Xây dựng Đảng

Cả đời Người là của nước non

Nguyễn Hoài Nam 18/05/2025 07:19

Với tập 5, tập khép lại bộ tiểu thuyết sử thi Nước non vạn dặm viết về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã quyết định lấy một nhan đề mang tính khái quát hóa rất cao: Việt Nam - Hồ Chí Minh.

cadoinguoilacanuocnon-cover.png

Nguyễn Hoài Nam • 14/05/2025

Với tập 5, tập khép lại bộ tiểu thuyết sử thi Nước non vạn dặm viết về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã quyết định lấy một nhan đề mang tính khái quát hóa rất cao: Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Có thể nói, nếu tác phẩm văn học được bắt đầu từ cái nhan đề - như Alecxandre Pushkin, “mặt trời của thi ca Nga” từng nhận định - thì nhan đề Việt Nam - Hồ Chí Minh thuộc kiểu nhan đề cô đặc tư tưởng cốt lõi của tác phẩm ngay từ khi khai màn.

“Việt Nam”“Hồ Chí Minh”, hai thành phần trong nhan đề của tiểu thuyết được nối với nhau bằng một dấu gạch ngang, gợi ý cho người đọc về một sự cân bằng và khả năng chuyển hóa: Nói đến đất nước Việt Nam nghĩa là nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem như một đại diện đầy đủ, trọn vẹn, đẹp đẽ nhất của đất nước Việt Nam. Điều này, có lẽ cũng tương tự một ý mà Nguyễn Đình Thi viết năm 1950, trong bài thơ Quê hương Việt Bắc: “Nơi đây sống một người tóc bạc/ Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi người là Bác/ Cả đời người là của nước non”.

Bác Hồ làm việc tại Việt Bắc năm 1952. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ làm việc tại Việt Bắc năm 1952. Ảnh: Tư liệu

Khung thời gian của những chuyện kể trong tập 5 này bắt đầu từ: “16 giờ ngày mùng 9 tháng 10 năm 1954, những người lính Pháp cuối cùng lầm lũi đi qua cầu Long Biên, rút khỏi Hà Nội”, và kết thúc vào thời khắc Bác vĩnh viễn rời xa đồng bào, đồng chí, về với thế giới vĩnh cửu của những người hiền: “Chiếc đồng hồ trên tường dừng ở con số 9 giờ 47 phút. Cuốn lịch dừng ở trang ghi ngày mùng 2 tháng 9 năm 1969”.

Khung thời gian ấy là mười lăm năm cuối đời của Bác. Mười lăm năm, với tư cách là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà thế giới buộc phải công nhận tính hợp pháp sau khi Hiệp định Geneve 1954 về chấm dứt chiến tranh Đông Dương được ký kết, chứ không phải nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chính phủ đã phải tạm bỏ Thủ đô để rút lên Việt Bắc làm cuộc kháng Pháp kéo dài 9 năm - Bác đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào cuộc trường chinh mới: Khôi phục nền kinh tế đổ nát sau chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất và phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; xây dựng, kiện toàn lực lượng chiến đấu, vạch chiến lược và kiên quyết đấu tranh chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, anh dũng giáng trả những đòn xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông Việt Nam liền một dải.

Tập 5 'Việt Nam - Hồ Chí Minh' của bộ tiểu thuyết sử thi Nước non vạn dặm
Tập 5 “Việt Nam - Hồ Chí Minh“ trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm“ của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Nhìn chung, những sự kiện mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nêu trong chuyện kể ở tập 5 của bộ Nước non vạn dặm đều là những sự kiện đã được ghi lại trong các tài liệu lịch sử chính thống, được “vững chắc hóa” và phổ biến rộng rãi từ lâu. Tất cả nói lên rằng, trong khoảng thời gian 15 năm kể từ khi rời chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội cho đến lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện diện như một nhà lãnh đạo tối cao, người hoạch định chiến lược và là linh hồn trong những vận động của cách mạng và của lịch sử dân tộc.

Nguyễn Thế Kỷ - trong tư cách một người sáng tạo văn học, một nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp - đã không xây dựng cuốn tiểu thuyết của mình bằng cách nói những gì nằm ngoài hoặc khác thế, mà cách của ông là: Vừa bám rất chắc vào các dữ kiện “bất khả tư nghị” mà ai cũng biết, vừa tìm ra ở các dữ kiện ấy những khoảng trống cho phép người viết văn thổi nguồn năng lượng tưởng tượng của mình vào, tạo ra những chi tiết có thể không có trong thực tế nhưng lại rất hợp lý, và có khi còn “thật hơn cả thật”.

