Kinh tế

Nghệ An thúc đẩy chuyển đổi xe buýt và xe khách nội tỉnh sang ô tô điện

Hoàng Vĩnh 20/05/2025 10:10

Chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện cho xe buýt và xe khách nội tỉnh giai đoạn 2025-2030 vừa được UBND tỉnh Nghệ An ban hành là bước khởi đầu nhằm thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong lĩnh vực giao thông vận tải. Quyết định đó thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là đối với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Tiên phong chuyển đổi sang xe điện

Trước đây, phần lớn phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi tại địa bàn Nghệ An đều sử dụng nguyên liệu hóa thạch (xe sử dụng xăng, dầu). Điều này không những làm tăng chi phí dịch vụ (do diễn biến phức tạp giá xăng, dầu), mà còn gây ô nhiễm môi trường… Trước thực tế đó, Công ty TNHH Vận tải quốc tế Sơn Nam (Mai Love) và Công ty CP Di chuyển xanh - Thông minh GSM đã mạnh dạn đầu tư, đưa ra thị trường Nghệ An những chiếc xe taxi điện đầu tiên phục khách hàng.

Trạm sạc xe ô tô điện tại TP Vinh luôn có nhiều phương tiện sạc điện. Ảnh Hoàng Vĩnh
Trạm sạc xe ô tô điện tại TP. Vinh luôn có nhiều phương tiện sạc điện. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Sự kiện này là kết quả của việc thực hiện chương trình thúc đẩy doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt, xe ta xi chuyển đổi sang xe ô tô điện của Chính phủ, của tỉnh và ngành Giao thông Vận tải (nay là ngành Xây dựng).

Ông Hồ Quang Hiếu - Phó Giám đốc hãng taxi MaiLove (Nghệ An) cho biết: “Ngày 19/1/2024, lần đầu tiên tại Nghệ An đơn vị đã đưa vào khai thác 50 xe taxi điện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn thành phố Vinh, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa. Đây là cơ sở quan trọng để đơn vị tiếp tục đầu tư phát triển xe điện theo lộ trình và đến nay, đơn vị đã đưa vào khai thác 340 xe điện tại địa bàn Nghệ An và trong 2 tháng tới, tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác 30 xe điện. Việc sử dụng ô tô điện làm phương tiện kinh doanh là sự đóng góp một phần của doanh nghiệp vào thành công về chương trình hành động, chuyển đổi năng lượng xanh của Chính phủ, của tỉnh Nghệ An và ngành Giao thông Vận tải (nay là ngành Xây dựng)”.

Để đáp ứng nhu cầu của phương tiện xe ô tô điện, hãng sản xuất đã lắp đặt thêm các trụ nạp điện cho khách hàng TP Vinh. Ảnh Hoàng Vĩnh
Để đáp ứng nhu cầu của phương tiện xe ô tô điện, hãng sản xuất đã lắp đặt thêm các trụ nạp điện cho khách hàng TP. Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 17 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với 1.398 xe và phần lớn các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện lộ trình chuyển đổi sang xe ô tô điện, nên hiện đã có tổng số 430 xe taxi điện.

Lộ trình chuyển đổi

Nghệ An là một trong những địa phương phát triển mạnh về lĩnh vực xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện tại trên địa bàn có tổng số 395 xe, trong đó, có 193 xe buýt (gồm 5 đơn vị kinh doanh) đang khai thác 11 tuyến, gồm: xe buýt Đông Bắc 97 phương tiện, xe buýt Thạch Thành 44 phương tiện, xe buýt Khanh Quỳnh 38 phương tiện, xe buýt Sự Chuyên 12 phương tiện, xe buýt Phương Thảo 2 phương tiện. Về vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh có 205 phương tiện đang khai thác tại 72 tuyến.

Điểm sạc ô tô điện tai TP Vinh. Ảnh Hoàng Vĩnh
Điểm sạc ô tô điện tại TP. Vinh. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải; Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Công văn số 8685/VPCP-CN ngày 25/11/2024 của Văn phòng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng xanh ngành Giao thông Vận tải giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 9/5/2025, về việc chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với xe buýt, xe khách nội tỉnh giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn Nghệ An.

