỗi khi "Nhà mế có ảnh Bác Hồ" ngân lên, ta thấy được sự thanh bình, yêu thương, hát về Bác là hát về quê hương, là hát về gia đình với tình cảm thiêng liêng nhất.
Sau "Nhà mế có ảnh Bác Hồ", nhạc sĩ Phan Thanh Chương còn có nhiều tác phẩm hay viết về Bác Hồ, cũng với những hình ảnh giản dị, thân thương nhất như “Nhớ người tát gàu giai, gàu sòng”, “Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi”, “Trường Sa ngát hương sen”. Nhiều tác phẩm trong số đó đoạt giải cao trong các cuộc vận động sáng tác bài hát về Hồ Chí Minh. Đó là hạnh phúc của một người nhạc sĩ suốt cuộc đời tìm những giai điệu đẹp dâng cho đời, đặc biệt là những bài hát về Bác của ông, được công chúng ghi nhận và có đời sống riêng rực rỡ…