Người tiêu dùng e dè với thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở Nghệ An. Dù đã có những khuyến cáo chính thức từ ngành chức năng về việc không nên “quay lưng” với thịt lợn, nhưng thực tế cho thấy người tiêu dùng vẫn còn nhiều e ngại, thận trọng hơn trong việc sử dụng loại thực phẩm vốn quen thuộc này.

Khoảng 11 giờ trưa, chợ Vinh (TP. Vinh) đã vãn khách nhưng quầy thịt lợn của bà Lê Thị Đạo vẫn còn nhiều. “Những ngày gần đây, sức mua sụt giảm trông thấy. Trước đây mỗi ngày tôi bán khoảng 2 tạ thịt của 3 con lợn, bây giờ chỉ mổ 1 con thôi cũng không bán hết. Khách lẻ đã ít, bếp ăn tập thể và quán hàng cũng hạn chế sử dụng thịt lợn trong thực đơn hàng ngày…”, bà Đạo cho biết.
Không chỉ riêng chợ Vinh, nhiều chợ dân sinh khác ở TP. Vinh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Anh Trần Đình Nam, một tiểu thương ở huyện Thanh Chương thường xuyên vận chuyển thịt về thành phố để bán cho biết: “Trước đây, sáng 6h chở 1 tạ thịt xuống Vinh thì khoảng 9h là hết sạch hàng do người dân chuộng thịt lợn quê, nuôi nông hộ.

Nay, khi Thanh Chương trở thành “điểm nóng” dịch tả lợn thì thịt ế hẳn. Dù đã chấp nhận giảm giá 10 – 20% so với trước và thịt tôi bán đều có giấy kiểm dịch rõ ràng, nhưng cứ nghe đến dịch là họ quay lưng, dù mình giải thích thế nào cũng không ăn thua”.
Tâm lý e dè thịt lợn trong bối cảnh dịch bùng phát không chỉ xuất hiện ở các bà nội trợ mà còn lan sang cả các quán ăn, nhà hàng. Việc thịt lợn bán chậm, giá giảm nhưng vẫn khó tiêu thụ đã tạo áp lực không nhỏ lên những người chăn nuôi và kinh doanh nhỏ lẻ.

Chị Phạm Thị Tuyết, người tiêu dùng ở phường Lê Mao (TP. Vinh) cho biết: “Tôi vẫn ăn thịt lợn nhưng phải chọn mua ở siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm sạch, nơi có tem nhãn, nguồn gốc rõ ràng. Còn thịt ngoài chợ thì tôi tạm ngưng, vì không yên tâm. Nhiều người quen cũng chuyển sang mua thịt gà hoặc cá cho an toàn”.
Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi thêm 10.000 – 20.000 đồng/kg để mua thịt tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Lý do không nằm ở giá cả mà ở niềm tin vào an toàn vệ sinh thực phẩm. Ghi nhận tại một số cửa hàng thực phẩm sạch, lượng tiêu thụ thịt lợn những ngày qua vẫn giữ ở mức ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều như tại các chợ dân sinh.

Anh Nguyễn Văn Trọng, quản lý một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Lê Nin, TP. Vinh cho biết: “Khách hàng vẫn mua đều, thậm chí một số thời điểm tăng nhẹ. Giá thịt ở đây cao hơn thị trường vì qua kiểm định, kiểm dịch đầy đủ, nhưng họ vẫn tin tưởng vì biết rõ nguồn gốc. Khi có dịch, người ta càng có xu hướng chọn nơi mua an toàn hơn là nhìn vào giá”.
Trong khi đó, ở các vùng nông thôn, tình hình cũng không mấy khả quan. Thịt lợn vốn là nguồn thực phẩm chính của nhiều hộ gia đình nhưng nay đã bị cắt giảm đáng kể trong bữa ăn. Một số người dân chuyển sang dùng thịt đông lạnh, đồ hộp hoặc các sản phẩm thay thế khác.

Về phía ngành chức năng, nhiều khuyến cáo đã được đưa ra để ổn định thị trường và hướng dẫn người dân tiêu dùng có trách nhiệm.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, thịt lợn nếu được kiểm tra, giết mổ đúng quy trình, bảo quản hợp vệ sinh thì hoàn toàn có thể sử dụng bình thường. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại trong dân vẫn khó xóa bỏ.
“Mặc dù nắm rõ thông tin về dịch tả lợn châu Phi song tôi vẫn ngại mua thịt lợn ở các chợ dân sinh. Bởi hiện nay, qua mạng xã hội, nhiều người phản ánh ở một số địa phương vẫn có tình trạng lợn dịch lọt ra ngoài, việc giết mổ vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ…”.

Tình trạng thịt lợn ế ẩm hiện nay là hệ quả của một chuỗi đứt gãy về niềm tin – từ nơi sản xuất, giết mổ, vận chuyển đến nơi tiêu dùng. Dù thịt có sạch, có an toàn nhưng nếu khâu kiểm soát không chặt, thông tin không rõ ràng, thì người tiêu dùng vẫn chọn cách phòng thủ. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực phòng, chống dịch, công khai minh bạch các điểm giết mổ đạt chuẩn, các cơ sở kinh doanh uy tín, cùng với việc tăng cường kiểm tra thị trường là giải pháp then chốt.