Quỳ Châu - Trang sử mới, sức mạnh mới trong hội nhập và phát triển
Trải qua 610 năm danh xưng (1415-2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quỳ Châu luôn phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, đạt được nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành điểm sáng của khu vực Tây Bắc Nghệ An trong hành trình hội nhập và phát triển.
Quỳ Châu nằm trong vùng kinh tế Phủ Quỳ, trung tâm của miền Tây Bắc Nghệ An; phía Đông giáp huyện Nghĩa Đàn và huyện Như Xuân (Thanh Hóa), phía Tây giáp huyện Tương Dương, phía Nam giáp huyện Con Cuông và Quỳ Hợp, phía Bắc giáp huyện Quế Phong và huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).
Qua nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, mùa Hạ năm Vĩnh Lạc thứ XIII (tức ngày 13 tháng 5 năm 1415), tại Giao Chỉ, phủ Diễn Châu, chính quyền nhà Minh thời Minh Thành Tổ lập thêm Châu Quỳ; danh xưng Châu Quỳ hay Quỳ Châu với tư cách là một đơn vị hành chính cấp Châu đã chính thức xuất hiện. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, vùng đất này với nhiều tên gọi khác, địa giới hành chính nhiều lần thay đổi. Từ danh xưng Châu Quỳ hay Quỳ Châu và ngày nay là huyện Quỳ Châu.

Trong suốt chặng đường lịch sử đó, đồng bào các dân tộc Quỳ Châu luôn đồng hành cùng nhân dân Nghệ An và nhân dân cả nước đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước hết sức oanh liệt của dân tộc ta.
Đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn huyện có gần 4.400 người có công với cách mạng, trong đó có 270 liệt sĩ; 180 thương, bệnh binh; có 01 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 12 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương cao quý.

Trải qua 610 năm với bao thăng trầm của lịch sử, cũng như những người con đất Việt, người dân Quỳ Châu đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, cam go đó là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, bằng tâm trí và tài năng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, người dân Quỳ Châu đồng lòng, đồng sức khắc phục khó khăn, hoá giải những thách thức, nỗ lực với nhiều quyết tâm đưa huyện Quỳ Châu phát triển lên tầm cao của công cuộc đổi mới và hội nhập.
Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 cơ bản đạt 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; quy hoạch, xây dựng khu du lịch sinh thái gắn với bảo vệ phát triển rừng cây bản địa dốc Kẻ Lè.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới vào sản xuất; thu ngân sách trên địa bàn đạt khá, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,2 triệu đồng năm 2015 lên 40,7 triệu đồng năm 2025; thu ngân sách tăng từ 24,1 tỷ đồng năm 2015 lên 45 tỷ đồng năm 2025; phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh với 10 hợp tác xã nông nghiệp, 06 làng nghề, 03 làng có nghề, 15 trang trại, 116 gia trại; công bố 17 sản phẩm OCOP. Tính đến hết năm 2024, trên địa bàn huyện có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Từ một vùng quê còn nhiều khó khăn nhưng đến nay hệ thống giao thông không ngừng được cải tạo nâng cấp, mở rộng, đáp ứng yêu cầu dân sinh. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng.
Tính từ năm 2021 đến 2024, trên địa bàn huyện đã khởi công đầu tư, xây dựng 176 công trình với tổng mức gần 695 tỷ đồng, trong đó có nhiều công trình, dự án trọng điểm góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội như: Bờ kè sông Hiếu, tuyến đường du lịch ven lòng hồ giai đoạn 1, cầu Châu Tiến, cầu Châu Thắng, cầu Châu Bính, cầu Tồng Sơn, sân vận động huyện, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An, cụm công trình văn hoá tại điểm du lịch cộng đồng Hoa Tiến và các công trình thuộc Dự án hồ chứa nước bản Mồng...

Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, tác động tích cực đến đời sống nhân dân và toàn xã hội. Toàn huyện có 100% làng, bản, khối thực hiện có hiệu quả quy ước; Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 88,6%; tỷ lệ làng bản, khối văn hóa đạt 90,5%.
Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên; cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp tăng hàng năm, là một trong những huyện đi đầu trong các huyện miền núi có nhiều học sinh giỏi của tỉnh; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 94,5%. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, 100% xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế.

Trên hành trình phát triển, phát huy giá trị của thiên nhiên và lịch sử, trên địa bàn huyện đã nổi lên nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn đã và đang tạo nên chuỗi giá trị từ nền công nghiệp không khói. Những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông trở thành điểm gọi đầu tư, điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút du khách thập phương như: Khu Di tích danh thắng Hang Bua, Khu mộ - Cây táo Đốc binh Lang Văn Thiết, Điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh bản Hoa Tiến...
Quỳ Châu còn nổi tiếng với những đặc sản ẩm thực có tiếng như: mật ong thiên nhiên, rượu mú từn, rượu nấm lim xanh Pù Huống; trà hoa vàng; thịt bò giàng, thịt trâu gác bếp, lạp sườn, măng muối tỏi ớt.
Với những thành tích đáng tự hào trong từng giai đoạn lịch sử, huyện Quỳ Châu được vinh danh bằng nhiều danh hiệu và phần thưởng xứng đáng như:
Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước năm 2015; Cờ thi đua Chính phủ năm 2020, 2023; 02 Bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An năm 2020.
Đặc biệt năm 2025, huyện vinh dự và tự hào được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế rừng và du lịch, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện.

Trong thời gian tới, tên gọi đơn vị hành chính huyện Quỳ Châu sẽ không còn nữa, nhưng trong tâm trí các thế hệ người dân, tên huyện Quỳ Châu vẫn mãi trường tồn và gắn liền với tên núi, tên sông và đi vào trong những ca khúc bất hủ, những tác phẩm văn học có giá trị và cả những công trình văn hóa, kiến trúc, lịch sử. Để rồi hình thành nên 4 tên gọi hành chính cấp xã như: Quỳ Châu, Châu Tiến, Hùng Chân và Châu Bình. Những truyền thống tốt đẹp đó sẽ không ngừng và mãi mãi được phát huy, bồi đắp.
Tiếp tục xứng đáng với danh xưng Quỳ Châu có lịch sử hơn 6 thế kỷ đã qua - một danh xưng chứa đựng tư duy canh tân, khai mở; ý chí, tầm nhìn chiến lược, khát vọng, phát triển và thịnh vượng, đáp ứng mong đợi của nhân dân huyện nhà và sự kỳ vọng đất nước.
Việc đặt tên “xã Quỳ Châu” sẽ góp phần lưu giữ những truyền thống văn hóa lâu đời của vùng đất cổ; xây dựng hình ảnh hiện đại, năng động cho một khu vực đang phát triển, tạo dấu ấn riêng biệt mà vẫn giữ được chất “Quỳ Châu”. Quỳ Châu giữ nguyên danh xưng gốc, mang tính kế thừa văn hóa, lịch sử của một “vùng đất cổ huyền thoại”, tiếp nối truyền thống 610 năm “Danh xưng Quỳ Châu”.