Ví như, để hiểu và cảm nhận về nỗi đau khi miền Nam bị chia cắt, sự gắn bó và yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào miền Nam ruột thịt, chúng ta đã có câu chuyện Bác ôm luật sư Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc vào tháng 10 năm 1962, và nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Nhưng Nguyễn Thế Kỷ càng làm da diết hơn nữa khi để Bác - với tư cách một nhân vật của tiểu thuyết - nói thêm: “Ở miền Nam ta, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của Bác. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu nhiều đau khổ, hy sinh là một ngày Bác ăn không ngon, ngủ không yên”. Và ngay sau đó, là một câu mô tả/ bình luận của người kể chuyện giấu mặt: “Tất cả những người có mặt lặng đi, những giọt nước mắt cảm động, thổn thức, khắc khoải trào ra, ướt đẫm những chiếc khăn rằn Nam Bộ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc 28/2/1969. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc 28/2/1969. Ảnh: Tư liệu

Là nguyên thủ của một quốc gia độc lập, có đầy đủ chủ quyền trên trường quốc tế, Hồ Chí Minh đương nhiên phải tiến hành những hoạt động ngoại giao với các nước khác, cả với các nước bạn bè cùng khối Xã hội chủ nghĩa và các nước đối nghịch về đường lối chính trị. Ở phương diện này, như chúng ta đều biết, nguyên tắc cốt tử của Hồ Chí Minh là lấy quan điểm Marx - Lenin làm kim chỉ nam, giữ vững lập trường Chủ nghĩa Cộng sản, và đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Với nguyên tắc ấy, Người đã thể hiện ra trong thực tế lịch sử như một nhà ngoại giao rất thành công và luôn khiến cho các đối tác phải vì nể.

Trong tiểu thuyết Việt Nam - Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Kỷ khai thác sâu hơn ở điểm này. Với nhà văn, phong thái ngoại giao Hồ Chí Minh là một phong thái khiêm tốn nhưng rất chủ động, đầy tự tin, lịch lãm và khéo léo. Không phải cái khéo theo kiểu “ngoại giao” - ngọt nhạt, trơn chuội, chỉ cốt để lấy cảm tình đối phương - mà là cái khéo của sự am hiểu và lòng thành thực.

Chuyến đi thăm Ấn Độ năm 1960 của Hồ Chí Minh là một ví dụ. Khi dự mít tinh, Bác đã từ chối ngồi vào chiếc ghế đồ sộ như một ngai vàng mà Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru ưu ái dành sẵn, Người nói: “Niềm vinh dự của tôi là được có mặt ở đây. Xin hãy để tôi tự nhiên như trở về nhà của mình”. Còn khi dự tiệc mời, người đã “nhập gia tùy tục” với cách ăn bốc của người Ấn Độ bằng một câu nói hóm hỉnh trước các quan khách: “Thịt gà phải ăn bằng tay mới ngon, chứ còn ăn bằng thìa nĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua phiên dịch”.

Nhân dân Thủ đô New Delhi nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Ấn Độ (5 – 14/2/1958). Ảnh: TTXVN
Nhân dân Thủ đô New Delhi nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Ấn Độ (5 – 14/2/1958). Ảnh: TTXVN

Nhưng mặt khác, với các thế lực đối nghịch, thù địch như đế quốc Mỹ, mà đại diện là Tổng thống Lyndon Johnson, Hồ Chí Minh tỏ ra vô cùng cương quyết, lập luận chặt chẽ, lời lẽ đanh thép, không khoan nhượng. Dưới đây là toàn văn bức thư Bác gửi Lyndon Johnson, nghĩa là đối thoại trực tiếp chứ không phải ta nói với ta về kẻ địch:

“Gửi Ngài L. B.Giônxơn, Tổng thống nước Mỹ,

Thưa Ngài,

Ngày 10 tháng 2 nǎm 1967, tôi đã nhận được thư của Ngài. Đây là thư trả lời của tôi.

Nước Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ. Nhưng, trái với lời cam kết của đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ nǎm 1954, Chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào Việt Nam, gây ra và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và cǎn cứ quân sự của Mỹ. Từ hơn hai nǎm nay, Chính phủ Mỹ còn dùng không quân và hải quân đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước độc lập, có chủ quyền.

Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hòa bình và chống lại loài người. Ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hóa học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc. Ở miền Bắc Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hoại các thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, đê đập, tàn phá cả nhà thờ, đình chùa, nhà thương, trường học. Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài, ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình cực kỳ nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân Việt Nam là một sự thách thức đối với các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa. Cuộc chiến tranh đó là một sự đe dọa đối với phong trào độc lập của các dân tộc; đồng thời uy hiếp nghiêm trọng hòa bình ở châu Á và thế giới.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất thiết tha với độc lập, tự do và hòa bình. Nhưng trước sự xâm lược của Mỹ, nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh, gian khổ, đã đứng lên kháng chiến và quyết kháng chiến đến khi giành được độc lập, tự do thật sự và hòa bình chân chính. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng tôi được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới, kể cả những tầng lớp rộng rãi trong nhân dân Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hòa bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; phải thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; phải để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình. Đó là nội dung cơ bản của lập trường 4 điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện những nguyên tắc và điều khoản chủ yếu của Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Việt Nam. Đó là cơ sở cho giải pháp chính trị đúng đắn về vấn đề Việt Nam .

Trong thư, Ngài có đề ý kiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ trực tiếp nói chuyện. Nếu Chính phủ Mỹ thật muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện và bàn các vấn đề có liên quan đến hai bên.

Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn.

Sự nghiệp của chúng tôi là chính nghĩa. Mong Chính phủ Mỹ hãy hành động hợp với lẽ phải.

Chào ngài.

Hồ Chí Minh”.

Dĩ nhiên đây không phải là văn của Nguyễn Thế Kỷ. Nhưng cái cách nhà văn tạo tình huống để đưa các văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh - với nhiều hình thức khác nhau: bài báo, diễn văn, lời kêu gọi, thư trả lời, Di chúc - vào văn bản tiểu thuyết của mình thì cũng rất nên ghi nhận. Bởi chúng khớp nối một cách hữu cơ và rất tập trung để nói về một con người Việt Nam vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thêm nữa, khác với bốn tập trước của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm, chỉ thuần túy lối tự sự biên niên sử, ở tập 5 này, Việt Nam - Hồ Chí Minh, chúng ta có thể nhận thấy một đôi chỗ tác giả dùng kỹ thuật “tạt lùi” (flashback) như trong điện ảnh, và cũng khá đắc dụng. Ví như đoạn Bác về thăm quê năm 1957. Vào ngôi nhà xưa, nhìn những đồ vật cũ, thắp hương trước ban thờ cha, mẹ, anh, chị, em, người chợt quay lại sống với những mảnh vụn ký ức, vừa thân thương, vừa buồn da diết. Đoạn này được nhà văn đóng lại bằng hai câu bình luận, mang tư tưởng cốt lõi của toàn bộ tiểu thuyết: “Cuối cùng, cả gia đình sáu người chỉ còn lại mình ông. Gia đình của ông bây giờ và mãi mãi là Tổ quốc, là Nhân dân Nam Bắc”.

Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu
Trong ngôi nhà xưa ở làng Kim Liên, Bác Hồ xúc động bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày còn thơ ấu. Ảnh: Tư liệu

Và cái kết của tác phẩm, khi nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ở tập 1 đã “theo chân Bác” từ thuở lọt lòng của cậu bé Cung, thì ở tập 5 lại “chứng kiến” giờ phút lâm chung của Người. Một cuộc ra đi nhẹ nhàng êm ả, nhưng để lại một di sản vô cùng to lớn và một nỗi tiếc thương vô hạn cho cả dân tộc:

Trong những giấc chập chờn, ông thấy có cha, mẹ, chị Thanh, anh Khiêm, em Nhuận, đặc biệt là bà ngoại. Bà ngoại ngồi bên hiên nhà khi những bông huệ đang nở hoa thơm ngát.

Ông tự hỏi: Bây giờ có phải mùa hoa huệ không nhỉ?

Ông lại nhớ những ngày tháng lênh đênh bốn biển, bắc ghế lên cọ những cái chảo hay kéo lê túi than trên sàn tàu. Nhớ những ngày đi xúc tuyết, thông ống khói. Nhớ những bữa ăn ấm áp cùng người thân trong nhà hàng của Phillipe. Đã lâu quá rồi không có tin tức gì từ những người bạn quý mến ấy...

Thảng hoặc ông nghe thấy tiếng lao xao khe khẽ, không biết từ những người xung quanh hay từ trong ký ức. Ông nghe thấy cả tiếng trẻ em cười, hát nữa. Bé bé bồng bông/ hai má hồng hồng...

Ông không thấy mệt, không thấy đau, chỉ thấy cơ thể mỗi lúc một trĩu nặng, giơ cánh tay lên cũng khó. À đây rồi, có tiếng tít tít của máy móc y tế.

Một cơn đau nhói lên trong ngực. Nhói khẽ thôi, nhưng đủ để ông chìm vào giấc ngủ mãi mãi”.

Nguyễn Hoài Nam