Lòng đường biến thành sân phơi lúa, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông
Tại nhiều địa phương ở Nghệ An đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa vụ Xuân. Và kéo theo đó tình trạng phơi lúa trên các tuyến đường giao thông đã và đang diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tại huyện Diễn Châu, người dân tận dụng nhiều tuyến đường làm nơi phơi lúa. Điển hình tại xã Diễn Nguyên (Diễn Châu), người dân phơi lúa trên các trục đường chính của xã. Cành cây, lốp xe... được dùng để làm dấu hiệu cảnh báo nhưng thực tế lại trở thành những vật cản nguy hiểm.

Vào giờ tan học, học sinh qua lại những đoạn đường này phải len lỏi giữa các chướng ngại vật. Thậm chí, có người còn đưa cả máy tuốt lúa ra giữa lòng đường để làm việc, chắn ngang tuyến đường liên xã Diễn Nguyên - Diễn Cát, gây ách tắc giao thông.

Tương tự như nhiều nơi khác, tại huyện Đô Lương, người dân cũng tận dụng lòng đường để phơi lúa sau thu hoạch. Trên tuyến Quốc lộ 7 - nơi có mật độ phương tiện lưu thông cao - người dân xã Đặng Sơn phơi lúa ngay giữa lòng đường.
.jpeg)
Ông Nguyễn Minh Kiên, một người dân địa phương, chia sẻ: “Phơi lúa sau vụ mùa là nhu cầu thiết yếu, tuy nhiên bà con cần lựa chọn địa điểm và thời điểm phù hợp. Thay vì chiếm dụng lòng đường, nên tận dụng sân vận động xã, sân hội quán... để đảm bảo an toàn giao thông”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên tuyến Quốc lộ 7C, đoạn qua xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, khi người dân phơi lúa kéo dài dọc tuyến đường, bất chấp lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc.

Thời điểm này, dọc tuyến đường lên cửa khẩu Thanh Thủy người dân phơi ngô, lúa tràn ra cả lòng đường, làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người, phương tiện. Một nông dân địa phương chia sẻ: "Gia đình chúng tôi không có sân phơi, chỉ có mái che trên sân. Trong khi thời tiết luôn thay đổi thất thường, nếu không tranh thủ những lúc trời nắng để phơi thóc thì chỉ sau vài ngày, thóc sẽ bị ẩm ướt và mọc mầm. Vì vậy, dù biết là vi phạm, chúng tôi vẫn phải đưa thóc ra đường để phơi".

Anh Trần Văn Thế, một lái xe ở huyện Thanh Chương, cho biết: "Tôi thường xuyên chở hàng qua đây và thấy nhiều đoạn đường bà con tận dụng để phơi thóc sau mùa thu hoạch. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông".
Ông Hà Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Trước mùa thu hoạch lúa, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc không phơi rơm rạ, thóc, hay để máy tuốt lúa trên lòng, lề đường giao thông. Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực tuyên truyền, tình trạng phơi lúa trên đường vẫn không thể tránh khỏi.

Tại huyện Yên Thành, nhiều tuyến đường bị người dân tận dụng làm nơi phơi lúa. Điển hình như tuyến đường nối từ đền chùa Gám đến Thiền viện Trúc Lâm (xã Xuân Thành), nơi nhiều hộ dân đang đưa lúa ra phơi ngay giữa lòng đường.
Nghiêm trọng hơn, một số hộ còn dùng vật cản để chặn xe, ngăn phương tiện đi qua khu vực phơi lúa, gây cản trở nghiêm trọng đến lưu thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Ông Phan Hoàng Thụ - Chủ tịch UBND xã Xuân Thành cho biết, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không phơi lúa trên các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, do phần lớn nhà các hộ dân phần sân đều lợp mái tôn nên không thể phơi lúa. Vì vậy, người dân đã đưa lúa ra đường để phơi.

Không chỉ ở các huyện kể trên, dọc tuyến Quốc lộ 46C qua địa bàn các huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn, người dân cũng biến mặt đường thành “sân phơi" với nông sản phủ vàng hai bên đường.

Để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, đã đến lúc chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.