Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước: Tăng phân cấp, phân quyền, tính chủ động của ngân sách địa phương
Ngày 26/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế của luật hiện hành sau hơn 8 năm áp dụng. Dự thảo tập trung đổi mới phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ ngân sách địa phương.

Sau hơn 8 năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, tăng trưởng ở mức 2 con số.
Dự thảo Luật có 7 chương, gồm 76 điều, trong đó có 13 nội dung sửa đổi, hoàn thiện và có 14 nội dung bổ sung mới so với luật hiện hành.

Đặc biệt, dự thảo Luật đề xuất 5 nội dung phân cấp, phân quyền gồm: Quy định thẩm quyền Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương quyết định dự toán chi ngân sách nhà nước, chi tiết theo chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, nhưng không quyết định chi tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quyết định phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, đơn vị và địa phương chi tiết chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Quy định thẩm quyền Chính phủ được điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương (hiện hành thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội); điều chỉnh bội chi, mức vay nợ chính quyền địa phương Quốc hội đã quyết định trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước (hiện hành thuộc Quốc hội).

Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương, thủ trưởng đơn vị dự toán ngân sách về trách nhiệm giải trình liên quan đến lập, phân bổ, điều hành và quyết toán ngân sách nhà nước khi được yêu cầu.
Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật phí và lệ phí đã quy định; quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi an sinh xã hội, các chế độ, chính sách của địa phương; quyết định giao HĐND cấp xã ban hành các chính sách, chế độ phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Bổ sung quy định UBND điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương (hiện hành thuộc Thường trực HĐND); trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Đối với UBND cấp tỉnh, bổ sung thẩm quyền quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do HĐND giao.

Tại phiên thảo luận sáng 26/5, đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về ngân sách nhà nước. Đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương.
Đồng thời, phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền, trách nhiệm của từng cấp theo phương châm cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm…
Đồng thời ý kiến các đại biểu cũng góp ý vào một số nội dung. Trên cơ sở phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu và tiếp thu ý kiến phát biểu để tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong ngày làm việc, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.