Kinh tế

Đưa nước vượt núi Động Trằm 'hồi sinh' vùng đất 'khát' Nghi Văn

Tiến Đông 22/05/2025 08:11

Nơi vùng đất giáp ranh giữa huyện Yên Thành và huyện Nghi Lộc, một công trình thủy lợi đặc biệt đang từng bước thành hình. Đó là công trình trạm bơm Sơn Thành, mang ý nghĩa lớn khi đưa nước vượt núi Động Trằm về tưới cho vùng đất Nghi Văn (Nghi Lộc) từ lâu đã chịu cảnh thiếu nước kéo dài.

Vùng đất "khát"

Chúng tôi có mặt tại xã Nghi Văn một ngày giữa tháng 5/2025, khi cái nắng đầu Hè đã bắt đầu chiếu gay gắt. Đây là vùng đất nằm ở phía Tây huyện Nghi Lộc, tiếp giáp các huyện Yên Thành và Đô Lương. Là nơi từng được xem là vùng kinh tế mới của huyện Nghi Lộc, tuy vậy, điều kiện thủy lợi tại đây lại vô cùng hạn chế.

Lâu nay, toàn xã Nghi Văn chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa tự nhiên được lưu giữ tại 19 hồ, đập nhỏ. Những năm thời tiết khắc nghiệt, các hồ trơ đáy, người dân đành phải cầm cự bằng giếng khơi hoặc bỏ hoang vụ mùa.

bna_15.jpg
Cánh đồng rộng lớn của xã Nghi Văn lâu nay thường chỉ sản xuất được 1 vụ lúa vì thiếu nước tưới. Ảnh: Tiến Đông

Ông Đoàn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Nghi Văn có diện tích đất nông nghiệp lên đến 932 ha, trong đó có 513 ha đất 2 lúa, còn lại là đất màu và các loại đất trồng cây lâu năm khác. Cách đây khoảng 10 năm, trên địa bàn, diện tích đất 2 lúa chỉ sản xuất được 1 mùa, còn lại là phải bỏ hoang. Mấy năm gần đây, diện tích đất sản xuất 2 vụ lúa tăng lên, nhưng cũng rất thất thường, vì vào vụ hè thu, nhiều diện tích không có nước tưới.

Ông Dũng lý giải, xã Nghi Văn không nằm trong vùng tưới của các trạm bơm truyền thống và thường xuyên đối mặt với khô hạn. Bởi hệ thống trạm bơm của huyện Nghi Lộc phụ thuộc vào nguồn nước điều tiết từ cống Nam Đàn chảy qua hệ thống kênh Gai không tới được xã Nghi Văn. Trong khi đó, hệ thống Thủy lợi Bắc dẫn nước từ Bara Đô Lương về các cánh đồng Diễn - Yên - Quỳnh lại không thể tưới sang được mảnh đất này vì bị ngăn cách bởi nhiều dãy núi.

Đập Nậu
Các hồ, đập ở xã Nghi Văn thường xuyên bị khô cạn. Trong ảnh là đập Nậu có trữ lượng nước rất ít. Ảnh: Quang An

Dù có 19 hồ, đập lớn nhỏ, chiếm gần 50% lượng hồ, đập của toàn huyện Nghi Lộc, trớ trêu thay, trên địa bàn chỉ có hồ Lạch Bưởi, nằm ở phía Nam của xã, thuộc quản lý của Xí nghiệp Thủy lợi Nghi Lộc là có khả năng tích trữ nước lớn. Dù vậy, lượng nước của hồ này cũng rất bấp bênh. Còn lại 18 hồ thuộc địa phương quản lý thì trữ lượng nước rất thấp.

Ông Đoàn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nghi Văn

Chính lý do này mà xã Nghi Văn luôn được xem là vùng đất "khát" của huyện Nghi Lộc. Ngoài việc thiếu nước tưới tiêu cho cây trồng, hoa màu, nguồn nước dùng cho sinh hoạt của nhân dân cũng như các loại vật nuôi đều bị ảnh hưởng.

