Sắp xếp tinh gọn bộ máy

Chủ tịch UBND cấp xã ở Nghệ An có thẩm quyền gì khi trực tiếp quản lý các trường học trên địa bàn?

Tiến Hùng 02/07/2025 15:20

Sau khi chính quyền 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, hơn 1.300 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được chuyển giao cho cấp xã quản lý. Để hoạt động thông suốt, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn hướng dẫn UBND các xã trách nhiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Ngày 1/7, cùng với các địa phương trên cả nước, 130 phường, xã ở Nghệ An chính thức tiếp nhận quản lý hơn 1.300 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn. Trong đó, 2 phường có số lượng trường học trên địa bàn phải quản lý lớn nhất là phường Thành Vinh và phường Trường Vinh, với cùng 26 trường học công lập, chưa kể nhiều trường học tư khác. Đây cũng là 2 phường có dân số đông nhất của tỉnh Nghệ An.

Phường Thành Vinh hình thành trên cơ sở sáp nhập từ các phường cũ gồm Cửa Nam, Đông Vĩnh, Hưng Bình, Lê Lợi, Quang Trung và xã Hưng Chính. Còn phường Trường Vinh được hình thành trên cơ sở sáp nhập từ 7 phường, xã cũ gồm: Trường Thi, Trung Đô, Bến Thủy, Vinh Tân, Hưng Dũng, Hưng Phúc và Hưng Hòa.

Kể từ ngày 1/7, Trường Tiểu học Lê Mao cùng với 25 trường học khác trên địa bàn sẽ chuyển về phường Thành Vinh quản lý. Ảnh: H.T
Kể từ ngày 1/7, Trường Tiểu học Lê Mao cùng với 25 trường học khác trên địa bàn sẽ chuyển về phường Thành Vinh quản lý. Ảnh: H.T

Ngoài 2 phường của trung tâm thành phố Vinh cũ này, xã Đô Lương cũng có số lượng lớn trường học trên địa bàn phải quản lý, với 25 trường công lập từ mầm non đến THCS. Đây là xã mới, hình thành trên cơ sở sáp nhập từ 9 xã, thị trấn cũ bao gồm các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn, Lưu Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn, Đà Sơn và thị trấn Đô Lương.

Những thẩm quyền của UBND cấp xã

Trước khi bàn giao cho các phường, xã trực tiếp quản lý, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị cũng đã có công văn về việc hướng dẫn thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND cấp xã khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Công văn này nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã cũng như Chủ tịch UBND cấp xã mới. Cụ thể, về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn xã, phường, đặc khu và chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT trong việc tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

Trong đó, về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển giáo dục, UBND cấp xã có quyền hạn và nhiệm vụ trong việc xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cấp xã phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn thuộc cấp quản lý; tổ chức thực hiện khi được phê duyệt; Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; triển khai kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, chính sách và các nội dung khác về giáo dục sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tham mưu và trình Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (MN, TH, THCS) trên địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

bna_a1.jpg
Bữa ăn bán trú ở một trường vùng cao Nghệ An. Ảnh: Tiến Hùng

Về cơ sở vật chất cho giáo dục, UBND cấp xã có quyền hạn và nhiệm vụ trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giáo dục trên địa bàn trong phạm vi được phân quyền quản lý; Quyết định đầu tư hoặc tham gia đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp học cao nhất là trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng theo quy định; phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng trường chuẩn quốc gia; Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bảo đảm đủ các điều kiện về tài chính, tài sản, cơ sở vật chất và quỹ đất theo quy định về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của cấp có thẩm quyền; tăng cường chính sách xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục trên địa bàn.

UBND cấp xã cũng sẽ quyết định phân bổ, giao dự toán ngân sách đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; duyệt quyết toán, thông báo quyết toán năm và tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách của các cơ sở giáo dục trực thuộc; trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo quy định. Chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học phí theo quy định của pháp luật.

Về đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động, UBND cấp xã sẽ quản lý về tổ chức, nhân sự của trung tâm học tập cộng đồng; Đề xuất nhu cầu đội ngũ nhà giáo trong phạm vi quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền; phối hợp với Sở GD&ĐT trong việc hướng dẫn thực hiện công tác sử dụng, quản lý, thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, nhân sự quản lý, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền.

Chủ tịch UBND cấp xã có quyền thành lập trường mầm non, tiểu học và THCS

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã hướng dẫn trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của chủ tịch UBND cấp xã. Cụ thể, chủ tịch UBND cấp xã có quyền và nhiệm vụ trong việc tổ chức lập kế hoạch xây dựng, đầu tư cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo quy định; báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xoá mù chữ và củng cố chất lượng phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn; phối hợp triển khai chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông, cao nhất là cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; huy động tối đa người trong độ tuổi đi học để bảo đảm phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời.

Về tổ chức hoạt động và quản lý cơ sở giáo dục, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng giáo dục, hoạt động giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình các cơ sở giáo dục MN, TH, THCS (trừ THCS DTNT); Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh đầu cấp các cơ sở giáo dục MN, TH, THCS (trừ THCS DTNT); chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý triển khai công tác đánh giá chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục; thẩm định hồ sơ đánh giá chất lượng giáo dục MN, TH, THCS trước khi gửi về Sở GD&ĐT.

Chủ tịch UBND cấp xã cũng có trách nhiệm và thẩm quyền tổ chức quản lý cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục tiểu học, cơ sở giáo dục trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn quản lý; Chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý nhà giáo và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trước UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT và toàn xã hội; Phối hợp với Sở GD&ĐT và các cơ quan liên quan quản lý việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; Thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.

bna_a2.jpg
Lễ chào cờ ở một trường học. Ảnh: T.H

Về kiểm tra trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của UBND cấp xã; Chỉ đạo, thực hiện giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xử lý vi phạm về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật; Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý; Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, viên chức, người lao động tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Chủ tịch UBND cấp xã cũng có thẩm quyền quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển giáo dục trên địa bàn. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, hệ thống thông tin quản lý phổ cập giáo dục, kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống liên quan; thực hiện công tác thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất, công khai trong lĩnh vực giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và trường học số trong lĩnh vực giáo dục.

bna_a4.jpg
Nghệ An hiện có hơn 1.300 trường học mầm non, tiểu học và THCS. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã hướng dẫn các phường, xã thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 143/2025/NĐ-CP và các Thông tư mới của Bộ GD-ĐT. Cụ thể như Thông tư số 09/2025/TT-BGDĐT ngày 12/06/2025 Quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương 2 cấp đối với giáo dục mầm non; Thông tư số 10/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 Quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục phổ thông; Thông tư số 11/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 Quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 Quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với lĩnh vực nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; Thông tư số 13/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025 Quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh giáo dục.

Các Thông tư này đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng thẩm quyền của UBND cấp xã và Chủ tịch UBND cấp xã. Trong đó, phần lớn là thay thế các cụm từ như thẩm quyền của “UBND cấp huyện”, “Chủ tịch UBND cấp huyện” và “Phòng Giáo dục – Đào tạo”,… trong các văn bản quy định cũ bằng cụm từ “UBND cấp xã”, hoặc “Chủ tịch UBND cấp xã”.

Tiến Hùng