Kinh tế

Nhiều vườn keo nguyên liệu ở Tân Kỳ gãy đổ do giông lốc

Phú Hương 20/05/2025 08:15

Những cơn giông lốc liên tiếp xảy ra đã làm nhiều diện tích keo nguyên liệu ở xã Tân An (Tân Kỳ) gãy đổ hàng loạt. Người trồng keo đứng ngồi không yên khi muốn thu hoạch non, mong vớt vát một phần thu nhập mà không tìm ra lao động.

Tan hoang sau một cơn giông lốc

Đã trồng sang vụ keo thứ 2, nhưng đây là năm đầu tiên anh Nguyễn Đức Bình ở xóm Thanh Yên (xã Tân An) phải xót xa chứng kiến đồi keo của gia đình bị đổ gãy, tan tành chỉ sau 1 cơn lốc. Chỉ sau 30 phút, cơn lốc chiều 17/5 đã khiến 2 ha keo gãy ngang cây nằm rạp dưới đất, 4 ha còn lại bị nghiêng cây, giảm năng suất.

“Keo mới trồng được 3 năm rưỡi đến 4 năm, nếu bình thường 2- 3 năm nữa mới thu hoạch để bán làm gỗ ép, gỗ dán, 1 ha đạt năng suất bình quân 120- 130 tấn/ha, thu về 130- 140 triệu đồng; nhưng bây giờ chỉ có thể chặt bán non làm băm dăm, năng suất và chất lượng đều kém. Nếu không bị ép giá quá thì may ra vớt vát được 50- 60 triệu đồng/ha”, anh Bình chán nản.

Không chỉ 2 ha bị gãy ngang, anh Bình còn phải chặt bán cả 4 ha bị nghiêng cây do cây sẽ khó sinh trưởng, phát triển tốt và chỉ cần 1 trận gió mưa nhỏ cũng sẽ bị gãy ngang ngọn.

 vườn keo 3,5 năm tuổi gãy ngang sau cơn giông lốc. Ảnh- Phú Hương
Vườn keo 3,5 năm tuổi của người dân gãy ngang chỉ sau 30 phút. Ảnh: Phú Hương

Thu hoạch keo non, người dân thiệt đủ đường. Nếu keo già đủ tuổi được thu mua với giá bình quân 1,4- 1,5 triệu đồng/tấn thì keo non, bị gãy đổ chỉ được thương lái trả 1,1- 1,2 triệu đồng/tấn mà vẫn khó bán. Cây keo gãy nằm trên vườn bị khô vỏ, khó bóc, tăng chi phí nhân công, từ 230 nghìn đồng/tấn nếu thu hoạch bình thường lên 250- 270 nghìn đồng/tấn.

Đã sang ngày thứ 3 từ khi keo đổ, anh Bình cũng như nhiều hộ dân trồng keo khác trong xóm vẫn đang chạy đôn chạy đáo tìm thuê người chặt keo gãy đổ. “Mùa nắng nóng nên chặt keo rất vất vả, lại đang mùa thu hoạch lúa vụ Xuân nên không có nhân lực”, anh Bình chán nản.

 Anh Bình tần ngần trước vườn keo gãy đổ. Ảnh- Phú Hương
Anh Nguyễn Đức Bình tần ngần trước vườn keo non bị gãy đổ. Ảnh: Phú Hương

Khó kiếm lao động chặt keo non

Cơn giông lốc chiều 17/5 đã làm nhiều diện tích keo của xóm Thanh Yên bị gãy đổ, thiệt hại. Một số xóm khác trên địa bàn xã như xóm Thị Tứ, xóm Tân Thịnh mỗi xóm bị thiệt hại 2- 3 ha.

Xóm trưởng Trần Nhật Lệ cho hay: Đây là cơn lốc thứ 3 gây hại trên địa bàn tính từ đầu năm đến nay, toàn xóm có gần 10 ha keo bị gãy đổ. Những vườn keo mới trồng được 2 năm tuổi bị nhiều hơn do lá đang rất tốt, nặng đầu cây, nhiều vườn sau khi lốc đi qua ngọn cây cúi gục như cần câu. Đây cũng chính là những diện tích bị thiệt hại nặng nề nhất, muốn bán cũng không ai mua.

Một số vườn còn lại đã được trồng 3,5- 4 năm bà con vẫn vớt vát được một phần, nhưng khó khăn nhất hiện tại là không có nhân lực để thu hoạch, đến nay chỉ mới một số diện tích rất ít đã được chặt bán mặc dù vẫn bị thương lái ép giá. Phần lớn người dân đang bất lực trong khi cây keo nếu để trên vườn khoảng 1 tuần là khô, không bán được nữa.

 Xóm Thanh Yên có gần 10 ha keo bị thiệt hại nặng nề. Ảnh- Phú Hương
Nhiều vườn keo non thiệt hại nặng nề. Ảnh: Phú Hương

Với trên 16.000 ha, cây keo nguyên liệu không chỉ đóng vai trò phủ xanh đất trống, đồi trọc mà còn là sinh kế bền vững cho hàng ngàn hộ dân ở huyện Tân Kỳ. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 3 đợt giông lốc gây thiệt hại hàng nghìn ha keo của địa phương này.

Theo ông Trần Văn Hùng - cán bộ phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện: Thống kê nhanh, chỉ riêng đợt giông lốc ngày 12/4 đã có hơn 800 ha keo bị thiệt hại; cơn lốc ngày 21/4 tiếp tục làm gần 300 ha keo bị gãy đổ và mới đây nhất, chiều 17/5 nhiều diện tích keo tại xã Tân An đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng diện tích keo nguyên liệu bị thiệt hại do giông lốc từ đầu năm đến nay lên khoảng 1100 ha.

Phú Hương