Kinh tế

Nghệ An nỗ lực thu ngân sách năm 2025

Trân Châu 25/05/2025 17:46

Kết thúc tháng 4/2025, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt gần 9.000 tỷ đồng, tương đương hơn 50% dự toán năm...

Kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Nghệ An và Cục Thuế tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 8.980 tỷ đồng, đạt 50,7% so với dự toán năm 2025 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước...

Trung bình mỗi ngày ngân sách thu về gần 75 tỷ đồng, cho thấy nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị và các ngành chức năng trong bối cảnh còn nhiều biến động từ kinh tế trong nước và thế giới.

 san-xuat-duong-kinh-o-nha-may-duong-na-su-anh-q.a
Sản xuất đường kính tại Nhà máy đường Na Su. Ảnh: Quang An

Trong kết quả trên, thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 8.389 tỷ đồng, đạt 52,4% dự toán năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, thu từ tiền sử dụng đất đạt 2.960 tỷ đồng, hoàn thành 65,8% kế hoạch, mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ. Nếu loại trừ hai khoản thu biến động là tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, thu nội địa thực chất đạt 5.411 tỷ đồng, bằng 47,1% dự toán và tăng mạnh 19,2% so với cùng kỳ năm 2024 – mức tăng trưởng thể hiện tín hiệu tích cực từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ở lĩnh vực hải quan, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu do Cục Hải quan Nghệ An thực hiện đạt 522,6 tỷ đồng, hoàn thành 32,1% dự toán và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù số thu từ lĩnh vực này chưa thực sự bứt phá, nhưng tăng trưởng dương cũng cho thấy tiềm năng của khu vực kinh tế mở và vai trò ngày càng quan trọng của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.

bna_ng.jpeg
Giao dịch tại ngân hàng với các hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh: Trân Châu

Năm 2025, Nghệ An đặt ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước đạt 26.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa không bao gồm tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết là 13.955 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất khoảng 10.270 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 1.650 tỷ đồng.

img_7198.jpeg
Biểu đồ về mục tiêu thu ngân sách năm 2025 của Nghệ An. Đồ hoạ: Hồng Toại

Con số này cao hơn nhiều so với dự toán được giao là 17.726 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 126/NQ-HĐND ngày 6/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 được giao là 17.726 tỷ đồng); vì thế mục tiêu thu ngân sách 26.000 tỷ đồng, thể hiện quyết tâm và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đó trong bối cảnh hiện nay không phải không có những khó khăn. Tốc độ thu trong 4 tháng đầu năm dù đạt trên 50% dự toán nhưng phần lớn nhờ vào các khoản thu một lần như tiền sử dụng đất. Các nguồn thu bền vững từ sản xuất, kinh doanh vẫn đang chịu tác động từ giá cả đầu vào, lãi suất tín dụng và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương đang chững lại.

Thu từ tiền sử dụng đất tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại là khoản thu không ổn định, dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Trong 4 tháng đầu năm, khoản thu này giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2024. Tiến độ thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu mới chỉ đạt hơn 32% dự toán. Một số mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, nguyên liệu dệt may, khoáng sản xuất khẩu… chưa đạt mức kỳ vọng. Đồng thời, căng thẳng thương mại và biến động giá cả hàng hóa thế giới vẫn phức tạp.

Trong khi đó, chi ngân sách tăng cao, ước tính trong 4 tháng đầu năm 2025, chi ngân sách của Nghệ An 16 tỷ đồng, đạt 38,6% dự toán. Các khoản chi lớn như đầu tư công, chi thường xuyên, chi an sinh xã hội… khiến ngân sách địa phương chịu nhiều áp lực cân đối.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An cho biết, thời gian qua, sản xuất, kinh doanh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lo lắng thời gian sắp tới giá thuê đất có thể tăng cao, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Nghệ An đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa ổn định. Một số doanh nghiệp vẫn gặp khó về lao động, đơn hàng, ảnh hưởng đến nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng...

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã thực hiện các hoạt động kinh tế chia sẻ như Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác và cả Công ty cổ phần VIMC Logistics nhằm tận dụng thế mạnh của nhau, cung cấp các dịch vụ logisic để gia tăng khách hàng. Vận tải đường sắt chia sẻ với hàng không khi sân bay Vinh tạm dừng khai thác. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã phối hợp tổ chức các hội chợ việc làm để góp phần giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp.

Giải pháp?

Lãnh đạo ngành Tài chính Nghệ An cho biết: Trước những khó khăn và thách thức đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì đà tăng trưởng thu ngân sách, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm: Tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách: rà soát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế và nợ đọng thuế; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục pháp lý, tín dụng và lao động để doanh nghiệp phát triển ổn định, đóng góp lâu dài vào ngân sách.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để kích thích tổng cầu, tạo công ăn việc làm và tăng thu ngân sách từ sản xuất.

Các tổ công tác thường xuyên bám địa bàn, cơ sở, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời. UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan, kho bạc nhằm minh bạch hóa quá trình thu – chi ngân sách, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phát triển quỹ đất sạch, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, quy hoạch và tổ chức đấu giá đất, nhằm tăng thu từ tiền sử dụng đất một cách ổn định và minh bạch.

Vận chuyển hàng hóa qua Cảng Cửa Lò. Ảnh: Châu Lan
Vận chuyển hàng hóa qua Cảng Cửa Lò. Ảnh: Châu Lan

Nghệ An hiện vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng đạt 10,5% trong năm 2025. Bên cạnh đó, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sự đồng hành của doanh nghiệp, sự năng động của chính quyền và chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ là yếu tố then chốt để Nghệ An tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và thu ngân sách đạt mục tiêu./.

Trân Châu