Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó và dám nghĩ dám làm
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu nêu rõ, bài học từ Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rằng, độc lập dân tộc phải luôn gắn liền với hạnh phúc của nhân dân, với quyền làm chủ của người dân và với sự phát triển toàn diện. Trong công cuộc phát triển đất nước hôm nay, cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó và dám nghĩ, dám làm.
Chiều 18/5, tại thành phố Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng cao đẹp của ý chí, khát vọng độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.
.jpg)
Tại hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An trình bày tham luận: "Ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại".
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do…” – đó không chỉ là một lời tuyên ngôn đầy xúc cảm, mà còn là kim chỉ nam cho toàn bộ hành trình cách mạng mà Người dẫn dắt.

Chủ đề hội thảo hôm nay: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng cao đẹp của ý chí, khát vọng độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân” mang ý nghĩa hết sức sâu sắc, không chỉ để chúng ta tưởng nhớ và tri ân Người, mà còn để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra từ Kim Liên, Nam Đàn, một vùng quê giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng. Cha của Người – Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – là một nhà nho yêu nước, thương dân, có chí khí, luôn khát khao chấn hưng dân tộc.
.jpg)
Lớn lên trong tình cảnh mất nước, chứng kiến sự lầm than, đói khổ của nhân dân dưới sự đô hộ bởi thực dân Pháp, cùng với sự ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục gia đình, truyền thống yêu nước của quê hương đã sớm hun đúc nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí dấn thân vì nghĩa lớn. Người luôn day dứt với câu hỏi: “Làm thế nào để cứu nước, cứu dân?”.
Câu hỏi đó đã thôi thúc Người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 21 và cũng là động lực để Người vượt qua mọi khó khăn, khổ ải trong hành trình 30 năm bôn ba ở nước ngoài.

Trong hành trình ấy, Người tiếp xúc với nhiều trào lưu tư tưởng, nghiên cứu các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, trong đó có học thuyết Mác – Lênin. Người nhận ra rằng, chỉ có cách mạng vô sản, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là con đường chân chính để giành lại độc lập dân tộc và mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Và từ đó, Người dành trọn đời mình để đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân theo con đường cách mạng vô sản.

Con đường đó đã đưa dân tộc Việt Nam đi đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám và những thắng lợi về sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập và thể hiện sự quyết tâm sẽ “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”
Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, mặc dù đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Hồ Chí Minh vẫn kiên định tuyên bố: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Đối với Người, thống nhất đất nước không chỉ là yêu cầu về lãnh thổ mà còn là biểu hiện cao nhất của tinh thần độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền quốc gia.

Khi thực dân Pháp mưu toan trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa, Hồ Chí Minh với bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn chiến lược đã chủ động đàm phán hòa bình với Pháp để kéo dài thời gian chuẩn bị lực lượng, nhưng đồng thời, Người cũng kiên quyết không để mất nước lần thứ hai. Khi chiến tranh là điều không thể tránh khỏi, Người khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tinh thần ấy đã trở thành lời hiệu triệu cho toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, kết thúc bằng chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ năm 1954 – vang dội năm châu, chấn động địa cầu và tiếp tục là kim chỉ nam cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thống nhất non sông đi đến thắng lợi cuối cùng.



Mặc dù không kịp chứng kiến ngày toàn thắng, nhưng trong Di chúc thiêng liêng để lại, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài… song nhân dân ta nhất định thắng, Tổ quốc ta nhất định thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sum họp một nhà”.
Để giữ vững độc lập, thống nhất, Hồ Chí Minh luôn khẳng định phải đi theo con đường cách mạng vô sản và luôn cần có một Đảng cách mạng chân chính, vững mạnh về tổ chức, tư tưởng và đạo đức. Và Người đã dành trọn đời mình để xây dựng, rèn luyện Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh…
Công tác xây dựng Đảng, không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết trong đấu tranh giành chính quyền, mà còn là điều kiện tiên quyết để giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng xã hội mới, phát triển đất nước. Đồng thời, Người luôn quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau để bảo vệ tương lai dân tộc. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Có thể nói, ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi viết bản Di chúc thiêng liêng, Người luôn kiên định một mục tiêu: giành độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Tư tưởng ấy đã dẫn dắt Đảng ta vượt qua muôn vàn gian khó, từng bước đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Không chỉ dừng lại ở lý tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiện thực hóa ý chí đó bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng sinh động. Người không ngừng trăn trở, tìm tòi, học hỏi, vận dụng linh hoạt chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để đưa ra con đường giải phóng dân tộc phù hợp.
Bằng bản lĩnh và tầm vóc tư tưởng lớn lao, Người đã kết tinh, kết nối truyền thống yêu nước của dân tộc với tinh thần cách mạng thời đại, tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn – đó là khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất non sông.
Tư tưởng đó, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và là động lực tinh thần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, bảo vệ độc lập dân tộc không còn chỉ là giữ gìn lãnh thổ, chủ quyền, mà là một cuộc đấu tranh toàn diện trên nhiều mặt trận: kinh tế, văn hóa, công nghệ, không gian mạng, môi trường, và an ninh phi truyền thống. Điều này đặt ra những yêu cầu mới đối với việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ và phát triển bền vững.
.jpg)
Bài học từ Hồ Chí Minh cho chúng ta thấy rằng: Độc lập dân tộc phải luôn gắn liền với hạnh phúc của nhân dân, với quyền làm chủ của người dân và với sự phát triển toàn diện.
Chính vì vậy, trong công cuộc phát triển đất nước hôm nay, cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vượt khó và dám nghĩ dám làm. Đồng thời, phải chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực kinh tế, khoa học – công nghệ, và khơi dậy khát vọng vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác từng mong mỏi.
Để phát huy tinh thần, khát vọng đó trong phát triển đất nước trong thời đại mới, làm cho Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”, chúng ta phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến trong toàn xã hội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Đồng thời, cần phát huy các động lực phát triển mới: đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh – kinh tế số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển – thì việc kế thừa và phát huy ý chí, tinh thần và khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng mang ý nghĩa cấp thiết. Đó chính là nền tảng tư tưởng – tinh thần để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
