Sức khỏe

Dấu hiệu nhận biết một người bị say nắng và cách xử lý

Phan Văn Hòa 01/07/2025 15:38

Nhận biết sớm các dấu hiệu say nắng không chỉ giúp bạn phòng tránh tình trạng kiệt sức mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng cần can thiệp y tế khẩn cấp.

Mùa hè năm 2025 đang ghi nhận những đợt nắng nóng gay gắt chưa từng có tại nhiều nơi trên thế giới, với nhiệt độ tăng cao vượt ngưỡng dự báo và đến sớm hơn bình thường.

Trong bối cảnh đó, những ai thường xuyên ở ngoài trời, dù là để làm việc, luyện tập thể thao thì cần đặc biệt lưu ý đến các bệnh liên quan đến nhiệt, trong đó say nắng (heat stroke) là tình trạng nghiêm trọng nhất và có thể gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Điều đáng lo ngại là say nắng không chỉ xảy ra với vận động viên hay người lao động nặng nhọc. Say nắng có thể xuất hiện ngay cả khi bạn chỉ đơn thuần ở trong môi trường nóng trong thời gian dài. Theo Bộ Lao động Mỹ, những người làm việc ngoài trời có nguy cơ cao nhất trong vài ngày đầu tiếp xúc với nhiệt độ cao, vì cơ thể chưa kịp thích nghi.

Bác sĩ Korin Hudson, chuyên gia cấp cứu tại tổ chức chăm sóc sức khỏe MedStar Health (Mỹ) cảnh báo rằng, ngoài người lao động, say nắng còn thường gặp ở người cao tuổi, trẻ nhỏ (kể cả trẻ sơ sinh) và trong các đợt nắng nóng kéo dài. Những người có bệnh nền mãn tính hoặc đang sử dụng một số loại thuốc, kể cả rượu hoặc chất kích thích cũng dễ gặp biến chứng do nhiệt.

Hiểu rõ dấu hiệu và cách xử lý khi say nắng không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn có thể cứu sống người khác. Dưới đây là những điều bạn cần biết.

Triệu chứng say nắng

Khi nhiệt độ mùa hè tiếp tục phá vỡ các kỷ lục toàn cầu, mối nguy hiểm từ các bệnh lý liên quan đến nhiệt ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Trong đó, say nắng là tình trạng nguy hiểm nhất, một trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

Đáng chú ý, say nắng thường không xuất hiện một cách đột ngột. Nó có thể bắt đầu bằng các dấu hiệu kiệt sức vì nóng, đây là trạng thái ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn cần được can thiệp nhanh chóng. Nếu không được làm mát đúng cách, kiệt sức vì nóng hoàn toàn có thể chuyển biến thành say nắng.

Theo Trung tâm y tế học thuật nổi tiếng Mayo Clinic và Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng điển hình của say nắng bao gồm: Thay đổi về nhận thức (lú lẫn, kích động, nói lắp, mất định hướng, hành vi bất thường); Đau đầu dữ dội; Da nóng, đỏ, thường khô; Mất ý thức hoặc lịm dần; Nhịp tim nhanh, thở gấp; Nôn mửa, co giật và Nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường.

Nếu bạn hoặc người xung quanh xuất hiện những triệu chứng trên, đặc biệt khi chúng kéo dài hơn 1 giờ, trở nên nghiêm trọng hơn hoặc kèm theo nôn ói, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Các bước sơ cứu cần thiết khi gặp người bị say nắng

Theo bác sĩ cấp cứu Korin Hudson, sơ cứu đúng cách trong khi chờ đội ngũ y tế đến có thể quyết định giữa sự sống và cái chết. Dưới đây là các bước bạn nên thực hiện:

1. Gọi cấp cứu ngay

Say nắng không thể điều trị tại nhà. Đây là một trường hợp y tế khẩn cấp cần có sự can thiệp chuyên môn. Nếu có người khác ở gần, một người nên gọi cấp cứu, trong khi người còn lại hỗ trợ sơ cứu.

2. Đưa người bệnh đến nơi mát

Di chuyển nạn nhân khỏi khu vực nóng ngay lập tức như vào trong phòng có điều hòa, nơi có bóng râm hoặc bất cứ chỗ nào thoáng mát hơn. Mục tiêu chính là làm hạ nhiệt cơ thể càng nhanh càng tốt.

3. Cởi bỏ bớt quần áo

Loại bỏ quần áo không cần thiết như áo dài tay, quần dài hoặc lớp đồ tập luyện nhiều lớp. Việc này giúp tăng hiệu quả làm mát thông qua bay hơi mồ hôi. Bác sĩ Hudson cũng khuyến cáo rằng, việc mặc nhiều lớp để “đổ mồ hôi giảm cân” là nguy hiểm và có thể dẫn đến say nắng.

4. Làm mát cơ thể ngay lập tức

Dùng khăn lạnh, đá viên, nước mát hoặc bất kỳ dụng cụ sẵn có nào để làm mát các vùng như cổ, nách, bẹn – nơi có nhiều mạch máu lớn gần bề mặt da. Nếu có thể, hãy xịt nước lên cơ thể hoặc ngâm người bệnh trong nước mát. Đây cũng là phương pháp làm mát mà các bệnh viện thường sử dụng để kiểm soát nhiệt độ trong những ca say nắng nghiêm trọng.

Mặc dù uống đủ nước là biện pháp phòng ngừa say nắng rất quan trọng, nhưng trong tình huống người bệnh đã bị say nắng, tuyệt đối không ép họ uống. Lý do là khi nạn nhân bị lú lẫn, mất ý thức hoặc rối loạn thần kinh, khả năng nuốt an toàn bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ sặc nước hoặc nghẹt thở.

Theo bác sĩ Hudson, với những người đã có dấu hiệu say nắng rõ rệt, việc cho uống nước không còn an toàn và cần để chuyên gia y tế quyết định khi tiếp cận hiện trường.

Chủ động phòng tránh là chìa khóa

Say nắng có thể phòng ngừa được nếu bạn uống đủ nước, tránh hoạt động ngoài trời trong thời gian nắng gắt, mặc quần áo phù hợp và theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo ban đầu.

Hãy nhớ rằng, khi cơ thể không còn khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ, hậu quả có thể xảy ra rất nhanh và nghiêm trọng. Vì vậy, đừng đợi đến khi thấy chóng mặt, nôn ói hay mê sảng mới tìm cách xử lý mà hãy hành động sớm.

Việc trang bị kiến thức sơ cứu và nhận biết triệu chứng say nắng không chỉ giúp bạn bảo vệ bản thân mà còn có thể cứu sống người khác trong những ngày hè khắc nghiệt như hiện nay.

Phan Văn Hòa