Kinh tế

Trưởng bản 8X ở Nghệ An 'nghĩ khác, làm khác', biến đồi dốc thành 'mỏ vàng' trăm triệu

Thanh Phúc - Khánh Ly 04/07/2025 09:24

Không theo lối canh tác cũ, cũng không trông chờ hỗ trợ từ Nhà nước, người trưởng bản trẻ Quang Văn Thanh ở Mường Piệt (xã Thông Thụ, Nghệ An) đã nghĩ khác, làm khác. Bằng cách phân tầng đất đồi theo địa hình, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp từng độ cao, tạo ra mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả…

bna_1(2).jpg
Anh Quang Văn Thanh hướng dẫn người dân trong bản chăm sóc cây mắc ca. Ảnh: T.P

Lên bản Mường Piệt vào một ngày nắng hanh, chúng tôi theo con đường uốn lượn giữa đại ngàn Thông Thụ để tìm gặp anh Quang Văn Thanh, sinh năm 1986, dáng người gọn gàng, nói năng rành rọt và đặc biệt, ánh mắt lúc nào cũng ánh lên niềm tin vào rừng, vào đất. Anh dẫn chúng tôi ra đồi – nơi được gọi là “khu phân tầng sản xuất” mà anh đã miệt mài kiến tạo suốt hơn 10 năm qua.

“Khi mới về làm đất, bà con ai cũng bảo tôi liều. Đồi dốc đứng thế kia, trồng gì cho ra quả? Nhưng mình nghĩ khác, đất dốc thì mình chia tầng ra mà làm. Cây nào ưa sáng, dễ thoát nước thì trồng cao. Chân đồi thì giữ nước hơn, mình tận dụng trồng cây lấy hạt, còn dưới thung lũng thì làm lúa. Mỗi chỗ một cây, tầng nào việc nấy, không chồng chéo, không để đất nghỉ”, anh Thanh giãi bày.

bna_mang.jpg
Ở tầng cao nhất, anh Thanh dùng để trồng măng bát độ. Ảnh: K.L

Ý tưởng “phân tầng sản xuất” của anh Thanh không chỉ là một giải pháp sản xuất mà còn là một lối tư duy nông nghiệp sinh thái rất khoa học. Trên diện tích hơn 6ha đất đồi rừng, anh chia ra 5 tầng rõ rệt. Tầng cao nhất, thoáng sáng và ít giữ nước, anh trồng 400 gốc măng bát độ. “Mỗi năm mình thu được khoảng 4,5 tấn măng, bán được 20 - 25 triệu đồng. Dễ chăm, không kén đất, lại ít sâu bệnh”, anh chia sẻ.

Ở tầng thứ hai, chân đồi, nơi đất giữ ẩm tốt hơn, anh Thanh đưa vào trồng 300 cây mắc ca. Anh là hộ thứ hai trong bản mạnh dạn đưa loại cây giá trị kinh tế cao này vào đất đồi Thông Thụ. Những cây mắc ca đầu tiên đang trổ lộc, hứa hẹn một mùa quả bội thu trong vài năm tới.

bna_nuoc.jpg
Đầu tư đường ống dẫn nước từ khe suối đầu nguồn về tưới cho cây trồng. Ảnh: T.P

Xuống tầng thứ ba, nơi được coi là thung lũng nhỏ được anh cải tạo làm ruộng nước. “Lúa thì để nhà ăn là chính, mình không mua ngoài bao giờ. Có gạo sạch ăn, nuôi con lợn, con gà cũng sạch theo”, anh cho biết.

Tầng thứ tư là 2 ao cá, mỗi năm cho thu nhập ổn định nhờ bán cá cho bà con quanh vùng. Ao nằm liền kề khu chăn nuôi, nơi anh Thanh nuôi lợn đen bản địa, gà thả đồi, dê cỏ mô hình tổng hợp tận dụng tối đa phụ phẩm để tái tạo nguồn thức ăn.

bna_2(2).jpg
Nuôi dê sinh sản đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình anh. Ảnh: K.L

Và ở vòng ngoài cùng, tầng thấp nhất giáp ranh với đất rừng sản xuất, anh trồng hơn 1ha keo để lấy gỗ. “Cây lâu năm, mình trồng xen vào để lấy ngắn nuôi dài. Vài ba năm thu măng, gà vịt. Đến chu kỳ 5-7 năm thì keo thu hoạch. Vòng quay cứ thế mà làm”, anh Thanh phân tích.

Không dừng lại ở trồng trọt, anh còn lắp đặt hệ thống ống dẫn nước từ khe suối đầu nguồn về phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt. Hỏi anh vì sao lại đầu tư nhiều công sức đến vậy, anh bảo: “Có nước thì cây mới sống, đất mới giữ được. Đào ao, dẫn nước cũng là cách để chống cháy rừng, giữ ẩm, hạn chế xói mòn”.

bna_mac.jpg
Tầng chân đồi, nơi đất giữ ẩm tốt hơn, anh Thanh đưa vào trồng 300 cây mắc ca. Ảnh: T.P

Cách làm “phân tầng” ấy, nghe thì đơn giản, nhưng để triển khai được trên thực tế ở vùng đồi núi ở Thông Thụ không hề dễ. Phải có sức, có kỹ thuật, lại càng phải có niềm tin. Và hơn hết, phải có tầm nhìn, biết cây nào hợp đất, con gì dễ nuôi, thị trường đang cần gì… để đặt đúng chỗ.

“Ngày tôi bắt đầu làm, nhiều người hoài nghi lắm. Nhưng giờ họ thấy đất sống được, rừng giữ được, lúa gạo, cá thịt đủ ăn, có đồng ra đồng vào… thì lại đến học hỏi. Mình mừng vì bà con bắt đầu nghĩ khác, làm khác”, anh Thanh nói, mắt ánh lên niềm vui.

bna_lua.jpg
Dưới chân đồi, anh trồng lúa nước, đào ao, thả cá. Ảnh: T.P

Mỗi năm, từ mô hình kinh tế tổng hợp phân tầng ấy, anh thu về trên 100 triệu đồng, một con số không nhỏ với đồng bào miền núi. Nhưng với anh, thành công lớn nhất không phải là con số, mà là khi người dân thay đổi tư duy làm nông.

Chúng tôi rời bản Mường Piệt khi mặt trời đã khuất sau lưng đồi. Trên triền đất được phân tầng như bậc thang, lấp lóa ánh xanh của rừng, thấp thoáng bóng dáng trưởng bản trẻ đang lúi húi dọn cỏ dưới gốc mắc ca. Câu nói của anh vẫn vang trong tâm trí: “Mình sinh ra ở rừng, phải biết sống cùng rừng, giữ đất, giữ nước cho con cháu mình sau này”.

Thanh Phúc - Khánh Ly