Kinh tế

Chè Shan tuyết cổ thụ Kỳ Sơn - Tiềm năng cần được đánh thức

Trần Quốc Thành 16/05/2025 10:17

Chè Shan tuyết cổ thụ là loại chè đặc biệt với những búp to, phủ một lớp lông tơ trắng xám mịn màng – chính đặc điểm này tạo nên tên gọi “Shan tuyết”. Ở huyện Kỳ Sơn tồn tại những cây chè quý này.

Báu vật từ đại ngàn

Cây chè Shan tuyết chỉ mọc ở vùng núi cao trên 1.200m, khí hậu lạnh quanh năm, mây mù bao phủ, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn. Cũng vì điều kiện địa hình khắc nghiệt và tuổi thọ cao nên thân cây lớn, người dân phải trèo lên để hái những búp trà non.

Theo Nghị định 64/2010, cây cổ thụ được xác định là cây thân gỗ có tuổi đời tối thiểu 50 năm hoặc có đường kính từ 50cm trở lên tại độ cao 1,3m. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng – chuyên gia đầu ngành về cây chè, cây chè cổ thụ thực sự phải trên 100 tuổi, cao từ 3m và có đường kính gốc từ 20cm trở lên – lấy chuẩn từ giống chè ở Cầu Đất trồng từ thời Pháp thuộc năm 1927.

Điều đặc biệt là chè Shan tuyết cổ thụ chủ yếu sinh trưởng tự nhiên, gần như không bị tác động bởi con người nên có chất lượng hữu cơ vượt trội. Hàm lượng hoạt chất có lợi như: Polyphenol, Catechin, L-Theanine và khoáng chất như kali, canxi, magie… cao vượt trội, gấp 20-30 lần so với chè công nghiệp, theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng. Đặc biệt, chè Shan tuyết cổ thụ có hàm lượng caffeine thấp hơn, vẫn giữ được khả năng giúp tỉnh táo nhưng không gây mất ngủ hay kích thích thần kinh như một số loại trà khác.

 Thành
Chè cổ thụ ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Trần Quốc Thành

Tại Việt Nam, chè Shan tuyết cổ thụ phân bố tự nhiên ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... Trong đó, Hà Giang có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất, với khoảng 18.726 ha (số liệu năm 2017), nhiều cây tuổi đời lên tới hơn 900 năm. Đã có khoảng 1.300 cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây di sản. Mặc dù từng có ý kiến cho rằng, loại cây này do người Trung Quốc hay người Pháp mang sang trồng, nhưng nhiều cụ già bản địa khẳng định chè Shan tuyết đã hiện diện từ xa xưa trong rừng, hoàn toàn là giống bản địa.

Tận dụng giá trị độc đáo này, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác cùng người dân để thu hái, chế biến và sản xuất các sản phẩm trà chất lượng cao như: Lục trà, bạch trà, hồng trà, trà phổ nhĩ…, có loại giá lên đến hàng chục triệu đồng/kg. Một số thương hiệu nổi tiếng từ chè Shan tuyết cổ thụ như: Trà Shan tuyết suối Giàng, Tây Côn Lĩnh… đã góp phần giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày… tăng thu nhập, đồng thời, thúc đẩy du lịch cộng đồng gắn với bản sắc địa phương.

che.jpg
Quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại Điện Biên đã đạt đầy đủ các tiêu chí là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: DTPT

Tinh hoa của chè Nghệ An

Kỳ Sơn là một huyện miền núi cao phía Tây Nghệ An, nằm ở vùng tiếp giáp giữa đuôi dãy Hoàng Liên Sơn và đầu dãy Trường Sơn. Chính vị trí này khiến Kỳ Sơn trở thành vùng chuyển tiếp sinh học độc đáo, nơi hội tụ nhiều loài quý hiếm như: Sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, nấm ngọc cẩu… và đặc biệt là chè Shan tuyết cổ thụ.

Theo khảo sát của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn và anh Đào Quang Vũ – người trực tiếp chế biến chè Shan tuyết tại địa phương, tại các bản Na Ni, Huồi Ức 1, Huồi Ức 2, Phà Bún (xã Huồi Tụ), hiện có trên 100 ha rừng phân bố cây chè Shan tuyết cổ thụ. Riêng khu rừng của ông Vừ Xìa Chống ở bản Na Ni đã có trên 1.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ, có cây tuổi đời hàng trăm năm, gốc to đến mức 1 người không ôm xuể. Cây chè ở đây mọc thành quần thể, với độ tuổi và kích thước khác nhau, do không thu hái nên thân vươn cao từ 6 - 10m.

Mẫu chè tại xã Huồi Tụ đã được anh Vũ mang đi nhờ chuyên gia thẩm định và xác định rõ là giống chè Shan tuyết cổ thụ. Hơn nữa, theo các chuyên gia, những cây lâu năm không được hái búp sẽ có vị đắng đậm, và vị đắng này sẽ giảm dần khi cây được thu hái thường xuyên.

