Những bông hoa nhỏ kể chuyện Bác Hồ
Bằng lối kể hồn nhiên và đầy cảm xúc, Hồ Phương Phương (lớp 7A, Trường THCS Thị trấn Nghĩa Đàn) và Nguyễn Thị Kim Ngân (lớp 5B, Trường Tiểu học Lê Mao, TP. Vinh) đã xuất sắc giành giải Nhất ở hai khối Trung học cơ sở và Tiểu học trong cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” cấp tỉnh năm 2025. Qua những câu chuyện ý nghĩa, người nghe không chỉ cảm nhận được tình cảm trong sáng, chân thành của các em dành cho Bác mà còn hiểu được những giá trị đạo đức, nhân văn mà Người để lại.
Cô học trò giỏi Toán
và biệt tài kể chuyện về Bác Hồ
Nếu ai đã từng theo dõi vòng chung kết cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” cấp tỉnh vừa qua, hẳn sẽ ấn tượng sâu sắc với câu chuyện “Tiếng khóc em thơ và lời ru của mẹ” do em Hồ Phương Phương (lớp 7A, Trường THCS thị trấn Nghĩa Đàn) thể hiện.

Bằng giọng kể truyền cảm, tha thiết, Phương đã đưa người nghe trở về những năm tháng tuổi thơ gian khó của Bác. Đó là thời điểm cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của Bác – được cử đi coi thi Hương tại Thanh Hóa, mang theo người con trai lớn là Nguyễn Sinh Khiêm. Ở lại Huế, chỉ còn bà Hoàng Thị Loan một mình chăm sóc các con trong hoàn cảnh thiếu thốn, vất vả.
Dù tuổi còn rất nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã luôn quấn quýt bên mẹ, phụ giúp trông em, san sẻ nhọc nhằn với mẹ. Rồi nỗi đau ập đến: Vào một đêm đông lạnh giá, bà Hoàng Thị Loan qua đời trong cơn bệnh nặng. Bác Hồ khi ấy chỉ mới 11 tuổi, đã nén đau thương, cùng bà con lối xóm lo tang lễ cho mẹ và chăm sóc em.
Với sự nhập tâm trọn vẹn, Hồ Phương Phương thể hiện thành công những khoảnh khắc đau đớn mất đi người thân yêu nhất của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Cả hội trường lặng im, bao ánh mắt rưng rưng theo từng lời kể.
.jpg)
Người nghe như vỡ òa cảm xúc khi câu chuyện kể đến khoảnh khắc người em của Bác vì thiếu dòng sữa ngọt ngào từ mẹ mà dần yếu đi, rồi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của người anh trai nhỏ. Tiếng khóc nghẹn ngào, nỗi mất mát in hằn trong ký ức Bác, để rồi suốt cả cuộc đời, Bác luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho những mảnh đời bất hạnh, những em thơ côi cút.
Câu chuyện không chỉ tái hiện những tháng ngày gian khó của Bác Hồ mà còn thắp lên trong lòng các bạn trẻ hôm nay tình yêu thương, lòng biết ơn và ý thức trân trọng giá trị gia đình – những hạnh phúc bình dị đang hiện hữu.
Phương chia sẻ, hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung đôn đáo chạy đi chạy lại, vừa chăm sóc mẹ ốm, vừa lo cho em thơ, khiến em nghẹn ngào xúc động. Qua câu chuyện, em học được cách yêu thương, hiếu thảo hơn với cha mẹ và nhận ra rằng dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, cậu bé Cung vẫn luôn nỗ lực vươn lên, để sau này trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Điều đặc biệt, Hồ Phương Phương không chỉ có giọng kể truyền cảm mà còn sở hữu thành tích học tập đáng nể. Năm học 2023–2024, em đạt giải Ba môn Toán kỳ thi Olympic cấp huyện, giành giải Đồng Toán TIMO cấp quốc gia.
Em kể, nhiều người thắc mắc vì sao một học sinh yêu thích khoa học tự nhiên lại có thể nhập tâm sâu sắc đến vậy khi kể chuyện cảm xúc. Với em, đó không phải là sự mâu thuẫn. Chính nhờ tình yêu với môn Toán – môn học đòi hỏi sự chính xác, logic, em học được cách nhìn sâu vào các tình huống và cảm nhận từng chi tiết. Khi kể về Bác Hồ, những chi tiết nhỏ bé lại trở thành mảnh ghép ý nghĩa, vẽ nên bức tranh sống động về tình yêu thương và giá trị nhân văn mà Bác để lại.
Ngoài ra, Phương cũng là học sinh giỏi nhiều năm liền, từng đạt nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh ở các môn Tin học trẻ, Trạng nguyên tiếng Việt. Trước khi giành giải Nhất cấp tỉnh, em cũng đã xuất sắc giành giải Nhất cấp huyện trong khối THCS tại cuộc thi này.
Thêm yêu Bác qua những câu chuyện kể
Một nhân tố tiêu biểu ở khối Tiểu học là em Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh). Câu chuyện “Bác Hồ đến thăm người nghèo” do em thể hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc.
Bằng giọng kể nhẹ nhàng, ấm áp, Kim Ngân đưa người nghe trở lại khoảnh khắc xúc động của đêm giao thừa Nhâm Dần (1962), khi Bác Hồ đến thăm gia đình chị Tín – một người mẹ góa, nuôi 3 con nhỏ trong căn nhà tồi tàn tại phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Dù cuộc sống khó khăn, chị Tín vẫn chăm chỉ làm thuê, gánh nước, bổ củi kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngay trong đêm giao thừa, chị vẫn phải đi làm để có chút gạo cho bữa cơm tất niên.

