Pháp luật

Nghệ An xử phạt nhiều doanh nghiệp hút nước ngầm trái phép, thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra việc sử dụng nước ngầm của các doanh nghiệp trên địa bàn

Nhật Lân 04/07/2025 06:28

Đến tháng 6/2025, đã có 5 doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước bị Sở Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản, đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt.

5 doanh nghiệp bị xử phạt

Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (cũ), trong tháng 6/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát hiện 3 doanh nghiệp vi phạm quy định trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Cụ thể: Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Sông Dinh có hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với lưu lượng 50mm3/ngày đêm.

Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc có hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với lưu lượng 15m3/ngày đêm.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Lam Hồng đã xây dựng bể tự hoại để xử lý nước thải sinh hoạt, xây dựng các rãnh để tiêu thoát nước mưa chảy tràn, nhưng chưa xây dựng hố lắng chung để thu gom nước mưa chảy tràn, xử lý nước thải sinh hoạt.

img_20240319_193023.jpg
Một cụm công nghiệp trên địa bàn Quỳ Hợp (cũ), nơi được xác định có nhiều tổ chức khai thác, sử dụng nước ngầm trong hoạt động sản xuất. Ảnh: Thành Cường

Với những vi phạm nêu trên, cả 3 doanh nghiệp đều đã bị UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Trong đó, Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc bị xử phạt với tổng số tiền 15.180.000 đồng; Công ty TNHH Khai thác, chế biến khoáng sản Sông Dinh bị xử phạt với tổng số tiền 50.600.000 đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Lam Hồng bị xử phạt với tổng số tiền 70.000.000 đồng.

Tham gia công tác kiểm tra, ông Nguyễn Văn Linh - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quỳ Hợp (cũ) cho biết, các xưởng chế biến khoáng sản tại các cụm công nghiệp trên địa bàn đều cần sử dụng nguồn nước trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết pháp luật nên họ đã vi phạm quy định pháp luật, dẫn đến bị xử phạt. “Những lỗi dẫn đến bị xử phạt là do doanh nghiệp không lập hồ sơ xin cấp phép khai thác nước ngầm, hoặc có giấy phép khai thác nước ngầm nhưng đã quá hạn lại không làm thủ tục gia hạn…”, ông Nguyễn Văn Linh nêu cụ thể lỗi vi phạm.

Quyết định số 3524 /QĐ-UBND ngày 12/6/2025 của UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Sông Dinh. Ảnh: Nhật Lân
Quyết định số 3524 /QĐ-UBND ngày 12/6/2025 của UBND huyện Quỳ Hợp (cũ) xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Sông Dinh. Ảnh: Nhật Lân

Tìm hiểu thêm ở các địa phương khác, được biết, vào ngày 2/4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng phát hiện và đề nghị UBND huyện Anh Sơn (cũ) xử phạt vi phạm hành chính đối với việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam.

Sau đó, công ty này đã bị xử phạt hành chính 109.600.000 đồng.

Văn bản của Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND cấp huyện xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước; Báo cáo của UBND huyện Anh Sơn (cũ) về việc xử lý vi phạm của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam; Báo cáo của Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc về việc chấp hành quyết định xử phạt. Ảnh: Nhật Lân
Văn bản của Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND cấp huyện xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước; Báo cáo của UBND huyện Anh Sơn (cũ) về việc xử lý vi phạm của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Lam; Báo cáo của Công ty TNHH Hồng Bảo Ngọc về việc chấp hành quyết định xử phạt. Ảnh: Nhật Lân

Ở huyện Diễn Châu (cũ), trong tháng 5/2025, Công ty cổ phần Bạch Ngọc Lâm cũng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với số tiền 70.540.000 đồng. Nguyên nhân là bởi công ty nàyvđã khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ với lưu lượng từ 100m3/ngày, đêm đến dưới 200m3/ngày, đêm mà không đăng ký, không có giấy phép theo quy định. Được biết, giấy phép của công ty này đã hết hạn nhưng công ty chưa thực hiện gia hạn, cấp phép lại theo quy định.

Sẽ tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh

Theo ông Lê Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được quy định rõ tại Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và các quy định pháp luật liên quan.

Vào ngày 26/5/2025, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã có Công văn số 780/TNN-BTB đề nghị các địa phương trên toàn quốc đôn đốc tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ngày 28/5/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có Công văn số 3208/SNNMT-KS về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Hệ thống thiết bị khai thác
Kiểm tra hệ thống thiết bị khai thác nước ngầm tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân

Tại Công văn số 3208/SNNMT-KS, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nước mặt, nước dưới đất, nước biển) phải thực hiện đầy đủ các thủ tục kê khai, đăng ký hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp đã được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, nếu tiếp tục có nhu cầu khai thác tài nguyên nước phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để được xem xét, thẩm định.

Bên cạnh đó, nhắc các tổ chức, cá nhân trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo đúng mục đích, vị trí, lưu lượng, thời gian và các điều kiện khác ghi trong giấy phép; lắp đặt các thiết bị quan trắc, giám sát lưu lượng khai thác sử dụng tài nguyên nước theo quy định; thực hiện kê khai và nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước; không khai thác nước dưới đất vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc sụt lún đất…

“Từ khi Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, sở đã tập trung trong công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân liên quan biết, chấp hành. Vì vậy, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì phối hợp với một số chính quyền địa phương cấp huyện (cũ) tổ chức, kiểm tra và đã phát hiện, xử lý vi phạm đối với một số tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái quy định. Tới đây, sở sẽ phối hợp với chính quyền các phường, xã mới thành lập tiếp tục công tác kiểm tra. Khẳng định rằng, mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Nhật Lân