Sạc điện cho phương tiện ô điện. Ảnh Hoàng Vĩnh
Sạc điện cho phương tiện ô điện. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Theo đó, lộ trình chuyển đổi sử dụng xe ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh và đến hết năm 2030, phấn đấu tối thiểu 20% phương tiện xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh. Lộ trình chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, là từ năm 2025 khuyến khích xe tuyến cố định nội tỉnh thay thế, đầu tư mới thực hiện chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến hết năm 2030 tối thiểu 10% phương tiện xe tuyến cố định nội tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh.

Để thực hiện, tỉnh sẽ phối hợp tham gia với bộ, ngành Trung ương trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thực hiện chuyển đổi sử dụng ô tô điện. Áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải đầu tư, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang ô tô điện (hỗ trợ về tài chính khi đầu tư mua sắm phương tiện, hỗ trợ giá sạc điện, ưu tiên về tuyến đường, khu vực hoạt động,...).

Cùng với đó, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị liên quan, như: Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Tài Chính, Sở Khoa học và Công nghệ… trong đó, Sở Xây dựng chủ trì chịu trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu chính sách chung và chính sách cụ thể thúc đẩy doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt, xe khách nội tỉnh chuyển đổi sang xe ô tô điện; phối hợp, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung công việc của kế hoạch này đảm đồng bộ, kịp thời; định kỳ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, địa phương triển khai, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương liên quan hỗ trợ, ưu đãi đầu tư; xây dựng kế hoạch truyền thông và tổ chức truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích về xe buýt, xe khách nội tỉnh chuyển đổi sang xe ô tô điện.

Hãng taxi mailove có nhiều phương tiện ô tô điện. Ảnh Hoàng Vĩnh
Hãng ta xi MaiLove có nhiều phương tiện ô tô điện. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Tại Nghệ An, xe buýt Đông Bắc hiện có số lượng phương tiện lớn nhất (97 xe), trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Hoàng – Giám đốc Công ty TM& XD Đông Bắc tại Nghệ An cho hay: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện cho xe buýt, đơn vị đã trực tiếp đi một doanh nghiệp sản xuất ô tô điện ở trong và ngoài nước để tìm hiểu… Qua đó, thấy rằng, giá thành của xe buýt hiện đang quá cao và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi đầu tư xe buýt điện, nhất là đối với đơn vị khai thác số lượng lớn phương tiện và để tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi theo đúng lộ trình của tỉnh, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ nguồn vốn vay và phát triển hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt điện”.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Thạch Thành chia sẻ: “Đơn vị đang lên kế hoạch, lộ trình từng bước thực hiện chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện đối với xe buýt và cũng đã tìm hiểu các thông tin, mẫu mã một số sản phẩm xe buýt điện. Tuy nhiên, giá bán xe buýt điện hiện nay là khá cao, nên khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp rất cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, ưu đãi đầu tư…”.

Buýt Đông Bắc hiện có số lượng phương tiện lớn ở Nghệ An. Ảnh Hoàng Vĩnh
Xe buýt Đông Bắc hiện có số lượng phương tiện lớn ở Nghệ An. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Phần lớn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, xe vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh đang nỗ lực tìm hiểu, tiếp cận với các loại xe điện, qua đó, từng bước xây dựng lộ trình thực hiện, nhưng vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là khó khăn về nguồn vốn đầu tư ban đầu khi mua sắm phương tiện.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: “Hiện nay, Sở phối hợp với các cấp, ngành liên quan cùng thực hiện nhiệm vụ được giao. Hiện Sở đang tham mưu trình các cấp, ngành liên quan về chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tại dự án các tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư mua sắm phương tiện xe buýt – đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo chỉ đạo của UBND tỉnh…”.

Trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện cho xe buýt và xe khách nội tỉnh giai đoạn 2025-2030 còn rất nhiều vấn đề khó khăn, bất cập cần tháo gỡ, giải quyết, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và nỗ lực của các đơn vị, doanh nghiệp, Nghệ An chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Hoàng Vĩnh