Đại biểu Quốc hội: Nhân dân Nghệ An đồng thuận cao với chính sách miễn học phí
Đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, chính sách này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn từ nhân dân và cử tri.
.jpg)
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Chi trả hỗ trợ học phí trực tiếp cho người học
Thảo luận tại tổ về hai nghị quyết liên quan đến chính sách giáo dục, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải ban hành các nghị quyết này.
Đại biểu nhấn mạnh, các chính sách được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ tinh thần nhân văn và tính ưu việt của chế độ ta.

Từ thực tiễn tiếp xúc cử tri tại địa phương, bà cho biết, cử tri đặc biệt quan tâm và kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua chính sách miễn, hỗ trợ học phí trong kỳ họp này. “Tại Nghệ An, một tỉnh còn nhiều khó khăn, có truyền thống hiếu học, các chính sách này nhận được sự đồng thuận và ủng hộ rất lớn từ nhân dân”, đại biểu nhấn mạnh.
Về dự thảo Nghị quyết liên quan đến miễn, hỗ trợ học phí, đại biểu góp ý về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Theo đó, dự thảo quy định rất rõ việc miễn, hỗ trợ học phí áp dụng cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, khái niệm "cơ sở giáo dục" hiện nay chưa được quy định một cách thống nhất; trong Luật Giáo dục chỉ điều chỉnh riêng biệt theo từng cấp học, ví dụ: Cơ sở giáo dục mầm non, Cơ sở giáo dục phổ thông, Cơ sở giáo dục đại học, Cơ sở giáo dục thường xuyên, Cơ sở giáo dục khác.
Mặt khác, trong dự thảo Nghị quyết cho biết, một trong các đối tượng được áp dụng của chính sách trên là “cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông”. Tuy vậy, theo Luật Giáo dục, "cơ sở giáo dục khác" bao gồm: nhóm trẻ, nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp xóa mù chữ, lớp dành cho trẻ khuyết tật, trẻ em khó khăn.
Từ các phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh và khái niệm "cơ sở giáo dục khác" để khi áp dụng được thuận lợi.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng tán thành với quy định nguồn kinh phí thực hiện do Nhà nước bảo đảm, theo phân cấp ngân sách hiện hành. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, đảm bảo tính công bằng và phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, bà băn khoăn khi nghị quyết dự kiến áp dụng từ năm học 2025 - 2026, trong khi dự toán ngân sách năm 2025 hiện chưa có mục chi cụ thể cho chính sách này. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm bố trí kinh phí để triển khai kịp thời, tránh chậm trễ gây băn khoăn trong nhân dân.
Về phương thức chi trả, bà An Chung cho biết, dự thảo chưa quy định cụ thể mà giao Chính phủ hướng dẫn. Đại biểu đồng tình với đề xuất của Ủy ban Văn hóa - Xã hội là nên chi trả trực tiếp cho người học.
Cách làm này giúp giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tránh dồn trách nhiệm cho giáo viên, những người không có chuyên môn kế toán và hạn chế tình trạng chậm trễ, tồn đọng kinh phí như từng xảy ra với một số chính sách trước đây.
Liên quan đến hiệu lực thi hành, dự thảo quy định áp dụng từ năm học 2025 - 2026 “cho đến khi có quy định khác”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm này bởi theo nguyên tắc pháp luật, khi có văn bản mới thay thế, văn bản cũ đương nhiên hết hiệu lực; đồng thời tránh tạo tâm lý hoài nghi rằng chính sách sẽ thay đổi sớm, làm giảm niềm tin vào tính ổn định của chính sách.
Tính toán kỹ nguồn lực để chính sách ổn định, lâu dài
Phát biểu thảo luận tại Quốc hội về hai dự thảo nghị quyết liên quan chính sách giáo dục, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội bàn đến chủ trương miễn học phí cho giáo dục phổ thông.
Theo ông, đây là bước tiến lớn, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư cho con người, mục tiêu phát triển bền vững và nhân văn của chế độ ta.

Góp ý cụ thể, đại biểu cho rằng việc miễn học phí cho học sinh trường công lập là phù hợp, được xã hội đồng thuận cao. Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các trường ngoài công lập, cần có quy định mức hỗ trợ thống nhất trên toàn quốc, tương đương với học phí trường công. Điều này nhằm bảo đảm công bằng, tránh chênh lệch giữa các địa phương.
Liên quan đến tính bền vững của chính sách, tướng Thuận đề nghị Chính phủ tính toán kỹ nguồn lực để chính sách được duy trì ổn định, lâu dài, đồng thời từng bước mở rộng các hỗ trợ khác. Ông cũng kiến nghị cần có thêm chính sách đặc thù cho học sinh vùng sâu, vùng xa, ngoài học phí như hỗ trợ thêm điều kiện học tập.
Về phổ cập giáo dục mầm non, đại biểu đồng tình trước mắt nên tập trung vào độ tuổi từ 3 đến 5. Tuy nhiên, trong lộ trình mở rộng, cần tính đến điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. "Ví dụ như Hải Phòng hiện nay có điều kiện phát triển tốt, đủ khả năng thực hiện sớm", ông dẫn chứng.

Thảo luận tại Quốc hội về hai dự thảo nghị quyết liên quan chính sách giáo dục, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ khía cạnh pháp lý khi mở rộng đối tượng miễn học phí và phổ cập giáo dục mầm non từ 3 tuổi và chính sách miễn, giảm học phí.
Vì các nội dung về phổ cập giáo dục và miễn, hỗ trợ học phí đã được quy định trong Luật Giáo dục, do đó, việc mở rộng xuống nhóm trẻ từ 3 tuổi hay mở rộng đối tượng được miễn, hỗ trợ học phí thông qua các nghị quyết của Quốc hội cần được cần được rà soát kỹ về hình thức văn bản và tính thống nhất. Nếu cần thiết, có thể tính đến việc sửa đổi Luật Giáo dục để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đáng chú ý, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phản ánh thêm một vấn đề từ cử tri: học phí học phần giáo dục quốc phòng - an ninh trong chương trình đại học. Đây là môn học bắt buộc, mang tính chính sách chung của Nhà nước, nhưng hiện nay một số trường đại học tự chủ đang thu học phí quá cao, có nơi lên tới 20 triệu đồng/học phần. Điều này gây áp lực tài chính lớn cho sinh viên và gia đình. Vị đại biểu đoàn Nghệ An kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét miễn học phí học phần này cho sinh viên.