Quốc tế

Đàm phán Istanbul 2025 khác với 2022 như thế nào?

Mỹ Nga 16/05/2025 10:37

Cũng giống như năm 2022, phái đoàn của Nga tham gia đàm phán tại Istanbul do trợ lý của Tổng thống Nga dẫn đầu. Mặc dù điều này gây ra sự khó chịu không nhỏ từ phía Ukraine, song việc duy trì vai trò của ông Medinsky là dấu hiệu cho thấy quan điểm chính trị nhất quán từ Điện Kremlin.

Thành phần phái đoàn Nga – quyết định có tính toán

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán mang tính chất chính trị – quân sự phức tạp, việc chọn một nhân vật đã có kinh nghiệm trực tiếp trong các vòng thương lượng trước đây là điều hoàn toàn hợp lý. Danh sách phái đoàn được Tổng thống Vladimir Putin chính thức phê duyệt vào tối 14/5, ngay sau khi cuộc họp nội bộ kết thúc. Sáng hôm sau (15/5), phái đoàn Nga lập tức lên đường tới Istanbul và nhận chỉ thị của Tổng thống Putin rằng, chỉ đàm phán theo những khuôn khổ đã định.

Phát biểu trước báo giới tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5, ông Medinsky tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán và làm việc một cách nghiêm túc trong khuôn khổ đối thoại lần này.

Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky nói với các nhà báo rằng, Nga đã sẵn sàng và sẽ đợi phía Ukraine. Ảnh: RIA Novosti
Trợ lý Tổng thống Nga Vladimir Medinsky nói với các nhà báo rằng, Nga đã sẵn sàng và sẽ đợi phía Ukraine. Ảnh: RIA Novosti

Trước đó, nhiều đồn đoán cho rằng, phái đoàn Nga lần này sẽ được dẫn dắt bởi Ngoại trưởng Sergey Lavrov hoặc cố vấn chính sách đối ngoại Yuri Ushakov. Tuy nhiên, thực tế đã bác bỏ dự đoán đó. Việc Tổng thống Putin lựa chọn Medinsky – người không giữ chức vụ trong Bộ Ngoại giao đã phát đi một tín hiệu: Nga muốn kiểm soát chặt chẽ nội dung đàm phán theo định hướng từ thượng tầng chính trị, thay vì để ngoại giao thuần túy chi phối quá trình.

Thành phần phái đoàn cũng cho thấy sự kết hợp đa ngành với sự tham gia của các nhân vật chủ chốt từ các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và tình báo. Trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quân đội Igor Kostyukov, Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin – những người có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách an ninh của Nga.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia và quan chức kỹ thuật cấp cao cũng góp mặt trong đoàn: Phó Tổng cục trưởng thứ nhất Cục Thông tin Bộ Tổng tham mưu Alexander Zorin, bà Elena Podobreevskaya từ Tổng cục Chính sách nhân đạo, ông Alexey Polischuk – Vụ trưởng Vụ 2 phụ trách các nước SNG thuộc Bộ Ngoại giao, cùng với ông Viktor Shevtsov từ Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế. Sự đa dạng về chuyên môn này phản ánh ý định của Nga muốn chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi kịch bản đàm phán, từ chính trị, quân sự đến nhân đạo và hợp tác quốc tế.

Việc Tổng thống Nga tiếp tục phân công ông Vladimir Medinsky làm trưởng phái đoàn đàm phán không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, mà là một thông điệp chính trị rõ ràng: Nga coi vòng đối thoại lần này không phải là sự khởi đầu mới, mà là sự tiếp nối trực tiếp của tiến trình đàm phán từng diễn ra tại Istanbul vào năm 2022. Cùng với ông Medinsky, Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin – người từng tham gia vòng đàm phán trước đó cũng có mặt trong thành phần đoàn lần này. Đây là minh chứng cho sự kiên định trong cách tiếp cận của Moskva.

