Bảo vệ người tiêu dùng trước 'ma trận' hàng giả, hàng nhái
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả, hóa mỹ phẩm, thực phẩm kém chất lượng bị phát hiện, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Tràn lan hàng giả, hàng nhái
Cuối tháng 5, khảo sát tại TP. Vinh cho thấy, tình trạng bày bán hàng giả, hàng nhái khá nhiều, đặc biệt là các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, ví da, bánh kẹo... Tại một cửa hàng trong khu vực chợ Vinh, phần lớn sản phẩm đều là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Gucci, Louis Vuitton… với mức giá chỉ từ 250.000 - 300.000 đồng/chiếc, trong khi hàng chính hãng có giá hàng triệu đến hàng chục triệu đồng.
Tại thị trấn Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ), nhiều đồ điện gia dụng giả, không rõ nguồn gốc như chảo rán, nồi cơm điện, điều khiển tivi… được bán tràn lan với giá rẻ. Cụ thể, chảo không nhãn mác giá chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng/chiếc; nồi cơm điện gắn mác Sharp, Cuckoo giá chỉ 550.000 đồng/chiếc (trong khi hàng thật gần 2 triệu đồng); điều khiển tivi Samsung giả có giá 150.000 đồng/chiếc, chưa bằng một nửa giá chính hãng.

Tại thị trấn Diễn Thành (huyện Diễn Châu), ví da, phụ kiện thời trang như thắt lưng, mũ, dép… nhái các thương hiệu Burberry, Lacoste, Gucci, Chanel, Hermes, Dior, Ferragamo… xuất hiện phổ biến. Người bán cho biết, túi xách Chanel nhái có giá chỉ 500.000 đồng/chiếc, chủ yếu nhập từ Quảng Đông (Trung Quốc), trong khi hàng thật có giá từ 10 - 15 triệu đồng.
Một siêu thị điện máy ở huyện Diễn Châu còn bày bán máy bơm nước không có nhãn mác, tem chống hàng giả với giá 1,3 - 1,5 triệu đồng/máy. Khi khách yêu cầu xuất hóa đơn, nhân viên trả lời thẳng: “Hàng ở đây không có hóa đơn”.

Tại chợ Hiếu (thị xã Thái Hòa), vali kéo được bán với giá từ 250.000 - 400.000 đồng/chiếc, nhưng đa số là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Theo người tiêu dùng, các loại vali này dễ trầy xước, hư hỏng sau vài lần sử dụng.
Ở thị trấn Yên Thành, các thiết bị điện như quạt tích điện, quạt trần, quạt treo tường… cũng không có phiếu bảo hành hay thông tin xuất xứ. Chị Nguyễn Thị Hải An cho biết, sau khi mua 1 chiếc quạt trần tại đây, sản phẩm chỉ hoạt động được vài ngày rồi hư hỏng, không được bảo hành hay sửa chữa.
Ngoài ra, khu vực này cũng xuất hiện nhiều cơ sở bán mỹ phẩm như son, phấn, nước hoa, kem chống nắng… dưới dạng “hàng xách tay” không rõ nguồn gốc. Thị trường điện thoại “lướt” (đã qua sử dụng) cũng phát triển mạnh tại Nghệ An, chủ yếu là hàng xách tay từ Hồng Kông, Singapore với mức giá rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và bảo hành.
Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng nhái
Trong vòng 2 tháng trở lại đây, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu.
Ngày 23/5, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp kiểm tra và phát hiện xe tải mang biển kiểm soát UN - 3899 do ông Lê Thành Lưu, trú tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị điều khiển, đang vận chuyển 1.240 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu tại thị xã Thái Hòa. Số mỹ phẩm này có nguồn gốc từ Thái Lan nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có phiếu công bố sản phẩm hay Giấy chứng nhận lưu hành tự do theo quy định. Ông Lưu bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng.

Trước đó, ngày 16/5, Đội Quản lý thị trường số 8 kiểm tra hộ kinh doanh B.V.P tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương và phát hiện 32 bộ quần áo thể thao nam có in nhãn hiệu “ADIDAS” giả mạo. Toàn bộ sản phẩm này bị xử phạt 10 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 22/5, Đội Quản lý thị trường số 9 tiến hành kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 37C-374.05 do ông Nguyễn Thượng D. (trú tại phường Quang Trung, TP. Vinh) điều khiển. Trên xe có 40 bộ đồ chơi trẻ em cỡ lớn không rõ nguồn gốc. Ông D. khai nhận đã mua trôi nổi số hàng trên ngoài thị trường. Đội Quản lý thị trường số 9 đã ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với hành vi này.
.jpeg)
Thị trường chưa bao giờ chứng kiến sự đa dạng, tinh vi và táo bạo của hàng giả như hiện nay, từ thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc men đến các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Những mặt hàng như kem chống nắng, mỹ phẩm làm trắng da, thực phẩm chức năng, thuốc tây, dược liệu, mắm nêm, giá đỗ ngâm hóa chất, trứng gà giả… đều bị làm giả với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Đáng lo ngại hơn, một số người nổi tiếng và các "ngôi sao mạng xã hội" bị phát hiện đã tiếp tay, quảng cáo, thậm chí trực tiếp bán hàng giả ngay trên các nền tảng như TikTok, Facebook…, gây phẫn nộ trong dư luận.
Hàng giả đang len lỏi từ trong bữa ăn đến tủ thuốc của các gia đình. Không khó để bắt gặp các mặt hàng như giá đỗ ngâm hóa chất, trứng gà giả, mắm nêm làm từ phụ gia không rõ nguồn gốc, thậm chí là lòng lợn tẩm hóa chất độc hại để "giả tươi", bày bán tràn lan tại các chợ dân sinh hoặc trên mạng xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Phong – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Các đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thường vận chuyển hàng nhỏ lẻ, ngụy trang, cất giấu tinh vi trong thùng xe, hầm xe tự chế để qua mặt lực lượng chức năng. Họ còn lợi dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, dán nhãn “hàng xách tay”, “hàng sale giá rẻ” để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đang trở thành điểm tiêu thụ lý tưởng do người dân thiếu kiến thức và thu nhập còn thấp.
Trước tình hình này, Chi cục Quản lý thị trường đang phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng phương án kiểm tra, kiểm soát thị trường, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các công chức trong đội. Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính. Đặc biệt, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường trực tuyến như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm chấn chỉnh và xử lý triệt để. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các bộ, ngành liên quan phải mở các đợt cao điểm kiểm tra, truy quét trên toàn quốc, đặc biệt là trên môi trường mạng. Thủ tướng nhấn mạnh việc kiên quyết xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Đồng thời, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, tăng cường phối hợp, chia sẻ dữ liệu, siết chặt quản lý nhập khẩu và phân phối hàng hóa.