Những năm gần đây, người dân xã Nghi Văn thậm chí phải sử dụng giếng khoan có độ sâu từ 40-60m mới có đủ nước dùng cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Kỳ vọng từ công trình lịch sử

Trước tình thế cấp bách của việc "giải khát" cho xã Nghi Văn, ngày 7/7/2023, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó, có Dự án Xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh xã Sơn Thành, huyện Yên Thành và xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc.

Dự án này có tổng mức đầu tư 85 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT (nay là Sở NN&MT) làm chủ đầu tư. Vào ngày 11/1/2025, dự án chính thức được khởi công và dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2025.

bna_11.png
Bản đồ hướng tuyến của Dự án Xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh xã Sơn Thành, huyện Yên Thành và xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Tiến Đông

Mục tiêu của dự án là lấy nước từ hệ thống kênh N2 thuộc hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An (chảy qua các huyện Yên Thành, Diễn Châu), đưa nước vắt qua dãy núi Động Trằm (ngăn cách giữa xã Sơn Thành và xã Nghi Văn), để phục vụ tưới tiêu cho hơn 700 ha đất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho gần 14.000 nhân khẩu tại xã Sơn Thành và xã Nghi Văn.

Để thực hiện được mục tiêu này, dự án sẽ xây dựng hệ thống đầu mối trạm bơm gồm: Kênh dẫn vào trạm bơm (dẫn nước từ kênh N2 vào bể hút trạm bơm dài 1,6 km); Hệ thống nhà trạm, bể hút, bể xả, máy bơm, ống đẩy, ống hút, nhà quản lý, đường điện vận hành; Hệ thống kênh sau bể xả (bằng đường ống HDPE chôn dưới đất); Hệ thống kênh thông hồ.

Điều đặc biệt là nguồn nước từ kênh N2, sau khi được dẫn về Trạm bơm Sơn Thành, sẽ được bơm lên cao vào các bể xả, sau đó, dẫn vào các hồ chứa có sẵn. Trong đó, có 2 hồ ở xã Sơn Thành là hồ Cây Tàng và hồ Hồ. Tại xã Nghi Văn, nước từ bể xả số 1 sẽ được dẫn qua đường ống dài hơn 2,6 km để đổ vào hồ Khe Lim, sau đó, từ hệ thống kênh sẽ dẫn sang hồ Vũng Trắng và hồ Vũng Cầu.

bna_12.png
Vị trí các hạng mục của công trình nhìn từ bản đồ vệ tinh. Ảnh: Tiến Đông

Chính việc đưa nước vượt núi mà đây được xem là công trình lịch sử, phục vụ cho một vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng mà trước đây phải luôn trông chờ vào nguồn nước tự nhiên. Dự án này cũng được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao, nâng cao đời sống của người dân.

Ông Trần Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết: Để thực hiện dự án này, có 15.410m2 đất lúa nước 2 vụ và 15.186m2 đất rừng phòng hộ phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện nay, các địa phương nơi có dự án đi qua đang đẩy nhanh tiến độ để thực hiện công tác GPMB. Đồng thời, các đơn vị thi công cũng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ ở những vị trí đã có mặt bằng.

bna_2(2).jpg
Trạm bơm tại xã Sơn Thành đang được thi công. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, do thời điểm này đang trùng với cao điểm sản xuất nông nghiệp của người dân, nên phía đại diện chủ đầu tư cũng đã đề nghị nhà thầu thi công điều chỉnh phương án tổ chức thi công linh hoạt.

Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thi công ưu tiên thi công các hạng mục đã có mặt bằng; chủ động phân đoạn thi công để không bị động chờ mặt bằng toàn tuyến. Rà soát, đề xuất phương án thi công tạm thời để vừa đảm bảo sản xuất của người dân, vừa không đình trệ thi công công trình.

Ông Trần Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An

Có thể thấy rằng, Dự án Xây dựng trạm bơm và hệ thống kênh xã Sơn Thành, huyện Yên Thành và xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc là một công trình đặc biệt. Chính vì thế, đòi hỏi chủ đầu tư, cũng như các địa phương liên quan cần tuân thủ việc hoàn thành đúng tiến độ, góp phần đưa dự án sớm đi vào vận hành và phát huy hiệu quả cao nhất. Đó cũng sẽ là "cú hích" lớn cho chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững.

Tiến Đông