7 ứng dụng nên gỡ bỏ trên Smart TV
TV thông minh (Smart TV) mang đến nhiều tiện ích giải trí, nhưng không phải ứng dụng nào cũng thật sự cần thiết. Dưới đây là 7 ứng dụng bạn nên cân nhắc gỡ bỏ để tối ưu hiệu suất của thiết bị.
Khi thiết lập một chiếc TV thông minh mới, bạn gần như không thể tránh khỏi một “rừng” các ứng dụng được cài sẵn mà mình chẳng hề yêu cầu.

Chúng không chỉ làm rối giao diện, chiếm dung lượng lưu trữ mà còn có thể khiến thiết bị vận hành chậm chạp. Vì thế, việc gỡ bỏ những ứng dụng không cần thiết là bước quan trọng để nâng cao trải nghiệm sử dụng.
1. Ứng dụng nhà thông minh của nhà sản xuất
Một trong những ứng dụng đầu tiên người dùng nên gỡ bỏ là ứng dụng nhà thông minh do chính hãng TV phát triển. Dù được quảng bá là công cụ điều khiển trung tâm cho TV và các thiết bị khác trong hệ sinh thái nhưng những ứng dụng này thường vừa nặng nề, hạn chế tính năng, lại không thật sự cần thiết.
Nếu bạn đã sử dụng các nền tảng như Google Home, Amazon Alexa hoặc Apple HomeKit, thì phần lớn các TV thông minh hiện nay đều tương thích tốt mà không cần đến phần mềm độc quyền của nhà sản xuất.
Thực tế, những ứng dụng “cây nhà lá vườn” này hiếm khi mang lại giá trị bổ sung so với các chức năng sẵn có trên menu cài đặt hoặc điều khiển từ xa. Tệ hơn, chúng thường yêu cầu tạo tài khoản riêng, xin nhiều quyền truy cập không cần thiết và có xu hướng thu thập dữ liệu trong nền mà người dùng khó kiểm soát.
2. Ứng dụng xem kênh do nhà sản xuất phát triển
Tiếp theo trong danh sách bị loại bỏ là các ứng dụng xem kênh được cài sẵn như TCL Channel, Samsung TV Plus, LG Channels,…thoạt nhìn giống những dịch vụ truyền hình miễn phí hấp dẫn, nhưng thực chất đa phần chỉ chứa nội dung kém chất lượng như các chương trình phát lại, video trích từ web hoặc những bộ phim kinh phí thấp ít người biết đến.

Ảnh: Internet.
Một số ứng dụng tự động khởi chạy khi bật TV, số khác chiếm diện tích trên màn hình chính và phần lớn tồn tại chỉ để phát nội dung có chèn quảng cáo. Chúng tập trung thu hút sự chú ý của người dùng nhằm kiếm tiền từ quảng cáo, thay vì mang đến trải nghiệm giải trí thực sự, nhất là khi bạn đã đăng ký các dịch vụ như Netflix, Disney+ hay Amazon Prime Video.
Việc gỡ bỏ những ứng dụng này giúp TV khởi động nhanh hơn, giao diện gọn gàng hơn và trải nghiệm xem cũng trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.
3. Cửa hàng ứng dụng độc quyền
Dù hầu hết TV thông minh hiện nay chạy trên các nền tảng phổ biến như Google TV, Fire TV,…nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn tích hợp thêm cửa hàng ứng dụng riêng của họ.
Tuy nhiên, thay vì mang lại trải nghiệm tốt hơn, những cửa hàng này thường chỉ cung cấp một danh sách ứng dụng nghèo nàn, bị kiểm soát chặt chẽ và đầy rẫy nội dung được tài trợ cùng phần mềm rác.
Tệ hơn, một số cửa hàng còn âm thầm cài đặt ứng dụng mà người dùng không hề yêu cầu, hiển thị quảng cáo và tự động phát video trên màn hình chính, tất cả đều khiến trải nghiệm trở nên lộn xộn và kém mượt mà.
Do đó, người dùng nên gỡ bỏ ứng dụng cửa hàng độc quyền nếu có thể, và chỉ sử dụng kho ứng dụng chính thức đi kèm với nền tảng TV. Trong trường hợp không thể gỡ bỏ thì nên tắt cập nhật tự động và loại bỏ biểu tượng của cửa hàng khỏi màn hình chính để lấy lại sự gọn gàng.
4. Các ứng dụng mạng xã hội
Về lý thuyết, bạn hoàn toàn có thể chạy Facebook, TikTok hoặc một số nền tảng mạng xã hội khác trên TV thông minh. Nhưng trên thực tế, trải nghiệm này thường tệ hơn mong đợi.
Giao diện không được tối ưu cho màn hình lớn, việc điều hướng bằng remote rườm rà, và thao tác nhập liệu thì chậm chạp, khó chịu, tất cả khiến những ứng dụng này trông như một tính năng bị “nhồi” vào cho có.

