Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử
Sáng 17/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trước tình trạng số lượng các vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử ngày càng gia tăng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đồng tình với việc siết chặt quản lý.
Ông dẫn chứng, số vụ vi phạm chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử trong năm 2024 tăng tới 266% so với năm 2023.
Đánh giá dự thảo Luật đã có bước đi tích cực khi đưa thêm trách nhiệm cho sàn thương mại điện tử, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy vậy, để áp dụng hiệu quả, ba vấn đề cần được làm rõ.

Trước hết là về mối quan hệ giữa quy định này với Luật Giao dịch điện tử Chính phủ đang xây dựng để trình Quốc hội trong thời gian tới, trong đó có những quy định rất cụ thể, chi tiết về trách nhiệm của nền tảng số trung gian thương mại điện tử.
“Như vậy, giữa 2 luật sẽ có nội dung trùng lặp. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc chỉ quy định ở một luật để bảo đảm tính thống nhất về các quy định liên quan đến trách nhiệm của các bên trong thương mại điện tử, đồng thời bảo đảm nguyên tắc một nội dung chỉ quy định ở một luật”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.

Về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành nền tảng, vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, quy định này là chưa phù hợp do sàn thương mại điện tử không có đủ công cụ và thẩm quyền để thực hiện yêu cầu này.
Trên thực tế, các nền tảng thương mại điện tử chỉ có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định pháp luật, lưu trữ và cung cấp thông tin đó cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
Việc yêu cầu sàn giao dịch điện tử xác minh nguồn gốc và giám sát chủ động chất lượng hàng hoá là không hợp lý, có thể dẫn đến việc các sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, làm rõ để chỉnh lý một cách phù hợp.

Liên quan đến quy định trách nhiệm của sàn giao dịch điện tử trong việc gỡ bỏ hoặc ngăn chặn hiển thị sản phẩm hàng hoá vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc người tiêu dùng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận thấy quy định này về cơ bản tương đồng với các quy định của pháp luật các nước.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính đầy đủ và khả thi, đề nghị cần bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện đối với các yêu cầu gỡ bỏ và ngăn chặn này.
Theo đó, để tránh ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của bên bán, các yêu cầu này phải bảo đảm phản ánh rõ ràng tính bất hợp pháp của các sản phẩm, hàng hoá được rao bán với các yếu tố như: phải mô tả rõ ràng về sản phẩm hàng hoá được coi là vi phạm; phải nêu rõ cơ sở pháp lý của phản ánh này. Đồng thời, pháp luật cũng cần quy định cơ chế cho phép bên bán có cơ hội phản hồi để bảo vệ quyền, lợi ích của mình.
Ngoài ra, về chủ thể yêu cầu, đại biểu cho rằng ngoài cơ quan nhà nước và người tiêu dùng thì quy định này còn thiếu một chủ thể rất quan trọng, là các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là các chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ.
Việc bổ sung chủ thể này sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống hàng giả trên sàn giao dịch điện tử. Chỉ có chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm hàng hóa mới dễ dàng nhận biết sản phẩm, hàng hóa của mình bị làm giả.
Cho nên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng này vào các chủ thể được yêu cầu sàn thương mại điện tử gỡ bỏ hoặc hạn chế hàng hoá vi phạm và có cơ chế xử lý phù hợp.

Dự thảo Luật đã quy định rất nhiều chính sách để hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong hạ tầng chất lượng quốc gia. Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu có một số nội dung chính sách được quy định có phần trùng lắp với các luật được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp lần này như: việc khấu trừ chi phí vào thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đối với một số doanh nghiệp cũng đang phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc chuyển các nội dung này sang các luật thuế tương ứng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về điều khoản chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, thì cụm từ “sản phẩm, hàng hóa nhóm 2”, “hàng hóa nhóm 2”, “sản phẩm nhóm 2” ở các văn bản quy phạm pháp luật khác được hiểu và áp dụng thống nhất là “sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, có mức độ rủi ro cao”.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng quy định này là chưa rõ ràng bởi vì cùng với việc chuyển từ chế độ phân loại hàng hoá gồm 2 loại sang chế độ phân loại gồm 3 loại thì dự thảo luật cũng đã đưa ra những cơ chế quản lý khác nhau đối với các loại sản phẩm hàng hoá dựa trên mức độ rủi ro. Do vậy, nếu quy định như trên sẽ không phân biệt được cơ chế quản lý khác nhau đối với 2 loại hàng hoá rủi ro trung bình và rủi ro cao.
Do vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi đối với từng trường hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý dựa trên mức độ rủi ro; đồng thời đây cũng là yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi phù hợp với văn bản được ban hành.
Trong sáng 17/5, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; thảo luận ở hội trường về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.