Điều đặc biệt là bên kia biên giới, tại huyện Paek, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) – khu vực giáp ranh với huyện Kỳ Sơn cũng có những quần thể chè Shan tuyết cổ thụ đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả. Tại đây, có cây chè hơn 1.000 năm tuổi đã được công nhận là Cây Di sản quốc gia Lào. Điều này càng củng cố thêm nhận định rằng, chè Shan tuyết ở huyện Kỳ Sơn là giống bản địa tự nhiên, mang giá trị sinh học và di sản cao.

cuong.jpg
Thu hoạch chè ở Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Cường

Hiện tại, có một công ty đang thực hiện thu mua, chế biến chè Shan tuyết tại xã Huồi Tụ. Ngoài nguồn nguyên liệu chè Shan tuyết trồng mới, công ty cũng đã bắt đầu khai thác và sản xuất hồng trà Shan tuyết từ cây chè cổ thụ. Các sản phẩm này được thị trường đánh giá cao về chất lượng, hương vị và độ an toàn.

Có thể nói, cùng với các loài quý hiếm như sâm Puxailaileng, chè dây, sâm 7 lá 1 hoa… thì chè Shan tuyết cổ thụ là một quỹ gen quý hiếm, mang lại cơ hội để huyện Kỳ Sơn phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Bên cạnh chế biến từ nguyên liệu chè Shan tuyết được trồng ở xã Huồi Tụ, thì công ty nói trên đã bắt đầu thu mua và chế biến sản phẩm hồng trà Shan tuyết từ nguyên liệu thu hái ở các cây chè cổ thụ. Các sản phẩm sản xuất từ chè Shan tuyết Huồi Tụ được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao. Có thể nói đây là những quỹ gen quý hiếm, cùng với sâm Puxailaileng, sâm 7 lá 1 hoa, sâm dây, chè dây,… Chè Shan tuyết cổ thụ mang lại tiềm năng và cơ hội cho huyện Kỳ Sơn phát triển theo cách đi riêng của mình.

Tuy nhiên, hiện tại, cây chè Shan tuyết cổ thụ ở huyện Kỳ Sơn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có một cơ quan chức năng nào của Nhà nước khảo sát, kiểm đếm một cách cụ thể. Chưa tư vấn hướng dẫn cho dân bảo vệ, khai thác. Chưa có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ. Do vậy, có những cây đường kính gốc trên 20cm bị người dân đốn chặt.

 Khánh ly
Hái chè Shan tuyết ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Khánh Ly

Để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của nguồn gen quý hiếm này, xin đề nghị một số vấn đề sau: Trước hết, mời các chuyên gia từ Hiệp hội Chè Việt Nam (Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng) về khảo sát, đánh giá giá trị của quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở huyện Kỳ Sơn.

Hai là, tổ chức khảo sát, kiểm đếm, đánh số cây, định tuổi quần thể cây chè Shan tuyết ở xã Huồi Tụ và các khu vực khác trong huyện. Triển khai ngay một nhiệm vụ “Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nguồn gen chè Shan tuyết cổ thụ ở huyện Kỳ Sơn”. Xây dựng hồ sơ để từ đó đề xuất công nhận một số cây là Cây Di sản.

Ba là, tập huấn hướng dẫn cho người dân cách đốn tỉa, tạo tán, cách chăm sóc, bảo vệ, khai thác, để từ đó kết nối với các công ty tổ chức thu mua, chế biến ra các sản phẩm đặc sản, chất lượng cao nhằm phát huy giá trị và tính độc đáo của cây chè cổ thụ. Triển khai kế hoạch nhân giống và hỗ trợ trồng chè Shan tuyết bản địa cho nhân dân trong vùng.

Bốn là, từ câu chuyện về cây chè Shan tuyết cổ thụ, tiến hành quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm để xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Gắn vùng chè Shan tuyết cổ thụ, cùng tháp cổ Mỹ Lý, cổng trời Mường Lống, vùng cây hoa anh đào, các điểm săn mây… để xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa các dân tộc Mông, Khơ Mú,..

Là vùng có địa hình bị chia cắt mạnh, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn, nhưng với sự đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa phong phú, với những đặc sản thiên nhiên độc đáo, thiết nghĩ, huyện Kỳ Sơn có thể biến cái bất lợi thành lợi thế so sánh vượt trội để phát triển. Trong đó, cây chè Shan tuyết là đối tượng cây bản địa có thể phát triển với quy mô lớn để phát huy tính độc đáo của nó. Trước hết, rất cần các sở, ngành chuyên môn hỗ trợ huyện Kỳ Sơn bảo tồn, khai thác và phát triển quần thể cây chè Shan tuyết cổ thụ hiện nay.

Trần Quốc Thành