Pháp luật

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Tiến Đông 26/05/2025 17:47

Chiều 26/5, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

bna_1(2).jpg
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Tiến Đông

Hội nghị do đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Đồng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Thị Thu Trang - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp; Trương Thiết Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội; cùng tất cả 20 điểm cầu cấp huyện trong toàn tỉnh.

Quyết sách đúng đắn

Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị.

bna_2(1).jpg
Đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp liên quan đến MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.

bna_trang.jpg
Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, báo cáo kết quả lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thời gian qua. Ảnh: Tiến Đông

Ngày 12/4/2025, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.

A đình
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành phần góp ý, thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Phát biểu điều hành tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào các nhóm nội dung quan trọng liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Các đại b
Đại diện các sở, ngành cấp tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Nhiều góp ý quan trọng

Tại hội nghị, đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, và một số địa phương đã đồng tình, thống nhất cao về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

bna_5(1).jpg
Ngoài việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến, thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến thông qua cổng thông tin điện tử, các cuộc hội nghị lấy ý kiến và thông qua tài khoản VEID của người dân... Ảnh: Tiến Đông

Một số ý kiến cho rằng, nên làm rõ vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên tại điều 9 của Hiến pháp, tránh sự liệt kê, trùng lặp. Một số ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa Công đoàn Việt Nam và MTTQ Việt Nam đã quy định tại Điều 9 thì không lặp lại tại Điều 10.

Đối với khoản 3 Điều 110, có hai luồng ý kiến khác nhau, một số ý kiến thì đề nghị giữ nguyên nội dung lấy ý kiến Nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại khoản 2 Điều 110 Hiến pháp hiện hành, để đảm bảo tính dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, có một số ý kiến thì cho rằng điều này là không cần thiết vì sẽ gây lãng phí về thời gian trong việc đưa ra các lựa chọn.

y kien
Đồng chí Hoàng Thị Thanh Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Một số ý kiến đề nghị, tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 cần giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Toà án Nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, vì đây là một trong những cơ chế để thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước và trong thực tiễn khi thực hiện nội dung này cũng chưa phát sinh khó khăn, vướng mắc...

A An
Đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phát biểu Kết luận tại hội nghị. Ảnh: Tiến Đông

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị ở mỗi địa phương nâng cao nhận thức, tích cực, trách nhiệm trong việc tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Trong đó tập trung vào 9 nội dung của dự thảo nghị quyết; chú trọng công tác tổng hợp, lấy ý kiến đảm bảo đầy đủ, khách quan, trên cơ sở đó gửi về UBND tỉnh thông qua Sở Tư pháp để kịp thời trình Quốc hội xem xét...

Tiến Đông