Xã hội

Chữ Thái ở Nghệ An, lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu và nghệ thuật trống tế Yên Thành được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thành Chung 05/07/2025 10:47

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nghệ An có thêm 3 di sản được đưa vào danh mục này.

Ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký các Quyết định số 2190/QĐ-BVHTTDL, 2191/QĐ-BVHTTDL và 2192/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dạy cho thế hệ trẻ cách việt chữ Thái cổ
Nghệ nhân ở xã Quỳ Châu dạy cho thế hệ trẻ cách viết chữ Thái. Ảnh: Thành Chung

Theo các quyết định: Tiếng nói, chữ viết “Chữ Thái ở Nghệ An thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, huyện Quỳ Hợp, huyện Quỳ Châu, huyện Quế Phong, huyện Tân Kỳ, huyện Anh Sơn, huyện Con Cuông, huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An"; Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”; Nghệ thuật trình diễn dân gian "Nghệ thuật Trống tế Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An"... được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

ảnh đình tuân
Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu. Ảnh: Đình Tuân

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trước đó, vào ngày 3/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký Quyết định số 1657/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề dệt thổ cẩm của người Thái tại tỉnh Nghệ An vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống.

Ảnh An Nam
Trình diễn Nghệ thuật Trống Tế Yên Thành. Ảnh: An Nam

Việc công nhận nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An; Chữ Thái ở Nghệ An; Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu xã Nga My, huyện Tương Dương; Nghệ thuật Trống tế Yên Thành... là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ ghi nhận giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Nghệ An, mà còn tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy nghề thủ công gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới./.

Thành Chung