Quân nhân Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra lối vào Cung điện Dolmabahce ở Istanbul trước cuộc hội đàm có thể diễn ra giữa phái đoàn Nga và Ukraine. Ảnh: RIA Novosti
Quân nhân Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra lối vào Cung điện Dolmabahce ở Istanbul trước cuộc hội đàm có thể diễn ra giữa phái đoàn Nga và Ukraine. Ảnh: RIA Novosti

Phản ứng từ phía Ukraine không nằm ngoài dự đoán – họ thể hiện sự bất bình rõ rệt với thành phần phái đoàn Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky thậm chí đã đích thân tới Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định rằng, chỉ chấp nhận đàm phán trực tiếp với người đồng cấp phía Nga. Ông không chấp nhận việc giao tiếp thông qua một trợ lý tổng thống, vì cho rằng điều đó không tương xứng với vai trò và vị thế của mình.

Tuy nhiên, chính ông Zelensky lại đang bị mắc kẹt trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, ông muốn tự mình đàm phán với một quan chức cấp thấp của Nga. Mặt khác, ông cũng không thể trao quyền cho bất kỳ ai khác, do Chính phủ Ukraine trước đó đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Theo cách hiểu của ông Zelensky, sắc lệnh này mặc định chỉ cho phép ông chứ không phải bất kỳ quan chức nào được tiếp xúc với phía Nga. Nhưng đây là vấn đề nội bộ của Kiev và không phải trách nhiệm mà Nga cần quan tâm.

Hơn nữa, cũng cần đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp trong vai trò lãnh đạo của ông Zelensky, khi mà nhiệm kỳ tổng thống của ông thực tế đã kết thúc từ năm ngoái mà không có cuộc bầu cử nào được tổ chức. Trong khi đó, nguyên tắc ngoại giao quốc tế cho thấy rằng, mỗi cấp độ đàm phán đều cần sự tương ứng về cấp bậc đại diện, không nhất thiết phải là nguyên thủ quốc gia đối thoại với nguyên thủ quốc gia.

Chia sẻ với tờ Izvestia ngày 15/5, nhà phân tích chính trị quốc tế Alexey Naumov nhận định, Nga lựa chọn thành phần hiện tại là để tập trung vào các thỏa thuận kỹ thuật cụ thể – điều kiện tiên quyết trước khi có thể tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh. Moskva hiểu rằng, đàm phán nghiêm túc chỉ có thể thực hiện được khi không bị chi phối bởi các bên thứ ba, đặc biệt là các nước châu Âu như Pháp, Đức hay Anh – những quốc gia thường tìm cách áp đặt sự hiện diện của mình trong các cuộc thương lượng, nhưng trên thực tế lại thường làm trầm trọng thêm sự chia rẽ.

Trọng tâm của Nga tại Istanbul 2025

Trọng tâm mà Nga đặt ra không nằm ở nghi thức hay biểu tượng, mà là nội dung. Moskva xác định rõ rằng, đàm phán lần này là sự nối tiếp tự nhiên của những gì đã diễn ra tại Istanbul năm 2022 – không phải chỉ vì trùng hợp về địa điểm, mà bởi vì chính tại đó, hai bên từng đạt được những bước tiến thực chất đầu tiên. Khi ấy, một văn bản dự thảo thỏa thuận đã được hình thành, phản ánh nhiều điểm phù hợp với lợi ích và lập trường của Nga.

tổng thống zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5. Ảnh: Getty

Nhà phân tích Naumov nhắc lại rằng, tháng 3/2022 tại Istanbul, phái đoàn Ukraine khi đó đã ký vào các điều khoản liên quan đến việc phi quân sự hóa, quy chế trung lập và một số yếu tố quan trọng khác. Tuy nhiên, ngay sau đó, Tổng thống Zelensky dưới sức ép từ Thủ tướng Anh Boris Johnson đã từ bỏ văn kiện này. Đây được xem là bước ngoặt khiến tiến trình đàm phán sụp đổ.

Dĩ nhiên, cục diện hiện tại đã khác xa so với 3 năm trước. “Thực tế trên thực địa”, như cách gọi của giới chức Nga, đã thay đổi. Các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye hiện nay đã được sáp nhập vào Nga – một yếu tố khiến điều kiện đàm phán hiện tại trở nên bất lợi hơn nhiều cho phía Ukraine so với năm 2022.