Bạn gần như không thể đăng bài hay phản hồi hiệu quả, việc xem ảnh và video cũng thiếu linh hoạt. Tệ hơn, nhiều ứng dụng vẫn âm thầm hoạt động ngầm như gửi yêu cầu đến máy chủ, theo dõi hành vi người dùng và tự động tải nội dung mới, ngay cả khi bạn không mở chúng.
Vì vậy, đây là những ứng dụng nên gỡ bỏ ngay từ đầu, không chỉ vì chúng kém thực tế mà còn do rủi ro bảo mật. Nhập thông tin tài khoản mạng xã hội trên TV thông minh, vốn không được bảo vệ tốt như điện thoại hay máy tính, là điều không đáng mạo hiểm.
5. Các ứng dụng mua sắm
Nếu bạn bắt gặp các ứng dụng như Amazon, Walmart hay thậm chí là những nền tảng mua sắm lạ hoắc được cài sẵn trên TV thông minh của mình thì nên xóa chúng ngay lập tức.
Ý tưởng mua sắm từ TV nghe có vẻ hiện đại và tiện lợi, nhưng thực tế lại là một trải nghiệm cồng kềnh, chậm chạp và thiếu trực quan. Giao diện thường được thiết kế để thúc đẩy giao dịch hơn là mang lại một quy trình mua sắm hiệu quả.
Vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ, chúng gần như không liên quan gì đến trải nghiệm xem của bạn. Có thật sự cần một cửa hàng trực tuyến luôn nằm cách Netflix chỉ một cú nhấp chuột?
Đối với phần lớn người dùng, câu trả lời là không. Thay vào đó, những ứng dụng này chiếm bộ nhớ, âm thầm chạy nền, và đôi khi còn gửi thông báo hoặc chèn biểu ngữ quảng cáo lên màn hình, phá vỡ không gian giải trí của bạn.
Việc gỡ bỏ chúng giúp làm gọn danh sách ứng dụng, giảm thiểu sự phân tâm và giải phóng tài nguyên hệ thống, một bước nhỏ nhưng đáng giá để TV thông minh của bạn hoạt động mượt mà hơn và đúng chức năng là phục vụ cho việc giải trí, không phải là để mua sắm.
6. Các ứng dụng trò chơi
Dù là game xếp hình đơn giản, đua xe hay những phiên bản solitaire đầy quảng cáo, các trò chơi được cài sẵn trên TV thông minh thường nằm trong danh sách bạn nên xóa đầu tiên.
Phần lớn trong số này không mang lại trải nghiệm chơi game thực sự, điều khiển chậm chạp, giao diện lạc hậu và liên tục chen ngang bởi quảng cáo. Thậm chí, một số còn tích hợp các gói mua hàng trong ứng dụng nhắm vào trẻ nhỏ, gây lo ngại về chi phí phát sinh không kiểm soát.

Không dừng lại ở đó, nhiều trò chơi còn tự động chạy ngầm hoặc cập nhật âm thầm, tiêu tốn băng thông và chiếm dung lượng lưu trữ quý giá, tất cả chỉ để duy trì một trải nghiệm mà đa số người dùng sẽ chẳng bao giờ đụng đến.
7. Các ứng dụng tin tức và thể thao
Trên nhiều TV thông minh, các ứng dụng tin tức và thể thao thường được cài đặt sẵn. Tuy nhiên, đa phần yêu cầu đăng nhập dịch vụ truyền hình để mở khóa nội dung, đồng thời liên tục chạy các bản cập nhật nền cho tin tức hoặc điểm số mà bạn có thể chẳng mấy quan tâm.
Việc xóa các ứng dụng này không chỉ giúp giao diện TV trở nên gọn gàng, mà còn tránh cho bạn khỏi sự phân tâm bởi các thông báo không mong muốn hay cảm giác bị “ép” phải xem những nội dung không hứng thú.
Khi cần cập nhật tin tức hay theo dõi kết quả thể thao, bạn sẽ chủ động tìm kiếm thông tin thay vì để TV quyết định khi nào và nội dung gì phải xem. Điều này giúp trải nghiệm giải trí trở nên tự do và dễ chịu hơn rất nhiều.
Tóm lại, việc gỡ bỏ các ứng dụng cài sẵn không cần thiết trên TV thông minh không chỉ giúp giải phóng bộ nhớ, cải thiện hiệu suất hệ thống, mà còn cho phép bạn cá nhân hóa trải nghiệm theo cách mình mong muốn.