Thời sự

Quốc hội thảo luận về chính sách phát triển kinh tế tư nhân và tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật

Thành Duy 16/05/2025 14:19

Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

bna_z6606470742224_170a87d9fb71302397bb316966e57df7-9fbfc8622836cbfea6c80a44c6d03471.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 16/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Đề xuất nâng thời hạn miễn thuế

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, một trong những nội dung được quan tâm là chính sách miễn, giảm thuế.

Theo phân tích, chính sách thuế so với các chính sách ưu đãi khác như tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, có tác động nhanh, ít thủ tục, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn đầu đầy khó khăn và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả thực sự, đại biểu đề nghị nâng thời hạn miễn thuế lên 5 năm, sau đó, tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo. So với quy định hiện hành là miễn 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo, đề xuất này phản ánh đúng chu kỳ phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, vốn thường mất từ 5 đến 7 năm để ổn định và có lợi nhuận.

bna_z6606470941217_5e2bed1363d61ce4d20ae565a8410769.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành nội dung thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Nghĩa Đức

Đặc điểm của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cần vốn đầu tư lớn, thời gian dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ, tuyển dụng và giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Trong giai đoạn đầu, họ phải đối mặt với rủi ro cao, liên tục điều chỉnh để thích ứng với biến động thị trường và thường không có lãi. Do đó, miễn thuế trong 2 năm đầu như hiện nay là quá ngắn và chưa đủ để tạo lực đẩy mạnh mẽ.

Chính sách thuế, vì vậy, cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình hình thành và tích lũy ban đầu. Kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, đồng thời, thể hiện rõ vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

bna_z6606759845028_17a2de186c52d848482f54ab80e771fe.jpg
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các vị ĐBQH tại phiên làm việc sáng 16/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là lực lượng nhân sự then chốt, trực tiếp tạo ra giá trị công nghệ và đưa sản phẩm ra thị trường.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, nhiều quốc gia như Thái Lan đã miễn thuế thu nhập cá nhân tới 10 năm cho chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, sáng tạo. Nếu Việt Nam không có chính sách đủ hấp dẫn, sẽ khó thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời đánh mất cơ hội bứt phá về công nghệ.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là thời điểm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo hiện quy định thời điểm miễn thuế tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp không có lãi ngay sau khi thành lập, bởi giai đoạn đầu là thời kỳ đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Việc áp dụng thời điểm miễn thuế quá sớm có thể khiến đến khi doanh nghiệp bắt đầu có lợi nhuận thì thời gian miễn thuế đã hết, khiến chính sách trở nên hình thức và kém hiệu quả.

Vì vậy, đề xuất điều chỉnh quy định theo hướng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận thay vì kể từ khi đăng ký kinh doanh, nhằm bảo đảm tính thực chất của chính sách và hỗ trợ đúng lúc, đúng đối tượng.

bna_z6606759850253_f8b108be0d22d2173a2858406447dc80.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An tại phiên làm việc sáng 16/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển mạnh sang mô hình kinh tế tri thức, nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào dự thảo Nghị quyết.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, sản phẩm cốt lõi thường là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng - những tài sản vô hình nhưng có giá trị chiến lược. Nếu không được bảo hộ kịp thời, các doanh nghiệp dễ bị sao chép công nghệ, mất thị trường hoặc gặp rủi ro pháp lý.

Kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xác định đầy đủ đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt.

bna_3e4c5e6c6612d34c8a03.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Ảnh: Nghĩa Đức

Đáng chú ý, các đại biểu đề nghị bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách và công chức hoạt động chuyên trách HĐND tỉnh thuộc Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND vì họ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo lĩnh vực phân công; đồng thời, bổ sung Chánh Văn phòng, 1 Phó Văn phòng phụ trách lĩnh vực công tác Quốc hội và công chức Phòng Công tác Quốc hội thay vì chỉ hỗ trợ hàng tháng cho đại biểu HĐND chuyên trách thuộc Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh như trong dự thảo.

Bởi theo phân công của Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu chuyên trách ở các Ban đều phối hợp trong thẩm tra, giám sát, không chỉ riêng Ban Pháp chế.

Bên cạnh đó, một số đại biểu kiến nghị bổ sung cán bộ, công chức đang trực tiếp tham mưu, giúp việc trong công tác xây dựng pháp luật; giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; theo dõi, tổng hợp kiến nghị, vướng mắc chính sách, pháp luật tại địa phương cho Đoàn ĐBQH.

bna_z6606759833906_c18c548f71bc32f76cf0e5f9c2bba57e.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An tại phiên làm việc sáng 16/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Một số đại biểu cũng đề nghị cần thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Theo đó, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực; phòng, chống lợi ích nhóm, tiêu cực; xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thành Duy