Bên cạnh yếu tố chính trị, bối cảnh quân sự cũng đóng vai trò quyết định. Năm 2022, theo các nguồn tin rò rỉ, Ukraine từng đồng ý giới hạn lực lượng vũ trang của mình, bao gồm số lượng xe bọc thép, máy bay và quân số. Tuy nhiên, với những thay đổi lớn về công nghệ và chiến thuật, đặc biệt là sự nổi lên của UAV tấn công, các điều khoản quân sự rõ ràng cần được cập nhật. Điều này lý giải vì sao lần này, Nga đã đưa cả Tổng cục trưởng tình báo quân sự Igor Kostyukov vào thành phần đàm phán, nhằm đảm bảo việc soạn thảo các điều khoản phù hợp với hiện thực chiến trường.

phái đoàn nga ukraine đàm phán năm 2022
Phái đoàn Nga và Ukraine hòa đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3/2022. Ảnh: Reuters

Theo chia sẻ của chuyên gia quân sự của Nga Fyodor Lukyanov trên tờ Góc nhìn của Nga ngày 16/5, cho rằng, trong 3 năm qua, quân đội Nga, chứ không phải các nhà ngoại giao, mới là lực lượng thực sự định hình nên “thực tế mới”. Do đó, ông khẳng định: Yếu tố cốt lõi không chỉ nằm ở tranh chấp lãnh thổ, mà là vấn đề về thế cân bằng quân sự – chính trị tổng thể và cách mà hai bên hiểu rõ về khái niệm an ninh trong một trật tự mới.

Về thực chất, nhiệm vụ chính của Medinsky tại vòng đàm phán mới ở Istanbul không gì khác ngoài việc chính thức trình bày những thay đổi căn bản về tình hình thực địa đã diễn ra trong 3 năm qua – những “thực tế mới” mà Nga cho rằng, phía Ukraine bắt buộc phải công nhận. Đây không còn là một cuộc đối thoại cởi mở giữa hai bên ngang hàng, mà là một buổi thông báo cho Kiev rằng, trật tự cũ không còn tồn tại.

Đáng chú ý, cho đến sáng 15/5, vẫn chưa rõ ai sẽ là trưởng đoàn Ukraine, cũng như thành phần chính thức của phái đoàn nước này. Nhưng với Moskva điều đó không mang nhiều ý nghĩa. Dù là ai đi chăng nữa, phía Ukraine – nếu họ thực sự tham dự cũng sẽ phải trực tiếp lắng nghe quan điểm rõ ràng và cứng rắn từ phía Nga.

Chủ tịch Câu lạc bộ Phân tích Á-Âu Nikita Mendkovich ngày 16/5 đưa ra nhận định với tờ Góc nhìn: “Chúng tôi không kỳ vọng bất kỳ đột phá nào trong giai đoạn hiện tại. Nga nhìn nhận một cách hoài nghi về khả năng thực sự đạt được đồng thuận từ Kiev, đặc biệt là khi cán cân trên chiến trường chưa nghiêng hẳn theo một chiều hướng buộc họ phải thay đổi lập trường”.

Lập trường của Nga hiện nay có thể tóm gọn trong 2 từ: kiên định và thực tế. Nga không còn quan tâm đến những tín hiệu chính trị mang tính biểu tượng hay thiện chí giả tạo. Giờ đây, như giới chính trị thường nói, quả bóng đã được chuyền sang phần sân của Kiev. Chính quyền của ông Zelensky sẽ phải tự quyết định: Liệu họ có thực sự muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình trên cơ sở những điều kiện mới, hay tiếp tục kéo dài xung đột trong ảo tưởng rằng, cục diện có thể đảo ngược?

Nếu Kiev lựa chọn con đường thứ hai – “đánh tiếp” thay vì đàm phán, thì như các nhà quan sát nhấn mạnh, Ukraine chỉ đơn giản đang trì hoãn một cuộc gặp tiếp theo… mà ở đó, các điều khoản đưa ra sẽ còn khắc nghiệt hơn nhiều cho phía Ukraine.

Mỹ Nga