Quốc tế

Tại sao châu Âu và Ukraine sợ cuộc điện đàm giữa Trump-Putin?

Mỹ Nga 20/05/2025 13:30

Châu Âu và Ukraine dường như luôn rơi vào trạng thái hồi hộp chờ đợi kết quả mỗi khi cuộc điện đàm có cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin.

ukraine và châu âu sợ điện đàm trump và putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: RT

Theo RT dẫn nguồn từ tờ Washington Post cho rằng, trong giới lãnh đạo Ukraine “mối quan ngại đang gia tăng” liên quan đến các cuộc tiếp xúc sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ.

"Tổng thống Trump đã nói rõ rằng, ông sẽ thảo luận với Tổng thống Putin về các điều khoản chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng lập trường của Kiev và Moskva vẫn còn khác biệt rất xa về vấn đề thế nào là một thỏa thuận công bằng", Washington Post lưu ý.

Theo nguồn tin này, ông Zelensky và đội ngũ của ông lo ngại rằng, kết quả của các cuộc đàm phán có thể không có lợi cho họ.

Nguồn tin của tờ báo nhấn mạnh: "Tổng thống Zelensky và các trợ lý của ông muốn đảm bảo rằng, các cuộc đàm phán giữa ông Putin và ông Trump không đặt Ukraine vào tình thế đã rồi mà họ không thể chấp nhận được".

Sky News đưa tin Ukraine lo ngại rằng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào do Moskva và Washington đưa ra thực chất sẽ là thỏa thuận "được thì chấp nhận".

“Trong trường hợp đó, Kiev có thể sẽ từ bỏ. Xung đột sẽ tiếp tục, người Mỹ sẽ ngừng tham gia và tình hình của Ukraine sẽ thực sự trở nên cực kỳ khó khăn”, kênh truyền hình cho biết.

Trong bối cảnh này, các đồng minh châu Âu của Ukraine đang cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Trump. Theo tờ Financial Times, họ lo ngại rằng, Tổng thống Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với Điện Kremlin mà không tính đến lợi ích của Ukraine. Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Italy đã gọi điện cho ông Trump để trao đổi ý kiến.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh chia sẻ với Reuters rằng, cuộc đối thoại bao gồm các cuộc thảo luận về các lệnh trừng phạt mới, "nếu Nga không nghiêm túc về lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình".

"Tổng thống Putin phải thể hiện mong muốn hòa bình bằng cách chấp thuận lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày do Tổng thống Trump đề xuất và được Ukraine và châu Âu ủng hộ", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên mạng xã hội.

Kiev và các đồng minh châu Âu cũng lo ngại rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ rút khỏi tiến trình này hoàn toàn nếu không thể đạt được giải pháp nhanh chóng.

"Điều này sẽ ngăn chặn hoặc làm giảm sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, mang lại cho Moskva lợi thế lớn hơn nữa trên chiến trường", tờ Financial Times lưu ý.

Trao đổi với RT, nhà khoa học chính trị Nga Malek Dudakov giải thích: “Chính quyền Mỹ hiện tại không muốn tính đến châu Âu và Ukraine, vì họ đang thua cuộc. Hơn nữa, Tổng thống Trump hiểu rằng, nếu ông chấp nhận các điều kiện của những "người diều hâu” ở châu Âu, ông sẽ không thể đồng ý về bất cứ điều gì với Nga và tự coi mình là người gìn giữ hòa bình”.

Điều đáng chú ý, Mỹ khá lạc quan về các cuộc tiếp xúc cấp cao sắp tới. Đặc phái viên của ông Trump, Steve Witkoff, trả lời cuộc phỏng vấn của ABC News cho rằng: “Tôi nghĩ Tổng thống Trump cho rằng, việc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Putin là quan trọng, tin rằng, điều này sẽ giúp thay đổi tình hình theo một cách nào đó và đạt được những gì chúng ta cần đạt được”.

Nhà khoa học chính trị Vladimir Kornilov tin rằng, những cuộc tiếp xúc sắp tới giữa ông Trump và ông Putin đang khiến Ukraine và châu Âu lo ngại vì lo ngại nhà lãnh đạo Nga sẽ có thể thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng về sự vô ích của việc tiếp tục ủng hộ chính quyền ông Zelensky.

Mỹ Nga