Khi Bác bước vào, chị Tín sửng sốt, chiếc đòn gánh rơi xuống, đôi thùng sắt va vào đất phát ra tiếng loảng xoảng. Mấy đứa trẻ nhận ra Bác Hồ, vội chạy lại gọi to: “Bác Hồ, Bác Hồ!” rồi quấn quýt quanh Người. Sau giây phút ngỡ ngàng, chị Tín ôm chầm lấy Bác mà nghẹn ngào khóc. Câu nói: “Những người như cháu không ngờ được Bác đến thăm” khiến cả hội trường xúc động bởi sự chân thành, mộc mạc từ một người mẹ nghèo.
Ngân đã kể lại những chi tiết này một cách khéo léo và tinh tế. Không đơn thuần chỉ là mô tả, em đã đưa người nghe vào tâm trạng của nhân vật, để cảm nhận rõ nỗi xúc động và lòng biết ơn của chị Tín. Câu nói của Bác: “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai?” vang lên như một thông điệp giản dị mà sâu sắc, thể hiện trách nhiệm lớn lao và tình cảm đặc biệt của Bác dành cho nhân dân.
Ngoài tài năng kể chuyện, Kim Ngân còn là học sinh xuất sắc: giải Nhì toàn quốc, giải Nhất cụm Bắc Trung Bộ, giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới” năm học 2023 - 2024. Em còn đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và nhiều thành tích tiêu biểu khác.
.jpg)
Là giám khảo và cũng là người theo sát các em trong suốt cuộc thi, thầy Nguyễn Quốc Sơn – giảng viên bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nghệ An – chia sẻ: “Qua từng phần thi, tôi không chỉ cảm nhận được tình cảm trong sáng, chân thành mà các em dành cho Bác, mà còn thấy rõ sự trưởng thành trong cách cảm, cách nghĩ và khả năng thể hiện của các em. Dưới lăng kính trẻ thơ, mỗi câu chuyện quen thuộc về Bác như được đánh thức, trở nên sống động, sâu sắc và ngập tràn cảm xúc.

Đặc biệt, những gương mặt như Hồ Phương Phương và Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho thấy sự nhạy cảm, tinh tế trong cách kể chuyện: vừa giữ được mạch cảm xúc tự nhiên, vừa truyền tải sâu sắc những giá trị đạo đức, nhân văn mà Bác Hồ để lại. Các em không chỉ kể chuyện bằng trí nhớ, mà còn bằng cả trái tim – bằng sự thấu cảm non trẻ nhưng chân thành, khiến người nghe rung động. Qua đó, tình yêu quê hương, đất nước cũng như lòng kính yêu, biết ơn Bác Hồ tiếp tục được lan tỏa và bồi đắp trong lòng thế hệ trẻ".