Cần sớm xây dựng cụm di tích, nơi hy sinh của 33 liệt sĩ TNXP ở Nghệ An
Cụm Di tích hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ đường sắt (thuộc TX. Hoàng Mai cũ) đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia và đã được quy hoạch xây dựng thành một cụm di tích, cảnh quan đồng bộ. Vậy nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện.
Chứng tích hào hùng
Hang Hỏa Tiễn là một hang động tự nhiên, nằm trong dãy núi Eo Kín, thuộc địa bàn phường Hoàng Mai (thuộc phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai cũ). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hoàng Mai có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng để chi viện cho chiến trường miền Nam nên các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong từ nhiều địa phương đã được chi viện đến đây để bảo vệ tuyến đường này.

Trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại, hang Hỏa Tiễn được chọn làm điểm trú ẩn và hậu cứ của Tổ 4 - Đội 27, đơn vị C271 Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch từ Hà Nội vào miền Nam.
Vào ngày 28 tháng 4 năm 1966, trong một đợt ném bom ác liệt của không quân Mỹ nhằm phá hủy tuyến giao thông huyết mạch, bom địch đã đánh sập cửa hang, khiến 33 chiến sĩ thanh niên xung phong đang trú ẩn bên trong hy sinh tập thể. Kể từ đó, nhân dân địa phương gọi đây là hang Hỏa Tiễn, để nhắc nhớ về sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ Thanh niên xung phong. Họ hy sinh khi tuổi đời mới vừa mười tám, đôi mươi, với biết bao hoài bão, khát vọng và ước mơ còn dang dở.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước và nhân dân đã quy tập, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ đường sắt ngay cạnh hang để làm nơi an nghỉ cho các anh hùng liệt sĩ. Để ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, ngày 27/4/2011, Bộ VH-TT&DL đã ký Quyết định số 1410/QĐ - BVHTTDL công nhận hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ đường sắt (thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu - nay thuộc phường Hoàng Mai) là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Kể từ đó đến nay, chính quyền địa phương và các cấp, ngành liên quan đã thường xuyên có các hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại hang Hỏa Tiễn cũng như các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ cung đường huyết mạch này.

Mặc dù đã có sự quan tâm của các ban, ngành chức năng, tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, cụm di tích lịch sử quốc gia này lại chưa được đầu tư tương xứng với giá trị.
Những ngày cuối tháng 6/2025, khi ghé thăm cụm di tích này, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi tuyến đường vào di tích hư hỏng, nhỏ hẹp, đất đá lởm chởm và hoang vu, khiến không gian tưởng niệm (nhất là khu vực xung quanh hang Hỏa Tiễn) trở nên mờ nhạt, quạnh vắng.
Đừng để quy hoạch treo!
Với những giá trị lịch sử của Cụm Di tích hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ đường sắt, ngày 30/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm Di tích hang Hỏa Tiễn tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai (nay là phường Hoàng Mai), nhằm mục đích bảo tồn, phát huy và phục vụ các hoạt động giáo dục, văn hóa, tri ân và du lịch tâm linh.
Việc quy hoạch đặt trọng tâm vào việc giữ nguyên cảnh quan tự nhiên vốn có của hang động và khu nghĩa trang, đồng thời, bổ sung các công trình quan trọng. Các hạng mục sẽ được thiết kế hài hòa, gắn kết với địa hình và cảnh quan tự nhiên, vừa đảm bảo chức năng tưởng niệm, vừa tạo điều kiện để nơi đây trở thành điểm đến giáo dục truyền thống và du lịch tâm linh có sức hút.

Trong đó, tổng diện tích được quy hoạch của cụm di tích này là hơn 51,6 ha, được phân chia thành nhiều không gian kiến trúc cảnh quan, lấy trọng tâm là Di tích hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ đường sắt để hình thành nên các không gian mang tính điểm nhấn với các chức năng khác nhau, như: Không gian tưởng niệm; Không gian phát huy giá trị di tích; Khu vực công cộng dịch vụ; Khu phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật.
Ngày 25/8/2023, UBND thị xã Hoàng Mai thời điểm đó cũng đã công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho Cụm Di tích Lịch sử Quốc gia hang Hỏa Tiễn. Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác đầu tư, xây dựng cụm di tích này. Với quy hoạch này, các cấp, ngành và địa phương sẽ có cơ sở pháp lý để phân bổ nguồn vốn, triển khai các gói thầu đầu tư, kêu gọi xã hội hóa, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất, tránh tình trạng lấn chiếm, xây dựng sai mục đích hoặc để di tích tiếp tục xuống cấp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, hiện trạng khu vực lập quy hoạch đang còn hoang vắng. Trong vùng đất quy hoạch đang tồn tại một số công trình của người dân như trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, khu vực nghĩa trang của người dân địa phương… Nếu quy hoạch này không được quản lý chặt chẽ thì sẽ dẫn đến nguy cơ phát sinh thêm các công trình khác, làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng sau này.
Bên cạnh đó, do khoảng cách giữa các điểm Di tích như hang Hỏa Tiễn, Nghĩa trang Liệt sĩ đường sắt, nhà tưởng niệm là khá xa, trong khi đường đi lại xuống cấp, hư hỏng, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tham quan, thăm viếng của nhân dân.

Ông Phạm Văn Hào - Chủ tịch UBND phường Hoàng Mai (nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai) cho biết: Thời điểm sau khi công bố quy hoạch chi tiết 1/500 Cụm Di tích hang Hỏa Tiễn (tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai cũ), chính quyền địa phương thời điểm đó cũng đã tiến hành các bước tiếp theo để tiến hành thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiến hành sáp nhập, xóa bỏ cấp huyện, thời gian tới chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh để giao nhiệm vụ phù hợp. Nếu phường Hoàng Mai (mới) được giao nhiệm vụ đầu tư thì sẽ tiến hành các bước tiếp theo để thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và quy hoạch đã được phê duyệt.
Có thể thấy rằng, việc xây dựng Cụm Di tích hang Hỏa Tiễn không đơn thuần là trách nhiệm bảo tồn lịch sử, mà còn là nhiệm vụ chính trị - văn hóa có ý nghĩa sâu sắc. Thời gian tới, rất cần sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành, địa phương khi được giao nhiệm vụ cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các bước tiếp theo của quy hoạch; cần bố trí nguồn vốn ưu tiên cho giai đoạn đầu tư hạ tầng, đồng thời, ban hành quy chế quản lý để tránh tình trạng lấn chiếm hoặc xâm hại di tích trong thời gian chờ triển khai.
Nếu được đầu tư đúng tầm, Cụm Di tích hang Hỏa Tiễn sẽ không chỉ là một địa chỉ ghi nhớ sự hy sinh, mà còn là không gian của văn hóa, của giáo dục truyền thống, của kết nối cộng đồng. Đó sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững vùng đất Hoàng Mai, Nghệ An, nơi hiện đại và truyền thống cùng song hành.