Quốc tế

Mỹ đóng băng vũ khí cho Ukraine, Điện Kremlin nói thẳng: 'Càng ít tên lửa, xung đột càng sớm kết thúc'

Hoàng Bách 04/07/2025 06:46

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc Mỹ tạm dừng cung cấp một số vũ khí quan trọng cho Ukraine có thể đẩy nhanh sự kết thúc của xung đột. Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Washington xác nhận động thái trên và Kiev có những phản ứng gay gắt.

6866935885f5406e8e301c03.jpg
Ảnh minh hoạ: Getty

Ngày 3/7, trả lời câu hỏi của báo chí, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bình luận về thông tin Mỹ đóng băng các gói viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ông Peskov nhận định rằng Mỹ dường như "đơn giản là không thể sản xuất tên lửa với số lượng cần thiết", và cho rằng nhiều nguồn cung có thể đã được chuyển hướng sang Israel để hỗ trợ trong cuộc đối đầu với Iran. Ông nói thêm, "trong khi việc giao hàng cho Ukraine vẫn tiếp diễn, có một số vấn đề nhất định".

"Càng ít tên lửa từ nước ngoài được chuyển đến Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ càng sớm kết thúc", ông Peskov nhấn mạnh.

Bình luận của Điện Kremlin được đưa ra sau khi các nguồn tin đầu tuần này tiết lộ rằng Washington đã tạm dừng chuyển giao các loại đạn dược quan trọng cho Kiev, bao gồm tên lửa Patriot và Hellfire, rocket GMLRS và hàng nghìn quả đạn pháo 155mm.

Nhà Trắng đã xác nhận thông tin này, tuyên bố "quyết định được đưa ra nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu". Trong khi đó, phái viên của Washington tại NATO, ông Matthew Whitaker, cho biết Mỹ phải "có đủ khí tài trong kho dự trữ để đảm bảo thành công của chính chúng tôi trên chiến trường".

Về phần mình, Lầu Năm Góc cũng phát tín hiệu rằng việc đóng băng các chuyến hàng có thể không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine, khi đề cập đến một "cuộc rà soát lại hoạt động hỗ trợ và trợ giúp quân sự của quốc gia chúng ta cho các nước khác trên toàn cầu".

Thông tin về việc Mỹ tạm dừng viện trợ đã gây ra phản ứng dữ dội ở Kiev. Nữ nghị sĩ Ukraine Mariana Bezuglaya tuyên bố trên mạng xã hội rằng: "Mỹ không còn là đồng minh của chúng tôi nữa", dù hai nước chưa từng ký kết bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về việc này.

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ thái độ hoài nghi về việc viện trợ cho Ukraine mà không nhận lại được gì, và chưa thông qua các gói hỗ trợ mới nào cho Kiev.

Tính đến tháng 3/2025, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 67 tỷ USD viện trợ quân sự, bao gồm 3 hệ thống phòng không Patriot tinh vi và đạn dược, cùng nhiều hệ thống khác do các đồng minh của Mỹ cung cấp.

Từ lâu, Nga đã lên án việc phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả cuối cùng và làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng.

Hoàng Bách